Đường sắt

Cuộc sống “3 không” giữa núi rừng của những người tuần đường

06/04/2022, 14:00

Ít ai ngờ, đến bây giờ, những công nhân tuần đường nơi núi rừng Lạng Sơn vẫn phải sống trong cảnh không điện, không nước, không sóng điện thoại.

Gần 30 năm gắn bó với hầm

Những ngày cuối tháng 3, có mặt tại hầm Pắc Khánh (xã Vân Thủy) - hầm xuyên núi dài nhất trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng dài gần 1.100m, PV Báo Giao thông đã được tận thấy cuộc sống của những công nhân gác hầm đường sắt.

img

Anh Trần Quốc Dương, tuần gác hầm Pắc Khánh làm tín hiệu an toàn, đón tàu qua hầm

Chúng tôi quyết định dừng xe ngay QL1A, đi bộ theo đường mòn. Đường đất nhỏ rộng chỉ khoảng 50 – 60cm ngoằn ngoèo giữa các mảnh ruộng trên lưng núi, lúc chúc xuống vượt qua khe nước nhỏ lổn nhổn đá cuội, lúc lại leo dốc dựng đứng.

Cứ vậy, hết khoảng 400 - 500m mới thấy đường sắt, thấy cái nhà gác nho nhỏ màu vàng nổi bật giữa rừng.

Đón chúng tôi là anh Trần Quốc Dương, nhân viên tuần gác hầm đầu phía Bắc hầm Pắc Khánh (Cung cầu hầm Mai Pha, Công ty CP Đường sắt Hà Lạng).

“Khu vực đèo dốc Bắc Thủy (tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn) kéo dài trên 14km, 8 hầm, 10 cầu đường sắt trên địa hình đồi núi cao. Các vị trí làm việc của công nhân tuần gác hẻo lánh xa dân, đi lại khó khăn, rất khó để làm đường điện, nước. Dù vất vả nhưng lương của anh em vẫn thấp do hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho bảo trì đường sắt hàng năm, đơn giá tiền lương do cấp có thẩm quyền phê duyệt thấp. Công ty đã điều tiết các nguồn của công ty bổ sung thêm để cải thiện phần nào thu nhập cho người lao động, nhưng không được nhiều. Chúng tôi mong rằng, đơn giá tiền lương của hệ tuần gác nói riêng, người lao động đường sắt nói chung được nâng lên, nếu không sẽ không thu hút được lao động”. Ông Trần Đức Ngọc, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng

Anh Dương cho biết, mỗi ban chỉ có một nhân viên thực hiện tuần gác từ giữa hầm trở ra. Hai bên hầm có hai nhân viên.

“Cứ lên ban là thui thủi một mình, trông ra thấy núi, trông vào là hầm”, anh Dương nói và chia sẻ, hàng ngày, khi lên ban, anh phải kiểm tra sổ sách rồi vào kiểm tra hầm (đi bộ dọc đường sắt trong hầm, đến giữa hầm rồi quay ra).

Quá trình đi vào, đi ra đều phải kiểm tra trạng thái kĩ thuật đường sắt, trạng thái hầm xem có vấn đề gì có thể ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu không, để kịp thời có biện pháp khắc phục.

Trước và sau mỗi chuyến tàu đều phải vào kiểm tra như vậy. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 chuyến tàu qua.

Khi có tàu, anh phải vào vị trí quy định, làm tín hiệu báo an toàn, đón tàu vào hầm. Để đón tàu cũng phải “canh” vì ga Bản Thí chỉ báo trước kế hoạch trong 4 giờ tới sẽ có tàu nào và thời gian dự kiến chạy qua hầm.

Sắp đến giờ dự kiến, anh phải ra “ngóng” tàu, nghe tiếng còi tàu từ xa là biết tàu sắp đến, chứ cũng không nhìn thấy vì đoạn đường sắt trước khi vào hầm là đường cong, khuất sau ngọn đồi.

Cho biết đã có 29 năm gắn bó với nghề tuần gác hầm đường sắt khu vực này, anh Dương chia sẻ: Ngày qua ngày, công việc đã thành kĩ năng, thành trách nhiệm.

Khó khăn nhất là điều kiện làm việc, sinh hoạt nơi núi rừng. Chỉ cách đây 2 - 3 năm thôi, nơi đây vẫn “3 không”: Không điện, không nước, không sóng điện thoại.

Điện không có, phải thắp đèn dầu hỏa, ban đêm tù mù, le lói. Nguồn nước duy nhất là nước mưa nên nhiều khi phải đến nhà dân xin nước, gánh về.

Sóng điện thoại di động chập chờn. Muốn sử dụng phải đi “dò” sóng, đến vị trí nào có sóng là đứng yên đó gọi điện. Cách liên lạc thông suốt duy nhất chỉ có chiếc điện thoại đường sắt kết nối với ga Bản Thí.

“Giờ bớt được một “không” rồi. Cách đây 2 năm, công ty đã cho kéo đường điện về. Công ty cũng đang có kế hoạch đưa nước từ khe về cho anh em đỡ vất vả”, anh Dương nói.

Quen với chuyện côn trùng, rắn rết

img

Anh Hoàng Trung Đức, tuần gác hầm Nà Tòng chăm sóc khoảnh vườn nhỏ ngay cạnh nhà gác

Chia tay anh Dương, chúng tôi lại “xuyên” hầm, trải nghiệm công việc của công nhân tuần gác. Bước thấp, bước cao trên những thanh tà vẹt, càng vào sâu càng tối. Trong hầm không có đèn, không ánh sáng, tất cả tối đen như mực.

Vừa soi đèn pin dẫn đường, anh Trần Trọng Đoàn, Đội trưởng Đội Quản lý kĩ thuật an toàn 3 (Công ty CP Đường sắt Hà Lạng) cho biết, trước kia nhân viên tuần gác chỉ được trang bị chiếc đèn tín hiệu 4 mặt thắp bằng dầu hỏa. Ánh sáng yếu nhưng độ tỏa sáng xung quanh rộng hơn. Gần đây, công ty trang bị thêm đèn pin.

Các hầm trên tuyến này đều được xây dựng từ năm 1970, đã hơn 50 năm khai thác nhưng chưa được sửa chữa lớn, tường, vỏ hầm bị thấm dột, rò rỉ nhiều do nước ngầm trên núi.

Không khí trong hầm ẩm thấp nên các vật tư, phụ kiện đường sắt nhanh xuống cấp, hư hỏng. Vì thế, nhân viên tuần gác hầm khi đi kiểm tra phải rất chú ý.

Căng mắt bước dò dẫm trong hầm hơn 1km, cuối cùng chúng tôi cũng ra khỏi cửa hầm, đoạn đường phải đi tiếp dọc theo đường sắt phía trước để về khu ga Bắc Thủy (xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng) còn 7 - 8km nữa.

Đi được khoảng 4km, chúng tôi đến hầm Nà Tòng dài 113m, cũng là hầm dài được bố trí nhân viên tuần gác. Xa xa, chỉ thấy nhà gác nhỏ cheo leo giữa doi đất bên đường sắt, phía dưới lác đác vài nóc nhà, trường học và ruộng vườn. Ngay cạnh nhà gác có mảnh đất chỉ 2 - 3m2, trồng vài cây cải, rau ngót, lá lốt...

Anh Hoàng Trung Đức, nhân viên tuần gác hầm cho hay, anh em chỉ dám trồng vài cây để ăn thêm với mì tôm vì ở đây không có nước.

Tuy công ty đã cho kéo đường dây dẫn nước từ nhà dân về nhưng ít, không đủ tưới cây. Các bữa chính anh em đều ăn ở nhà, lên ban vào bữa trưa hoặc đêm tối chỉ úp tạm gói mì tôm.

“Ban đêm ở đây buồn lắm, rắn rết hay bò vào nhà gác. Muỗi, côn trùng rất nhiều, cứ bật đèn lên là bu đen. Vì thế, chúng tôi không dám bật đèn trong nhà gác, chỉ bật đèn ngoài”, anh Đức tâm sự.

Tất cả vì an toàn chạy tàu

img

Tuần đường Lý Ngọc Thư đi tuần, kiểm tra trạng thái kĩ thuật đường sắt

Nếu như các hầm Pắc Khánh, Nà Tòng đều giữa rừng núi, xa dân, thì khu ga Bắc Thủy lại ở ngay trung tâm xã. Anh Đồng Tiến Dũng, Cung trưởng Cung cầu hầm Bắc Thủy cho biết, giờ đường xá, điện nước khu vực này thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng khoảng 10 năm trước, rất khó khăn.

Điện có nhưng yếu, chiếc quạt trần bật số to nhất cũng chỉ đủ gió phe phẩy. Nước sinh hoạt trông vào bể chứa nước mưa, nước giếng và cả nước suối dưới chân cầu. Chợ phiên họp 5 ngày 1 lần nên thực phẩm, rau xanh khó khăn...

Anh Nguyễn Văn Khanh, tuần cầu Bắc Thủy cho biết: “Một ban làm việc 12 giờ, chỉ mình tôi với cây cầu. Ngoài kiểm tra, khắc phục kĩ thuật đường sắt trên cầu, còn phải dọn cỏ, dọn gọn đá hai đầu cầu. Định kỳ leo kiểm tra trụ cầu, xuống suối kiểm tra mố cầu. Có vậy, mới phát hiện được những sự cố hay hỏng hóc kịp thời”.

Cũng như anh Khanh nhưng thực hiện kiểm tra đường sắt dọc tuyến, anh Lý Ngọc Thư, tuần đường Cung đường Bắc Thủy tâm sự, đã 8 năm làm tuần đường, mỗi ngày lên ban 8 tiếng là đi tuần 21km cả đi và về, cứ thế nhân lên cũng dễ đến hàng chục nghìn km cuốc bộ.

“Trách nhiệm đảm bảo an toàn rất cao vì nếu trật bánh, đổ tàu giữa rừng núi, một bên núi, một bên vực, sẽ là thảm họa. Vì thế, bất kể mưa nắng, gió rét... chúng tôi đều phải cố gắng”, anh Thư nói.

Công việc khó khăn là vậy, trách nhiệm cao là vậy nhưng lương lại thấp. Như anh Dương chia sẻ, chỉ vài năm nữa về hưu mà thực lĩnh hàng tháng cũng chỉ được khoảng 6 triệu đồng. Hay như anh Dũng, có thêm cả hệ số trách nhiệm cung trưởng cũng chỉ 7 - 8 triệu đồng. Những người trẻ, bậc thợ thấp, công tác ít năm, lương còn thấp hơn nữa.

“Anh em không ngại vất vả, khó khăn, chỉ buồn vì đồng lương thấp quá, còn gia đình, con cái học hành, chỉ mong thu nhập được cải thiện hơn...”, anh Dũng bày tỏ.

Khu vực đèo dốc Bắc Thủy kéo dài trên 14km (từ Km122 - Km136). Đây là tuyến đường sắt có độ dốc cao (17‰). Ở phía Bắc ga Bắc Thủy (Km 124+900) có đường lánh nạn (độ dốc 25‰) để đề phòng tàu trôi dốc. Trên khu vực đèo dốc Bắc Thủy có 8 hầm đường sắt, 10 cầu. Trong đó, cầu Bắc Thủy dài nhất với 296,8m và cao trên 41m so với lòng suối. Đường sắt trên cầu là đường cong bán kính 400m…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.