Showbiz

Cuộc chiến tự hủy hoại trong giới showbiz Hàn Quốc

28/11/2019, 06:05

Khi không cân bằng được bản ngã của mình trên mạng xã hội, họ có thể đánh mất bản thân và sẽ sống phụ thuộc vào yếu tố người nổi tiếng...

img
Trước khi tự tử, Sulli từng thừa nhận cô đã nói mình mệt mỏi nhưng không ai lắng nghe

Cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp giải trí, những nhân vật chính trong làng giải trí xứ Hàn không chỉ có những cuộc chiến bề nổi để giành vị trí trong showbiz mà còn cả những cuộc chiến ngầm với chính bản thân mà thực tế, họ không dễ giành chiến thắng.

Những tiếng kêu cứu tuyệt vọng

Hơn 1 tháng sau cú sốc nữ ca sĩ đình đám Sulli - cựu thành viên nhóm nhạc F(x) qua đời vì tự tử, làng giải trí xứ Hàn tiếp tục chấn động với thông tin ca sĩ Goo Hara được tìm thấy đã tử vong tại nhà riêng. Hiện, cảnh sát vẫn đang điều tra và chưa công bố chính thức lý do khiến Goo Hara qua đời nhưng phần lớn khán giả cho rằng, cô đã tự tử.

Cả Sulli và Goo Hara trước khi qua đời đều có những biểu hiện của việc rối loạn tâm lý, trầm cảm. Sulli từng livestream trên instagram nhưng suốt 10 phút chỉ khóc mà không nói gì. Lần khác, cô phân trần mong mọi người đừng ghét bỏ mình vì mình không phải người xấu. Cựu thành viên của F(x) thừa nhận, vì là người nổi tiếng nên cô luôn phải tỏ ra vui vẻ trong khi con người thực của cô rất tối tăm. “Cuộc sống của em đang cực kỳ trống rỗng, em cứ luôn giả vờ hạnh phúc và điều đó khiến em cảm thấy như thể mình đang lừa dối mọi người. Em đã nói với họ, em kiệt sức rồi, nhưng không một ai lắng nghe lời em nói”, Sulli thẳng thắn chia sẻ trên truyền thông.

Trong khi đó, Goo Hara, tuy không đề cập trực tiếp tới tình trạng của mình nhưng cô khiến mọi người ngầm hiểu cũng đang bị trầm cảm. Nữ ca sĩ từng bị phát hiện đã cố tự tử nhưng may mắn được phát hiện nên đã kịp thời được cứu. Thời điểm ấy, cô chia sẻ những dòng tâm trạng ẩn ý rằng, mình đang phải giả bộ vui vẻ trong khi bản thân mệt mỏi, phải giả bộ như không có gì trong khi bản thân lại đau đớn. “Sau khi sống với từng đó áp bức, bên trong tôi như đã vỡ vụn thành trăm mảnh”, Goo Hara thổ lộ.

Lời tỏ bày của Goo Hara hệt như những lời trong thư tuyệt mệnh mà nam ca sĩ Jong Hyun (SHINee) để lại khi tự tử ở tuổi 27 vào năm 2017. Trong di thư, Jong Hyun cho biết, anh bị chứng trầm cảm dần gặm nhấm và nuốt chửng mà anh không thể chống lại. Anh cảm thấy cô độc, đã mong có ai chú ý đến mình nhưng không ai làm vậy. “Tôi thực sự đang cảm thấy vỡ vụn từ bên trong”, nam ca sĩ đau đớn viết.

Cả Sulli, Goo Hara và Jong Hyun đều lựa chọn kết liễu đời mình ở độ tuổi còn rất trẻ. Và không chỉ 3 cái tên này mà trong những năm qua, khi làn sóng Hallyu phát triển mạnh mẽ, làng giải trí Hàn Quốc đã liên tiếp đón nhận những tin buồn về tình trạng nghệ sĩ tự tử. Có thể kể tới những cái tên như: Jeon Mi Seon (6/2019), Jo Min Ki (3/2018), Ahn Sojin (2/2015), Woo Bong Sik (3/2014), Chae Dong Ha (5/2011), Park Young Ha (6/2010)… Điều này đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về hiện trạng các ngôi sao Hàn tự tử vì áp lực trong làng giải trí khắc nghiệt. Đa số các trường hợp tự sát đều liên quan tới bệnh trầm cảm và những người dám nói lên căn bệnh của mình đều thừa nhận không được ai lắng nghe.

Năm 2015, Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia thống kê, khoảng 5 triệu người Hàn Quốc trưởng thành bị trầm cảm hoặc có nguy cơ trầm cảm cao, nhưng chỉ 22,2% những người được chẩn đoán mắc bệnh thực sự tìm cách điều trị. Tỷ lệ tự tử tại Hàn Quốc đã liên tục giảm kể từ năm 2010, nhưng vẫn là một vấn đề đáng báo động.

Bệnh lý về tâm thần đang bị kỳ thị tại Hàn Quốc

Sau những tin buồn liên tiếp, hiện nay, nhiều tờ báo lớn Hàn Quốc đã vào cuộc kêu gọi người dân quan tâm, giúp đỡ những trường hợp bị trầm cảm. Dưới những bài viết về trầm cảm, luôn có đường dây nóng có chuyên gia trực suốt 24/24h để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Ngoài ra, sau cái chết của Sulli, người dân Hàn đã kiến nghị lên Chính phủ để đưa ra đạo luật mới nhằm ngăn chặn những bình luận ác ý trên mạng xã hội. Được biết, đạo luật này đang được xem xét để trình ra Quốc hội trong thời gian tới với tên gọi “Đạo luật Sulli”.


Hơn 1 thập kỷ qua, làng giải trí xứ Hàn trở thành thiên đường của nhiều bạn trẻ ước mơ theo đuổi nghệ thuật, khát khao được đặt chân vào. Nhưng đằng sau sự phát triển vượt bậc của làn sóng Hallyu là những góc tối đáng sợ, những áp lực đã đẩy nhiều ngôi sao bị bệnh trầm cảm và tìm đến cái chết. Trong đó, có áp lực đào thải (trung bình khoảng 20 nhóm nhạc/nghệ sĩ tân binh ra mắt mỗi năm), áp lực bị soi mói và fan cuồng đeo bám, sự khắc nghiệt của dư luận, bạo lực trên mạng xã hội…

Park Sang Hee, một bác sĩ tâm thần thuộc Trung tâm Tư vấn Sharon cũng từng là thành viên của một nhóm nhạc nữ thập niên 90 chia sẻ, người nổi tiếng thường bị trầm cảm khi cuộc sống không ổn định và bị cô lập. Họ không được thoải mái trong các mối quan hệ vì luôn bị săm soi.

Theo trang The Korea Herald, các chuyên gia cho rằng, những người tham gia hoạt động sáng tạo nghệ thuật, người nổi tiếng thu hút sự chú ý của công chúng có khả năng mắc trầm cảm cao hơn người bình thường. Kim Byung Soo - bác sĩ tâm thần tại Trung tâm Y tế Asan - người có nhiều bệnh nhân là người nổi tiếng cho biết, họ có những cảm xúc không ổn định, dễ bị thay đổi tâm trạng hơn người khác.

Theo bác sĩ Kim, những người nổi tiếng thường phải sống hai mặt: Con người thật và người của công chúng. “Khi không cân bằng được bản ngã của mình trên mạng xã hội, họ có thể đánh mất bản thân và sẽ sống phụ thuộc vào yếu tố người nổi tiếng, sẽ luôn phải đeo “mặt nạ”. Chính điều đó sẽ “xé nát” họ”, bác sĩ Kim phân tích. Tiêu biểu, một số ngôi sao Kpop như Jonghyun, T-ara, Jiyeon và Minah (Girls Day) từng thú nhận đã không được sống là chính mình.

Dù nguy cơ mắc trầm cảm cao nhưng các nghệ sĩ xứ Kim Chi thường không có nhiều lựa chọn điều trị bệnh. Bởi, ở Hàn Quốc, bệnh nhân bị rối loạn tâm thần đang bị kỳ thị - một trong những vấn đề nan giải tại Hàn Quốc hiện nay. Một số công ty giải trí thường có bác sĩ nội bộ cho các nghệ sĩ. Nhiều người nổi tiếng phải bí mật gặp bác sĩ vì sợ bị phát hiện, hoặc che giấu căn bệnh của mình. Trong bài viết phản ánh trên tờ Vice, phóng viên Kwon Junhyup tiết lộ, anh từng phỏng vấn nhiều nghệ sĩ Hàn và điểm chung là họ đều nói về chuyện trầm cảm. Tuy nhiên, các công ty quản lý sau đó đã yêu cầu báo chí gỡ bỏ các bài viết về tình trạng này của nghệ sĩ.

“Với nhiều người Hàn, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tìm kiếm sự giúp đỡ là dấu hiệu của sự yếu đuối, cũng có thể trở thành vết nhơ trên hồ sơ của họ”, phóng viên này cho hay. Thực tế, việc thảo luận về sức khỏe tâm thần nói chung là điều cấm kỵ ở Hàn Quốc dù hiện nay, nhiều ngôi sao đang đấu tranh để nói ra căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, khi sự kỳ thị này còn tồn tại, hầu hết các ngôi sao xứ Kim Chi vẫn phải tự vật lộn, tự chiến đấu với căn bệnh và trong “cuộc chiến” ấy, không phải ai cũng giành chiến thắng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.