Cuộc đua vũ trụ trên thế giới không còn dừng lại ở phóng tên lửa, vệ tinh, tàu du hành vào quỹ đạo hay khám phá và khai thác, tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất… các cường quốc đã tìm cách để sinh con trên không gian không trọng lực để xác lập dấu mốc đầu tiên của chính mình.
“Công dân hệ Mặt trời”
Lúc này có lẽ chúng ta nghĩ đó là điều viển vông nhưng nếu nhìn lại lịch sử cách đây hơn 50 năm, đã có phi hành gia Nga Yuri Gagarin trở thành con người đầu tiên đặt chân lên vũ trụ. 8 năm sau, phi hành gia Mỹ Neil Amstrong là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng. Đó chính là những minh chứng cho thấy con người hoàn toàn có thể vượt qua mọi thách thức.
Dự án “công dân hệ Mặt trời” là mục tiêu đầu tiên của tổ chức với tên gọi “Vương quốc Không gian Asgardia”, được ví như một quốc gia vũ trụ, thành lập năm 2016, bởi tỷ phú người Nga Igor Ashurbeyli, với 250.000 công dân chính thức. Asgardia bắt đầu thực hiện dự án tuyên bố chủ quyền trong không gian khi phóng một vệ tinh vào trong quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất mang tên Asgardia-1 vào năm 2017 và đây cũng chính là “thủ đô” của vương quốc này.
Để hiện thực hoá dự án “công dân hệ Mặt trời”, Asgardia phác thảo kế hoạch thụ tinh, hình thành con người đầu tiên trong vũ trụ vào 22 năm tới. “Chủ tịch Nghị viện” của Asgardia ông Lembit Opik khẳng định, tên của đứa trẻ này chắc chắn không bao giờ bị xoá mờ trong lịch sử thế giới.
Theo ông Opik, vốn là cựu Nghị sĩ Anh đại diện cho hạt Montgomeryshire: Trong tương lai sẽ có 3 cái tên luôn được nhớ tới khi nói đến những hoạt động tiên phong trong vũ trụ. Người đầu tiên đặt chân lên vũ trụ là Yuri Gagarin, người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng Neil Armstrong và người đầu tiên được sinh ra ở ngoài Trái đất.
Có thể chắc chắn rằng, đứa trẻ đầu tiên đó sẽ là công dân Asgardia vì hiện tại chưa có quốc gia nào trên Trái đất thực hiện tham vọng đó. “Asgardia không có tuyên bố lãnh thổ trên Trái đất nhưng chúng tôi sẽ tuyên bố lãnh thổ trên không gian vũ trụ”, ông Opik nói.
Trước đây, ông Lembit Opik từng tuyên bố sẽ đưa 20.000 người vào vũ trụ trong 25 năm nữa.
Đầy rẫy thách thức phía trước
Tuy nhiên, để làm được điều này, Asgardia và giới khoa học vẫn còn rất nhiều trở ngại phía trước cần phải nghiên cứu.
Mối quan tâm đầu tiên về việc sống lâu dài trong vũ trụ đó là sự nguy hiểm của bức xạ trong không gian và khả năng phơi nhiễm với vi trọng lực. Asgardia sẽ phải chứng minh họ có thể xây dựng một xã hội có cấu trúc và gắn kết như họ tuyên bố ở một nơi cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ.
Hiện tại, “vương quốc” này đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong đó có Hội nghị Đầu tư và Khoa học Vũ trụ đầu tiên tại Darmstadt, Đức hôm 14/10 vừa qua để bàn về những nguy hiểm trong không gian và làm cách nào để có thể vượt qua.
Hội đồng các chuyên gia tại đây đã bàn về các vấn đề đạo lý và sinh học xung quanh việc thụ tinh trong vũ trụ. Một chủ đề quan trọng khác đó là việc phát triển trọng lực nhân tạo không ảnh hưởng tới cơ thể của con người.
Nhờ những yếu tố đó, vị Chủ tịch Nghị viện Asgardia tin rằng quốc gia siêu nhỏ này sẽ đảm bảo an toàn và đối xử có đạo đức đối với đứa trẻ đầu tiên được sinh ra trong không gian.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận