Quản lý

Cuộc chạy đua “tiêu tiền” của các PMU giao thông

19/01/2021, 06:11

Khối lượng và tỷ lệ giải ngân của ban quản lý dự án nào càng lớn càng chứng tỏ ban quản lý dự án đó hoạt động hiệu quả.

img

Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long là một trong số các dự án được Ban QLDA Thăng Long hoàn thành thi công đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng trong năm 2020. Ảnh: Tạ Hải

Không giống hoạt động sản xuất kinh doanh thuần túy khi sức mạnh của doanh nghiệp được đong đếm bằng giá trị doanh thu và lợi nhuận, với lĩnh vực quản lý dự án, giá trị giải ngân vốn mới là thước đo phản ánh hiệu quả. Khối lượng và tỷ lệ giải ngân của ban nào càng lớn càng chứng tỏ ban quản lý dự án đó hoạt động hiệu quả.

Những “đầu tàu” giải ngân vốn giao thông

Còn hơn 10 ngày nữa mới đến thời hạn cuối cùng giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 (ngày 31/1/2021) nhưng các ban quản lý dự án (PMU) thuộc Bộ GTVT đã cơ bản “chốt sổ”. Các con số dường như đã được ấn định.

Nhìn vào những số liệu đã công bố, có thể khẳng định, 2020 là năm rất thành công của các PMU giao thông trong công tác giải ngân vốn đầu tư công khi hầu hết các đơn vị đều đạt tỷ lệ giải ngân tối thiểu lên tới 99%, thậm chí có đơn vị còn vượt trên 100% kế hoạch.

Dù vậy, dễ nhận thấy là vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa một số ban quản lý dự án “đầu tàu” so với phần còn lại về khối lượng giải ngân thực hiện. Ngay ở nhóm cạnh tranh vị trí top đầu, nếu vài năm trước luôn là cuộc “so kè” quyết liệt của những tên tuổi lớn như: PMU Thăng Long, PMU đường Hồ Chi Minh và PMU7, thì năm 2020, PMU Thăng Long đã bứt phá ngoạn mục, bỏ xa các đơn vị còn lại để chiếm giữ vị trí số 1 với kết quả giải ngân tính đến ngày 11/1/2021 lên tới 8.565,3/8.694,2 tỷ đồng (đạt 98,5%).

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự kiến đến hết ngày 31/1/2021, Ban QLDA Thăng Long sẽ giải ngân thêm 124,8 tỷ đồng, nâng kết quả giải ngân của cả năm 2020 lên 8.681,9 tỷ đồng (đạt 99,9% kế hoạch), tăng 5.091 tỷ đồng so với năm 2019, cao nhất trong số các đơn vị thuộc Bộ GTVT.

“So với tổng kết quả giải ngân của Bộ GTVT khoảng 36.000 tỷ đồng, Ban QLDA Thăng Long chiếm khoảng 25%”, ông Huấn nói.

Theo ông Huấn, trong năm 2020, Ban QLDA Thăng Long đã hoàn thành thi công đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng 4 dự án: Cầu Thịnh Long, QL217 giai đoạn 2, cầu Sông Chùa và cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Đồng thời, đơn vị này còn tiến hành khởi công đúng tiến độ để triển khai thi công quyết liệt 3 dự án mới trong năm 2020, gồm: Cao tốc Mai Sơn - QL45; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài.

Không thể so bì với PMU Thăng Long về mặt giá trị giải ngân, song PMU đường Hồ Chí Minh lại có điểm sáng về tỷ lệ giải ngân đạt được thuộc diện cao nhất trong các đơn vị của Bộ GTVT. Ông Lê Thanh Bình, Phó giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, đơn vị đã giải ngân được 4.560 tỷ đồng (đạt 110%, vượt kế hoạch yêu cầu), gồm: 4.149 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và 411 tỷ đồng vốn cho dự án BT La Sơn - Túy Loan.

Tại khu vực phía Nam, Ban QLDA7 được Bộ GTVT giao triển khai quản lý hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang tổ chức thi công, gồm: Cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, QL53 Trà Vinh - Long Toàn… với số vốn kế hoạch năm 2020 được giao lên tới 3.611 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2020, đơn vị đã giải ngân được 3.448,5 tỷ đồng (đạt 95,5%). Dự kiến, đến hết 31/1/2020, sẽ giải ngân được khoảng 3.585 tỷ đồng, đạt 99,3% kế hoạch năm 2020.

Nếu xét về giá trị giải ngân, thống kê của Báo Giao thông cho thấy, các vị trí tiếp theo sẽ thuộc về Ban QLDA6 (đã giải ngân hơn 3.075 tỷ đồng, đạt hơn 99%), Ban QLDA Đường sắt (đã giải ngân 2.891 tỷ đồng, đạt 100%), Ban QLDA2 (đã giải ngân gần 1.900 tỷ đồng)…

Người tiến, kẻ lùi

img

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 là một trong những dự án do Ban QLDA Thăng Long quản lý và đang tích cực triển khai thi công (Trong ảnh: Các đơn vị thi công tham gia nghi thức khởi công Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 ngày 30/9/2020)

Kết quả đạt được trong năm 2020 đã tạo tiền đề để nhiều PMU giao thông đặt ra những mục tiêu lớn về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021. Đáng kể nhất là PMU2, sau nhiều năm khó khăn vì thiếu việc làm thì ngay đầu năm 2021, hai dự án ODA quy mô lớn do đơn vị làm đại diện chủ đầu tư sẽ được khởi công xây dựng, gồm: Dự án nâng cấp QL19 và dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc.

Cùng đó, một công trình khác do PMU2 đảm nhiệm vai trò quản lý dự án là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công, dự kiến khởi công trong tháng 5/2020.

Ông Bùi Văn Rạng, Phó giám đốc PMU2 cho biết, hiện nay, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách năm 2021 khoảng 2.352 tỷ đồng, gồm: 2.240 tỷ đồng vốn cho các dự án ODA và hơn 110 tỷ đồng cho các dự án vốn Trái phiếu Chính phủ.

Đối với PMU7, trong năm 2021, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và cầu Mỹ Thuận 2 bước vào giai đoạn triển khai thi công rầm rộ, cùng đó là hai dự án nâng cấp tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp và QL53 Trà Vinh - Long Toàn sẽ chạy nước rút để về đích, hứa hẹn sẽ tạo ra những cú hích lớn về giải ngân vốn đầu tư công để cạnh tranh vị trí top 1.

“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch giải ngân cho năm 2021 khoảng 6.000 tỷ đồng, riêng hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dự kiến giải ngân khoảng 3.200 tỷ đồng”, đại diện PMU7 chia sẻ.

Với PMU Thăng Long, trường hợp tiếp tục giữ được sự ổn định và không có nhưng diễn biến bất thường trong quá trình triển khai, đơn vị này sẽ tiếp tục chiếm giữ vị trí số 1 về giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT. “Năm 2021, chúng tôi dự kiến giải ngân khoảng 10.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc PMU Thăng Long nói.

Ở chiều ngược lại, một số PMU được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhưng do không có nhiều dự án mới quy mô lớn triển khai thi công trong năm 2021 đã buộc phải xây dựng kế hoạch giải ngân xuống so với trước.

Điển hình là PMU đường Hồ Chí Minh, năm 2020 đã giải ngân lên tới hơn 4.560 tỷ đồng nhưng trong năm 2021, đơn vị này chỉ đặt mục tiêu giải ngân khoảng 3.988 tỷ đồng, trong đó riêng phần trả nợ khoản vay nước ngoài cho dự án BT La Sơn - Túy Loan đã lên tới 1.381 tỷ đồng.

Tương tự, đại diện PMU6 cho biết: “Đến nay, chúng tôi mới được giao kế hoạch năm 2021 gần 800 tỷ đồng, thuộc dạng thấp nhất trong số các ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT. Ban QLDA6 không có nhiều dự án mới quy mô lớn triển khai trong năm 2021 nên buộc phải xây dựng kế hoạch giải ngân thấp hơn so với năm 2020”.

Năm 2021, Bộ GTVT tiếp tục đặt mục tiêu top đầu

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KHĐT cho biết, năm 2020, Bộ GTVT được giao giải ngân hơn 39.800 tỷ đồng, gồm hơn 36.100 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2020 và hơn 3.700 tỷ đồng vốn kế hoạch kéo dài. Tính đến tháng 11, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng (đạt 80,6%), cao hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước (64,5%). Dự kiến đến hết ngày 31/1/2020, Bộ GTVT phấn đấu giải ngân tối thiểu trên 90% kế hoạch cả năm 2020.

Trong năm 2021, Bộ GTVT được phân bổ gần 43.000 tỷ đồng, gồm hơn 4.830 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 38.150 tỷ đồng vốn trong nước. Năm 2021, Bộ GTVT tiếp tục đặt mục tiêu tiếp tục ở top đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.