Chuyện dọc đường

“Cuộc chiến” này không của riêng ai!

22/01/2021, 06:19

Mỗi chúng ta hãy là một tuyên truyền viên, không trực tiếp đưa, tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân đưa người vượt biên trái phép...

img

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh tuần tra trong đêm đông giá rét

Khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ như in những vách đá dựng đứng, những khe nước lạnh buốt như đá trên đường biên giới.

Rồi cảm giác ngộp thở khi cố gắng đuổi kịp tổ tuần tra trong màn đêm đen kịt cho đến khi kiệt sức, hai chiến sĩ biên phòng phải xốc nách mới có thể đứng vững.

Đêm ngủ lại chốt canh phòng chống dịch Covid-19 tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), thấy rõ từng luồng khí lạnh liên hồi chạy dọc sống lưng. Sao mà rét thế.

Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo nằm trên đỉnh đèo Keo Nưa, ngay sát biên giới Việt Nam và Lào, nơi có độ cao gần 1.000m so với mực nước biển. Nơi đây cũng như nhiều cửa khẩu khác ở miền Trung, hè nắng cháy da, đông quanh năm sương mù bao phủ, lạnh đến thấu xương, khó khăn, thiếu thốn đủ bề…

Và lúc chúng ta chăn ấm đệm êm, lo điều hòa, máy sưởi chống rét thì những người lính đang nắm tay nhau leo lên những vách đá, vượt qua khe nước… để tuần tra, chặn bắt người vượt biên trốn cách ly. Có ở biên giới mới thấu hiểu những mối đe dọa thường trực đối với người lính biên phòng.

Trong hàng chục cán bộ, chiến sĩ đang gác chặn biên giới ở Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo mà tôi gặp, có nhiều người đã được tăng cường lên đây lần 2, lần 3.

Có người hoãn cưới vì bận chống dịch như trường hợp Thượng úy Võ Anh Tuấn, Phó trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng. Có người vợ mới sinh con, cha già, mẹ tai biến nằm viện… Các anh đều gác lại tình riêng, bám trụ biên giới chưa một lần kêu ca hay đòi hỏi.

Khi tôi chia sẻ hình ảnh các chiến sỹ biên phòng vất vả tuần tra biên giới lên Facebook, có người bình luận: “Xã hội đã phân chia mỗi người một công việc, ai làm gì cũng có trả công”.

Đúng vậy, ai cũng có công việc của mình.

Nhưng cái giá trả cho những chuyến tuần tra của người lính biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch không phải là tiền mà là sự bình yên, là sức khỏe của Nhân dân.

Khi cả thế giới đã có gần 100 triệu người nhiễm Covid-19, 2 triệu người tử vong và biến thể mới của virus đang đe dọa dịch bệnh bùng phát ở cấp độ mới, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình.

Hơn 50 ngày qua, không có ca nhiễm trong cộng đồng. Thế nhưng, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 qua đường mòn, lối mở trái phép, đường biển đang là nỗi lo lớn nhất.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi ngày có 100 - 150 trường hợp nhập cảnh trái phép, nguy cơ mang theo virus xâm nhập nội địa. Đến mức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phải kêu gọi người dân “hãy nhập cảnh chính ngạch”.

Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Về nhà thắp nén hương lên ban thờ tổ tiên, sum vầy bên gia đình và người thân là nguyện vọng chính đáng của bất kể ai.

Thế nhưng, ai cũng có tổ tiên, gia đình.

Người lính nơi biên cương, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch… cũng vậy. Cuộc chiến này không của riêng ai, không thể chỉ trút gánh nặng lên vai những người ở phía trước.

Mỗi chúng ta, thay vì bức xúc, lo lắng rồi lên mạng “chém gió” khi báo chí đưa tin người nhập cảnh trái phép vẫn về qua đường biên thì hãy là một tuyên truyền viên, không trực tiếp đưa, tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân đưa người vượt biên trái phép.

Hãy lập tức báo cho chính quyền địa phương, lực lượng chức năng khi nghi ngờ, phát hiện các tổ chức, người vượt biên trái phép…

Nếu chúng ta làm được như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “mỗi người dân là 1 chiến sĩ chống dịch”, Việt Nam sẽ là bức tường thành Covid-19 không thể vượt qua.

Hãy cùng nhau mang lại một mùa Xuân mới, một năm mới an lành trên dải đất hình chữ S yêu thương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.