Thế giới giao thông

Cuộc chiến khốc liệt giành nguồn kim loại thô làm pin xe điện

20/11/2022, 06:30

Bên nào có đủ nguồn cung kim loại thô để sản xuất pin điện, bên đó sẽ nắm chắc phần thắng.

Hiện châu Phi đang là nơi mà cả Trung Quốc, Mỹ và phương Tây nhắm tới để cung cấp nguồn khoáng sản cần thiết cho pin xe điện trong tương lai.

Thiếu khoảng sản, không thể sản xuất đủ pin

img

Ảnh minh họa cuộc chiến xe điện Trung Quốc - Mỹ

Để giảm khí thải nhà kính, nhiều nước đang khuyến khích phát triển và sử dụng phương tiện chạy bằng điện (EV). Song, tương lai bền vững trong ngành công nghiệp xe điện đang phụ thuộc vào khả năng tiếp cận nguồn cung một số kim loại quan trọng để sản xuất pin như lithium.

Ông Chris Berry, Chủ tịch House Mountain Partners có trụ sở tại New York, Mỹ nhận định, nhu cầu lithium tăng cao xuất phát từ nhiều yếu tố.

Chẳng hạn, nhiều chính phủ có chính sách trợ giá cho người mua xe điện, có nhiều hoạt động về môi trường, xã hội… Đặc biệt các nhà sản xuất ô tô cuối cùng cũng nhận ra sự cần thiết của nguồn cung cấp kim loại cho pin điện tử quan trọng thế nào.

“Nếu không có đủ nguồn cung kim loại thô để sản xuất pin điện như lithium, cobalt và nickel, các nhà sản xuất sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển thị phần trong cuộc đua cạnh tranh xe điện ngày càng mạnh”, ông Berry nói và nhận định, nhu cầu lithium toàn cầu sẽ còn tăng đến năm 2030.

Hiện tại, Australia, Chile và Argentina vẫn là các thị trường quan trọng đối với lithium, nhưng châu Phi cũng có thể cung cấp phần lớn khoáng sản cần thiết cho pin xe điện có thể sạc lại.

Còn theo ông Zayn Jaylan, Giám đốc điều hành Infinity Stone – một nhà cung cấp kim loại cho xe điện cho biết, các kim loại quan trọng của châu Phi sẽ giúp giải quyết cuộc cách mạng EV và nhiều công nghệ khác cần để đối phó biến đổi khí hậu. Bởi các mỏ khoáng sản chất lượng cao được tìm thấy ở châu Phi là kinh tế nhất, trong khi lại không tác động nhiều đến khí hậu và phát thải khí nhà kính thấp nhất.

Đồng tình, bà Moreno, Chủ tịch Defense Metals cho rằng, thế giới không thể phát triển hàng trăm mỏ khoáng sản quan trọng như dự kiến ​​của Cơ quan Năng lượng Quốc tế và sản xuất một khối lượng lớn các vật liệu này mà không có sự đóng góp đáng kể từ châu Phi.

Trung Quốc hiện đang chiếm ưu thế từ khâu khai thác các loại khoáng sản quan trọng được sử dụng để sản xuất pin xe điện, cho tới là nhà sản xuất hàng đầu và bán xe điện top 1 thế giới. Hiện tại, các công ty Trung Quốc đang chiếm ưu thế về khai thác và chiết xuất kim loại dùng cho pin từ châu Phi, đặc biệt là ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Zimbabwe.

Trung Quốc cung cấp hơn 60% kim loại đồng - một vật liệu khác rất cần cho pin xe điện - được khai thác từ DRC. Từ năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã giành được hợp đồng tại Zimbabwe để khai thác lithium.

Trung Quốc là quốc gia chiếm ưu thế trong xử lý và tinh chế lithium, chiếm khoảng 58% trong tổng sản lượng toàn cầu. Trong khi, tỷ lệ tinh chế của Mỹ chỉ khoảng 3%, Canada là 3,5%.

Trung Quốc cũng quan tâm tới một số quốc gia giàu tài nguyên khác ở châu Phi như: Zambia, Namibia, Nam Phi…

Mỹ muốn có chuỗi cung ứng pin từ A đến Z

Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia khác cũng đang đẩy mạnh để cạnh tranh với Trung Quốc về pin xe điện.

Trong đó, Washington muốn xây dựng chuỗi cung ứng kim loại quan trọng của riêng mình và cam kết sẽ hỗ trợ thuế để sản xuất xe điện mới hợp túi tiền hơn, sử dụng các khoáng sản và thành phần của pin có nguồn gốc từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Kế hoạch này trị giá 2,8 tỷ USD, được Bộ Năng lượng Mỹ phân bổ vào tháng 10 vừa qua nhằm mở rộng sản xuất pin xe điện và mạng lưới điện nội địa.

Một nghiên cứu của nhóm 3 thành viên với người đứng đầu là Yu Hongyuan - Giáo sư, Giám đốc Viện Chính sách công và chính trị học so sánh tại Viện Quốc tế học Thượng Hải từng chỉ ra: Mỹ và Liên minh châu Âu dự kiến sẽ tăng cường sự điều phối thông qua các khuôn khổ song phương và đa phương... để vạch ra các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và minh bạch.

Họ dự báo, cuộc đối đầu của Trung Quốc với Mỹ và châu Âu trong phát triển ngành khai khoáng ở một nước thứ ba có khả năng sẽ ngày càng quyết liệt. Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của mình trong lĩnh vực này, như ký kết các thỏa thuận về cung ứng khoáng sản trọng yếu với các nước giàu tài nguyên là Australia và Canada.

Vương quốc Anh cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy tinh chế lithium đầu tiên trong 2 năm. Công ty xử lý lithium - Green Lithium đã thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy 600 triệu bảng Anh (tương đương 170 triệu USD) để sản xuất khoảng 50.000 tấn lithium hydroxide dùng cho sản xuất pin bắt đầu vào năm 2025. Khối lượng này sẽ đủ để sản xuất pin cho khoảng 1 triệu xe điện.

Song, Chủ tịch công ty Defense Metals - Luisa Moreno nhận định, trong ngắn đến trung hạn, phương Tây sẽ gặp khó khăn để có thể xây dựng chuỗi cung ứng toàn diện về các vật liệu quan trọng.

“Nếu có các khoản đầu tư liên tục và sự hợp tác giữa các công ty, chính phủ ở Bắc Mỹ, Australia, châu Âu, thì khả năng chúng ta có thể thấy các chuỗi cung ứng toàn diện từ mỏ khai thác đến công nghệ hình thành trong vòng 8 - 15 năm nữa.

Khai thác mỏ chỉ là một khía cạnh trong chuỗi cung ứng. Quá trình sản xuất từ các hợp chất hóa học cao cấp, kim loại và tới các thiết bị, phụ tùng, máy móc, cần những bộ kỹ năng mới cần được phát triển và rất mất thời gian”, bà Moreno nói thêm.

Đồng tình, chuyên gia Berry chỉ ra, cần mất tới 10 năm để xây dựng một chuỗi cung ứng đầy đủ, vì chỉ riêng việc xin được cấp phép khai thác mỏ đã mất khoảng thời gian cực lớn.

Nhu cầu với vật liệu lithium đã và đang tăng mạnh, đồng nghĩa ngành công nghiệp lithium cũng không ngừng tăng tốc. Theo công ty chuyên cung cấp thông tin về pin lithium Benchmark Mineral Intelligence, chỉ số giá lithium đã tăng 140,6% tính đến năm nay. Một tấn lithium hydroxide, được sử dụng trong pin với hàm lượng nickel cao, đang được giao dịch ở mức giá 83.200 USD trên Sàn Giao dịch Kim loại London.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.