Kinh tế

Cuộc chiến giữa báo chí với mạng xã hội

21/06/2015, 06:32

Mỗi ngày, bạn dành bao nhiêu thời gian đọc báo, bao nhiêu thời gian cho mạng xã hội?

193
Các sạp báo một thời tấp nập người mua nay chỉ thấy người bán ngồi đọc báo giấy - Ảnh: Thùy Sinh

Mạng xã hội vài năm trước chỉ là nơi kết nối, giao lưu, chia sẻ thông tin về những thứ thường nhật, nay trở thành diễn đàn chia sẻ quan điểm, cách nhìn nhận đa chiều về nhiều vấn đề mang tính chính trị - thời sự. Vậy chuyện gì đang xảy ra với báo chí chính thống?

Vùng vẫy trong hào quang cũ

Với những tờ báo ngày, họ đang rơi vào cảnh lượng phát hành và quảng cáo sụt giảm, phá vỡ mô hình kinh doanh vốn không thể vá víu ngay cả khi tờ báo có thêm một lượng lớn độc giả trên mạng. Có thể quyền lực, uy tín và lợi nhuận một thời khiến các đế chế báo in nghĩ rằng chỉ cần một chiến dịch tiếp thị đúng đắn và cải tiến trang web sẽ giúp khôi phục lại được tờ báo của mình. Rất nhiều nhà kinh doanh báo chí còn không thể hiểu tại sao rất nhiều người trong số hàng triệu độc giả của họ lại quay lưng và tìm kiếm thông tin ở những nguồn khác.

Vì vậy, những tờ báo ngày tiếp tục tìm kiếm tương lai theo cách mà các nhà báo lâu năm trong lĩnh vực tài chính dễ dàng nhận ra rằng, đó là chiến lược kinh doanh yếu ớt: Chỉ cần tiết kiệm chi phí và đầu tư một chút vào công nghệ là đủ để cầm cự chờ đợi thời hoàng kim quay lại. Tuy nhiên, điều đó sẽ không thể kéo dài mãi. Các khoản lỗ và uy tín sụt giảm sẽ khiến các ông chủ báo cảm thấy nản lòng.

194
 

Mạng xã hội thắng thế và tìm cách trở thành tờ báo

Người người tìm tới mạng xã hội. Sau vài năm thờ ơ, giờ đây các công ty kinh doanh đã coi mạng xã hội là một kênh quảng cáo có sức hút cực kỳ to lớn, lấn át báo chí truyền thống. Sự thành công của Facebook, Twitter, LinkedIn, Instagram, Google và SnapChat trong lĩnh vực cung cấp thông tin khiến cả báo chí lẫn doanh nghiệp đều phải để mắt đến. Gần như tất cả những mạng xã hội này đều tìm cách để trở thành một tờ báo và cũng có thể nói họ làm được điều đó rồi thông qua việc thuê các nhà văn, biên tập viên hoặc khuyến khích các tờ báo đăng tải thông tin trên các nền tảng của họ. Hệ thống mạng xã hội và thương mại đang từng bước thống trị các hoạt động trực tuyến, độc giả của họ đương nhiên là những người trẻ tuổi.

Thách thức của mạng xã hội đối với báo chí truyền thống là ở chỗ mạng xã hội thu hút được nhiều thành viên. Facebook có 1,4 tỷ người dùng, vượt mặt Google về lượt truy cập. Trong cuộc bầu cử tháng 5/2015 tại Anh, chiến trường chính của các ứng viên không có gì ngạc nhiên khi nằm trên mạng xã hội. Không còn chuyện đi từng nhà gõ cửa, tổ chức các cuộc họp hay gửi thư vận động nữa, mà cuộc chiến chính được phân định thắng thua bằng những hashtag, retweet và like trên mạng xã hội. Càng có nhiều người chia sẻ thông tin, thích những dòng trạng thái của ứng viên trên mạng xã hội, họ càng tiếp cận được nhiều đối tượng hơn.

Tại Anh, các quảng cáo mang tính chính trị đều bị kiểm soát chặt chẽ trên báo chí, truyền hình, phát thanh. Điều đó lại không diễn ra đối với Internet, mạng xã hội, vì vậy các đảng phái chính trị không ngần ngại đổ tiền vào những chiến dịch quảng bá trên Facebook, Twitter, Youtube để phát những quảng cáo mang nặng tính tấn công thường gặp ở Mỹ nhưng chưa hề xuất hiện tại Anh trước đó. Trên tài khoản mạng xã hội của đảng Bảo thủ, lãnh đạo đảng Lao động Ed Miliband được mô tả như một kẻ tiêu pha tiền thuế liều lĩnh chỉ để nuôi những kẻ ly khai Scotland. Trong khi đó, tài khoản của đảng Lao động lại vẽ ra hình ảnh Cameron hèn nhát khi từ chối tham gia những cuộc tranh luận về bầu cử trên truyền hình.

Carl Miller, Giám đốc Trung tâm Phân tích Truyền thông xã hội tại Viện Nghiên cứu Demos cho rằng: “Những đảng phái chính trị lớn đang đầu tư chưa từng thấy để tìm cách “thống trị mảnh đất trực tuyến”. Sự nổi lên của các chiến dịch vận động trực tuyến là phản ánh những thay đổi cơ bản đang diễn ra khi các cử tri thường tìm kiếm thông tin trên mạng Internet và quan điểm của họ cũng chịu tác động lớn từ đó. Với những cử tri trẻ tuổi, 34% cho biết, mạng xã hội ảnh hưởng đến lá phiếu của họ. Đó là tỷ lệ quá lớn”.

Chris Cox, người đứng đầu Facebook’s News Feed cho biết, nhóm của ông đang điều đình với các nhà xuất bản và những tờ báo lớn về việc lưu trữ nội dung họ viết trực tiếp trên Facebook, ông cho rằng đó là nơi có thể cung cấp một kho lưu trữ thông tin tốt hơn hiện tại. Mới nghe qua, đây có vẻ là một đề nghị hợp tác hấp dẫn nhưng thực tế đó là mối đe dọa đối với báo chí, bởi báo chí truyền thống quen với việc sở hữu nội dung và cả nền tảng đăng tải thông tin. Rõ ràng, với lời đề nghị như vậy, Facebook không có ý muốn trở thành đối tác với báo truyền thống mà là trở thành đối thủ. Một đối thủ đang làm rất tốt việc quảng cáo vốn từng là thế mạnh của báo chí. Trên thực tế, tin tức chỉ là một phần nội dung rất nhỏ trên mạng xã hội, chính vì vậy, họ sẽ không bao giờ trả nhiều tiền cho các tờ báo luôn coi thông tin của mình là tài sản giá trị cao.

Lối thoát nào cho báo chí?

Báo chí truyền thống hiện tại vẫn đang cố gắng thích ứng bằng cách sản xuất cùng một nội dung cho hai định dạng khác nhau là in ấn và online. Tuy nhiên, họ chưa nhận thức được rằng đối thủ chính của họ không phải những tờ báo khác mà chính là các mạng xã hội đang ngày một phổ biến.

Jeff Jarvis, giáo sư Đại học City New York tổng kết lối thoát cho báo truyền thống như sau: Đầu tiên, những tờ báo, hãng tin truyền thống phải trở thành những công ty công nghệ và thích nghi với thế giới nơi báo in vẫn tồn tại nhưng đứng sau báo trực tuyến. Làm thật tốt báo trực tuyến và tận dụng mạng xã hội để khuếch trương. “Hãy làm những điều tốt nhất bạn có thể làm và kết nối với càng nhiều người càng tốt. Không cần thiết phải sử dụng tới 25 tài khoản trên mạng xã hội để đăng đi đăng lại một câu chuyện khi nó có thể xuất hiện trên một trang web khác ngay sau khi có ai đó chia sẻ phần đăng tải của bạn. Hãy cứ làm ra một sản phẩm tốt, người khác sẽ giúp bạn truyền tải nó tới nhiều độc giả thông qua mạng xã hội”, Jarvis nói.

Bên cạnh đó, báo chí truyền thống phải trở thành những bậc thầy sản xuất video. Doanh thu từ quảng cáo video trực tuyến và số lượng khán giả xem ngày càng tăng cho thấy đây là lựa chọn thông minh cho tương lai của báo chí. (Hiện, lượt xem video trực tiếp trên Facebook đạt khoảng 4 tỷ lượt/ngày, vượt cả kênh Youtube của Google - ND).

Cuối cùng, báo chí phải học cách trở thành đối tác kinh doanh tốt. Những tờ báo ngày với các nhà báo, biên tập viên có đầu óc độc lập và không ngần ngại nói toạc các ý kiến của mình thường được coi là những vị vua trong thế giới của họ. Tuy nhiên, bây giờ họ phải học cách xây dựng mối quan hệ đối tác, liên minh và thậm chí phải liên kết với các công ty trực tuyến đa dạng như mạng xã hội, nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ giải trí và những nhóm truyền thông khác.

Trong một thế giới ngày càng rộng mở với thông tin đa chiều, nếu sống mãi trong hào quang quá khứ và không chịu thay đổi, thích nghi, báo chí truyền thống chẳng mấy chốc sẽ bị lu mờ và phá sản bởi mạng xã hội. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.