Làm báo cùng Giao thông

Cuộc “cách mạng” của Hà Nội gây tranh cãi

06/07/2018, 06:47

Vài ngày nay, mạng xã hội đã “dậy sóng” khi báo chí trích đăng ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về việc...

4

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: Trần Hải

Nhiều ý kiến phản biện được cộng đồng mạng ào ạt chia sẻ cho rằng, việc thu phí này đi ngược lại các quy định pháp luật, thậm chí là cả Hiến pháp. Công dân có quyền được đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nhóm máu hay tình trạng hôn nhân. Có người khẳng định, Nhà nước cần tập trung làm tốt công tác quản lý hành chính và an toàn xã hội chứ không chỉ chăm chăm khai thác dữ liệu cá nhân như “một mỏ vàng để đem bán giá rẻ”.

Thực ra, dư luận chỉ trích gay gắt người đứng đầu Hà Nội không phải không có lý khi xã hội ngày càng văn minh thì người ta càng có nhu cầu bảo vệ bí mật đời tư. Và việc ai đó định đem bán cái mà mình sở hữu mới nghe đã thấy có gì đó không ổn.

Nhưng ít ai biết, ông Chung không phải là người “nghĩ ra” ý tưởng này. Chính phủ đã có đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí khai thác sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ khá lâu. Tất cả đều nêu rõ Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ quyết định tổ chức, cá nhân nào được khai thác đúng quy định pháp luật và đảm bảo bí mật đời tư của công dân.

Nếu đề án này sớm được triển khai, dân ta sẽ như tây, đến làm thủ tục hành chính hay các dịch vụ đặc biệt chỉ cần đọc mã số thẻ căn cước mà không cần mang theo nào hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe…

Tuy nhiên, để làm được điều này cần một nguồn lực khổng lồ để thực hiện nếu chỉ trông chờ vào ngân sách. Tất cả sẽ vẫn là trên giấy bởi ai sẽ chi trả chi phí thu thập dữ liệu, số hóa dữ liệu, xây dựng đường truyền và hệ thống bảo mật thông tin?

Trong bối cảnh ấy, đề xuất của Hà Nội có thể nói là “lĩnh ấn tiên phong”.

Các dịch vụ như ngân hàng, công chứng đơn vị có thu nên đương nhiên muốn sử dụng khai thác các thông tin đó thì phải trả phí. Thu phí là để bù đắp vào khoản chi phí rất lớn mà ngân sách không gánh nổi. Đối tượng đóng là những cơ quan có nhu cầu khai thác chứ không phải người dân.

Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ và mong chờ Hà Nội sớm làm được cuộc cách mạng chưa từng có trong cải cách hành chính này. Bởi thông tin cá nhân và bí mật đời tư là hai khái niệm không đồng nhất, việc công dân cung cấp thông tin cá nhân nhằm phục vụ quản lý Nhà nước vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ.

Luật Căn cước công dân đã quy định rõ về đối tượng được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tại sao chúng ta lại phản đối khi mục đích chia sẻ những thông tin cần thiết cho các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính là giúp giảm giấy tờ của công dân. Đối tượng hưởng lợi của việc chia sẻ thông tin này chính là người dân.

Một đằng cứ mong muốn đơn giản hóa thủ tục, bớt giấy tờ phải trình báo, một đằng cứ khư khư không muốn chia sẻ những thông tin cá nhân đó tới cơ quan giải quyết thủ tục thì đến bao giờ mới thực hiện được? Cuộc cách mạng nào cũng nhiều trở ngại, nhưng Hà Nội làm được sẽ xứng đáng là thủ đô của cả nước.

Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả không nhất thiết trùng với quan điểm của Tòa soạn. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.