Vận tải

Cuộc chiến khốc liệt giữa các app gọi xe

19/10/2018, 11:15

Được đánh giá có tốc độ tăng trưởng khủng, cuộc chiến giành giật thị trường gọi xe Việt đang rất khốc liệt...

15

Dù mới xuất hiện, song sắc đỏ của Go-Việt đã khá nổi bật tại Hà Nội, TP.HCM

Miếng bánh hấp dẫn rơi vào tay app ngoại

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đã có hàng chục app xuất hiện như: Uber, Grab, VATO, Go-Viet, Aber, Fastgo, Xelo, Go-ixe, Mai Linh, Vinasun… Theo tờ Nikkei, Việt Nam được đánh giá là thị trường gọi xe tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, hứa hẹn đem lại doanh thu lớn.

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Công ty NBN Media nhận định: Công nghệ là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng theo đường thẳng đứng. Thực tế cho thấy, ngành này đem lại siêu lợi nhuận, chính vì thế sức hút đầu tư vô cùng lớn. “Dân số Việt Nam khoảng 93 triệu người, nhu cầu đi lại cao, ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp vận tải chưa nhiều… Bởi vậy, có thể nói thị trường gọi xe Việt vẫn chỉ mới bắt đầu”, ông Ngọc nói.

Theo các chuyên gia, trước khi định giá hàng tỉ USD, Go-Jek xuất phát điểm cũng từ star-up của một kỹ sư tin học với chưa đầy 20 xe ôm. Didi Chuxing để trở thành một doanh nghiệp được định giá 56 tỷ USD, 6 năm trước CEO Trình Duy - người sáng lập app này khởi nghiệp chỉ với 80 triệu nhân dân tệ. Vậy, app gọi xe Việt nếu có chiến lược bài bản cùng với thế mạnh am hiểu thị trường hoàn toàn có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại và giành lại thị trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cuộc chiến giành giật thị trường đầy hấp dẫn này tại Việt Nam thời gian qua lại do các “ông lớn” nước ngoài dẫn dắt. Sau sự xuất hiện rồi rút lui của Uber, Grab đang gần như “thống lĩnh” thị trường. Lãnh đạo Grab mới đây cho biết, hiện hãng này có 175.000 đối tác tại Việt Nam. Cứ 10 người dân Việt Nam thì có 2 người dùng dịch vụ của Grab!

Gần nhất như Go-Việt đến từ Indonesia, dù chỉ mới chính thức hoạt động tại Việt Nam chưa đầy 3 tháng nhưng số tiền đổ ra cho các chương trình khuyến mại, thưởng đã lên tới 4-5 triệu USD.

Ông Nguyễn Bá Ngọc nhận xét: Grab dù đã có kinh nghiệm tại Đông Nam Á nhưng app đôi khi định vị vẫn chưa chính xác. Song, với việc Uber nhượng lại thị phần, có thể Grab sẽ tận dụng được nhiều lợi thế hơn nhờ vào sự hoàn chỉnh hạ tầng. “Do vậy, tại thời điểm này, trên toàn thị trường, Grab có lẽ vẫn chiếm thế thượng phong với lượng khách hàng lớn, xe nhiều và app tương đối ổn định”, ông Ngọc nói.

Vào Việt Nam sau Uber, Grab là Go-Việt đến từ Indonesia - sau lưng là “ông già” Go-Jek với kinh nghiệm dày dạn trên thương trường. Thị trường của Go-Jek dù chỉ mới phát triển tại Indonesia song đã được định giá 5 tỷ USD, vì thế cuộc cạnh tranh này diễn biến rất khó đoán định. Chiến lược của Go-Viet khi vừa đặt chân tới Việt Nam khá khôn ngoan bằng việc phát triển dịch vụ xe 2 bánh nhắm vào số đông.

Cùng với đó là cách vung tiền “dụ” khách hàng với cuốc đi đồng giá 5.000 đồng/cuốc tại TP HCM và 1.000 đồng/cuốc tại Hà Nội. Song song đó là các chương trình không thu phí chiết khấu và thưởng cao dành cho tài xế. Chính vì vậy, trong vài lần xuất quân ở hai địa bàn lớn nhất cả nước, hiệu ứng của Go-Việt được cho là thành công khi nhiều người biết đến.

Nhận định về chiến lược của Go-Việt, CEO ShareCar Lê Mai Tùng cho biết, tại thị trường Indonesia, cha đẻ của Go-Việt là Go-Jek đã có rất nhiều dịch vụ đa dạng: Ngoài dịch vụ chuyên chở khách, còn có vận chuyển và mua sắm như: Go-Food, Go-Mart, Go-Glam, Go-Clean, Go-Massage, Go-Box, Go-Busway, Go-Tix… Sau khi khách hàng quen sử dụng dịch vụ và mua sắm trên app của mình, Go-Jek bước chân vào lĩnh vực công nghệ tài chính với sự ra mắt của ví điện tử Go-Pay.

Tuy nhiên, một tài xế Go-Việt cho biết: Sau thời gian chương trình Go-Việt đưa ra chạy 9 cuốc/ngày là được thưởng nay đã tăng lên 28 cuốc/ngày. Đạt được mốc này rất khó nên nhiều tài xế đã chuyển qua app khác để chạy. Mặt khác, đến nay tại Việt Nam, Go-Việt cũng chỉ mới có dịch vụ xe 2 bánh.

Cửa nào cho phần mềm gọi xe Việt?

Trước khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, nhiều start-up và một số hãng taxi truyền thống đã công bố phần mềm gọi xe công nghệ như: Thanh Cong Car, V.Car, S.Car, Home Car… Tuy nhiên, chỉ sau khi ra mắt một thời gian ngắn, các phần mềm công nghệ này nhanh chóng rơi vào quên lãng. Thậm chí, Tổng công ty Viễn thông Viettel đã ký kết hợp tác chiến lược với start-up Việt để thành lập “Sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow” với mục tiêu: Bên cạnh dịch vụ đặt xe hợp đồng, sẽ triển khai dịch vụ đi lại giống như Uber, Grab. Thế nhưng, gần một năm qua, những thông tin về Gonow trên thị trường ngày càng trở nên ít ỏi.

Đại diện Vinasun mới đây cũng thừa nhận, có nhiều lý do nên công ty chưa thực sự đầu tư cho app gọi xe công nghệ, dẫn đến doanh thu từ app gọi xe của Vinasun đến nay cũng chưa nhiều.

Kể từ đầu năm 2018 đến nay, trên thị trường đã có dấu ấn của những phần mềm gọi xe Việt với các tên tuổi như: FastGo (đến từ start-up Công ty FastGo Việt Nam trực thuộc Tập đoàn Công nghệ NextTech Việt Nam), Aber (do nhóm kỹ sư công nghệ Việt Nam thành lập), Xelo (do một công ty quản lý vận tải vận hành), T.net do nhóm giảng viên và sinh viên ĐH FPT phát triển…

Điểm đáng chú ý là các ứng dụng gọi xe Việt tuy nở rộ nhưng khả năng cạnh tranh không cao. Lý giải điều này, ông Nguyễn Bá Ngọc cho rằng: Nhiều app Việt hiện đang gặp phải một hoặc nhiều vấn đề như: Mới làm ra phần mềm gọi xe chứ chưa giải quyết tốt cấu trúc hạ tầng khi vận hành. Chẳng hạn như với vấn đề bản đồ, phần mềm phải chỉ ra cho tài xế đoạn đường tối ưu nhất. Bởi trên thực tế có những đường cấm xe 4 bánh, hay hạn chế taxi vào một số khung giờ nhất định. Biểu đồ dành cho xe 4 bánh sẽ khác đôi chút với xe hai bánh…

“Khách hàng luôn nhìn vào biểu đồ để đợi xe và tính số phút phải đợi. Nên việc màn hình hiện ra thời gian xe đến đón theo bản đồ không chính xác, bị xa hơn so với thực tế… sẽ khiến khách hàng thiếu tin tưởng”, ông Ngọc nói và gợi ý thêm, app luôn phải tiếp nhận phản hồi của khách hàng, tách ra từng dữ liệu riêng để phân tích, quản lý và xử lý. Các dữ liệu như: Định vị, bản đồ, đoạn đường, giá luôn được tách riêng và phải làm cho chính xác nhất với dung lượng khách tăng lên mỗi ngày.

Báo Giao thông thực hiện khảo sát một số app gọi xe, bắt đầu với ứng dụng gọi xe Aber. Tuy nhiên, ngay ở phần tải app về dùng, Aber dường như đã đánh đố khách hàng với đủ loại yêu cầu. Sau khi đã mất khá nhiều thời gian để cài app, phần mềm cũng khá khó dùng.

Phần mềm Xelo có ưu điểm nổi bật là chỉ mất vài giây để tải app và hoàn thành, đơn giản, dễ dùng. Khách hàng cũng có cơ hội lựa chọn nhiều loại xe, từ xe máy đến ô tô 4 chỗ, 7 chỗ. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của app này là mỗi lần khách hàng gõ một chữ cái, màn hình lại nhấp nháy màu rất nhức mắt, khó chịu. Sau đó, để đặt chuyến, khách hàng phải dùng ngón trượt mất khá nhiều thời gian, thậm chí có lúc không gọi được xe.

Khá hơn có lẽ là FastGo bởi ngay khi xuất hiện trên thị trường đã có chương trình khuyến mại và được chú ý. Phần mềm của FastGo tương đối đơn giản, dễ dùng. Tuy nhiên, đôi khi khách hàng vẫn phải chờ lâu vì chưa có nhiều tài xế.   

Còn theo nhận định của CEO ShareCar Lê Mai Tùng, sau khi sử dụng nhiều app khác nhau để gọi xe, với dịch vụ 4 bánh cho thấy, ngoài Grab thì phần mềm gọi xe khá ổn là VATO bởi dễ dùng và gọi được xe. VATO được kỳ vọng khá cao với sự cam kết đầu tư từ Phương Trang. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện 4/2018 đến nay, hãng này chưa có bất kỳ chương trình khuyến mại nào dành cho khách hàng và không có chương trình thưởng bù cho tài xế. 

Tuy chưa thể có điểm cộng so với các đối thủ nhưng một nguồn tin cho hay VATO đang chuẩn bị một kế hoạch tổng thể để tăng thị phần. Lãnh đạo đơn vị này khẳng định đang nỗ lực hoàn thiện app để có những ưu việt cho cả hành khách và lái xe. “Cuộc chiến cạnh tranh app gọi xe tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu, nên còn quá sớm để đánh giá app nội thua hay thắng trên sân nhà”, đại diện VATO khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.