Doanh nghiệp

“Cuộc chiến“ chống chuyển giá: Keangnam Vina và "bài học tự giác"

13/05/2015, 05:20

Không thể trông chờ sự tự giác vì doanh nghiệp nào cũng muốn tận dụng kẽ hở pháp luật để thu thêm lợi nhuận.

41

Keangnam Vina đã nộp 95 tỷ đồng tiền thuế sau khi bị
“sờ gáy”

Các cơ quan chức năng khẳng định, họ “nhìn thấy” chuyển giá nhưng không “bắt” được vì pháp luật còn “lỗ hổng”. Nhưng các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, suốt gần chục năm, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể bịt “kẽ hở” để “bắt” chuyển giá.

“Nhìn thấy” mà không “bắt” được

Cuối năm 2012, đại gia Keangnam Vina lọt vào “tầm ngắm” nghi vấn chuyển giá, mới thấy rõ luật còn “lỗ hổng” để các doanh nghiệp lợi dụng. Đơn cử như việc ký hợp đồng vay vốn của Keangnam Vina với ngân hàng Kookmin Bank (thành viên của công ty mẹ Keangnam Investment tại Hàn Quốc), Keangnam Vina đã trả lãi suất lên tới 12%/năm, gấp đôi mức lãi suất cho vay vốn bằng USD tại các ngân hàng Việt Nam thời điểm đó. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có quy định khống chế mức trần lãi suất tiền vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam mà vay vốn của ngân hàng nước ngoài.

"Cơ quan thuế cần nâng cao năng lực về thuế, chứ không phải chỉ làm mỗi việc là đi thu thuế”.

GS. TS Nguyễn Mại
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài

Không chỉ có thế, đi kèm với hợp đồng vay vốn ngân hàng Kookmin Bank là một khoản chi phí lên tới 30 triệu USD với tên gọi “phí cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, thu xếp vốn vay” được Keangnam Vina hạch toán vào chi phí tài chính.

Một chi tiết khác là việc Keangnam Vina ký hợp đồng xây dựng với công ty Keangnam Enterprises, cũng là một thành viên trong công ty mẹ. Theo quy định của Việt Nam, Keangnam Enterprises được lựa chọn giữa hai hình thức đóng thuế là đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên lợi nhuận hoặc đóng thuế nhà thầu theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sau khi đã trừ đi doanh thu của các nhà thầu phụ. Keangnam Enterprises đã chọn cách đóng thuế thứ hai, và số tiền thuế phải nộp của Keangnam Enterprises chỉ tương đương 10% so với cách đóng thuế thứ nhất.

Không thể trông chờ sự tự giác

Theo tiết lộ của một lãnh đạo Tổng cục Thuế với Báo Giao thông mới đây, ngay sau khi bị “sờ gáy”, Keangnam Vina đã tự giác điều chỉnh một số chi phí. Và sau khi trừ đi các khoản thuế được hoàn, Keangnam Vina đã nộp 95 tỷ đồng tiền thuế theo quy định.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giá là câu chuyện của nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp nào cũng muốn tận dụng sơ hở của pháp luật để thu thêm lợi nhuận, cho nên vai trò của nhà nước là tìm ra các kẽ hở của pháp luật để bịt nó lại. “Có thể bịt “kẽ hở” này thì lại xuất hiện “kẽ hở” khác, nhưng khi đã phát hiện ra “kẽ hở”, thì vẫn phải bịt nó lại ngay, để doanh nghiệp không trốn thuế, lậu thuế”, ông Mại nói.

GS. TS Nguyễn Mại cho rằng, chúng ta đã phát hiện hàng loạt vụ việc liên quan tới Coca-Cola, Keangnam Vina..., đáng lẽ Tổng cục Thuế khi đó phải cử cán bộ giỏi nhất đi thanh tra thuế, tìm cách bắt những các tập đoàn này nộp đủ số thuế và phát hiện nhiều sơ hở của pháp luật để khắc phục. Cơ quan thuế cần nâng cao năng lực về thuế, chứ không phải chỉ làm mỗi việc đi thu thuế. Việc mất tới 4-5 năm đi thanh tra Metro, nay mới công bố là quá muộn. “Cũng may họ chưa bán nó cho tỷ phú Thái Lan, vì nếu bán rồi thì vụ việc còn phức tạp hơn rất nhiều”, ông Mại nhìn nhận.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, chúng ta cần phải điều chỉnh lại luật pháp chứ không thể trông chờ sự tự giác. “Các tập đoàn đa quốc gia trả lương cho các chuyên gia tư vấn thuế rất cao, chỉ để tìm ra các kẽ hở luật pháp của các nước để lách. Và ngay từ khi đàm phán đầu tư, họ đã “mặc cả” để hưởng nhiều nhất các ưu đãi”, ông Thành cho hay.

Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới (Viện Nghiên cứu Kinh tế - chính trị thế giới) cho rằng, muốn làm được điều đó thì ngành thuế phải có đội ngũ chuyên gia, phải có cán bộ thuế giỏi cả về ngoại ngữ và pháp luật, không thể để vụ việc chuyển giá cứ nằm trong diện nghi ngờ mãi mà không chứng minh được; hay khi có vụ việc có bằng chứng thì không có chế tài xử lý. “Nên rút giấy phép “thẳng cánh” những trường hợp chứng minh được là có hành vi chuyển giá bởi họ cũng cần thị trường để hoạt động. Việc xử phạt này sẽ góp phần răn đe với những trường hợp chỉ muốn kinh doanh kiểu lợi dụng, chụp giật không lành mạnh”, ông Sơn đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.