Xã hội

Cuộc sống bình yên trong khu cách ly

13/03/2020, 06:34

Những người thực hiện cách ly lại thấy cuộc sống vẫn bình thường, giống như những ngày nghỉ được kéo dài ra...

img
Một buổi sinh hoạt chung trong trung tâm cách ly ở Sơn Tây (Hà Nội) - ảnh Phùng Đô

Ban đầu khi nghe tới “cách ly”, nhiều người có chút hoảng hốt, lo ngại cuộc sống thiếu thốn, tù túng. Nhưng khi thực hiện cách ly, họ lại thấy cuộc sống vẫn bình thường, giống như những ngày nghỉ được kéo dài ra...

“Nghe cách ly, ban đầu ai cũng sợ”

Từ tối 6/3, hai đầu đoạn phố dài hơn trăm mét, từ ngã tư Trúc Bạch - Ngũ Xã đến điểm giao với phố Châu Long đã có những tấm barie gác chắn cùng các biển báo về khu vực cách ly và chốt kiểm tra dịch bệnh của phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội). Tại đây, có 66 hộ dân, 189 người nhân khẩu, trong đó có gia đình anh Nguyễn Tuấn Long, nằm trong diện cách ly tập trung.

Từ khi phải cách ly, anh Long, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy trên phố Trúc Bạch không còn tất bật với công việc. Ăn sáng xong, anh kê chiếc ghế đẩu ra vỉa hè ngồi đánh cờ cùng những người hàng xóm. Gần đó, ông Nguyễn Tấn Ninh, bố anh nhẩn nha đi bộ tập thể dục từ đầu đến cuối phố. Nghỉ chân, ông Ninh bước vào khu vực vườn hoa giữa phố, nơi có vài đứa trẻ của khu cách ly đang đạp xe, chuyền bóng. Nhìn từ ngoài vào, trừ dây chăng barie ngăn cách, khu cách ly phố Trúc Bạch có nhịp sống yên bình, thảnh thơi như bao buổi chiều ngày nghỉ khác.

Trưa 12/3, sau khi quây quần với gia đình bên mâm cơm có thịt kho, cá rán, rau luộc, canh bí nấu tôm nõn xong, bà Nguyễn Mai Hương (ở phố Trúc Bạch) chia sẻ với PV Báo Giao thông, đã lâu rồi gia đình mới có một nhịp sống chậm rãi, bình yên lâu đến thế.

“Nhà tôi cách nhà bệnh nhân số 17 là 5 nhà. Mọi ngày cứ sáng dậy thì người đi làm, người đi học, giờ quây quần ở nhà cả. Cứ sáng dậy thì đi ra trước cửa nhà tập thể dục, rồi vào ăn sáng. Xong thì pha trà đọc sách, xem tivi. Một ngày 2 lần vào 9h sáng và 3h chiều, cán bộ y tế sẽ đến đo thân nhiệt, kiểm tra sức khoẻ. Cứ 3 ngày một lần, cán bộ phường sẽ lại phát đến tận nhà đầy đủ nhu yếu phẩm, từ gạo, nước, rau xanh, thịt cá, hoa quả... Ai có nhu cầu mua gì thêm, thì kê ra giấy, sẽ có người đi mua hộ. Còn nếu người thân ở ngoài khu cách ly gửi đồ vào, sẽ có người lấy giúp, khử trùng sạch sẽ chuyển vào khu cách ly”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, ban đầu khi nghe tới “cách ly”, bà và người thân cũng như các hộ dân ở đây cũng hơi hoảng hốt, lo ngại cuộc sống thiếu thốn, tù túng. Nhưng khi thực hiện cách ly, thấy cuộc sống vẫn bình thường, giống như những ngày nghỉ được kéo dài ra. “Chỉ khác là chúng tôi không đi làm, đi học, không đi ra ngoài khu vực được cách ly. Bù lại, chúng tôi được cung cấp đầy đủ thực phẩm, thuốc men, vẫn tập thể dục, vẫn gặp nhau trò chuyện. Tất cả những người cách ly ở đây đều mạnh khoẻ, bình an, vui vẻ”, bà Hương nói.

Như đi nghỉ dưỡng!

img
Trong những ngày cách ly, người dân phố Trúc Bạch đều được cơ quan chức năng TP Hà Nội cung cấp miễn phí nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống. Ảnh: Tạ Tôn

Tại một khu cách ly tập trung khác nằm ở doanh trại của một đơn vị quân đội ở Hưng Yên, anh Nguyễn Đình Tiến (SN 1984, ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, là lao động Hàn Quốc từ năm 2015 về Việt Nam) chia sẻ với PV Báo Giao thông qua tin nhắn Facebook, sau khi khai báo y tế, anh được đưa từ sân bay Nội Bài về đây từ ngày 29/2.

“Cuộc sống ở nơi cách ly không thiếu thốn gì, chúng tôi được phục vụ cơm canh, hoa quả tráng miệng và cả sữa, đầy đủ dinh dưỡng, nóng sốt, ngon lành. Hàng ngày, chúng tôi được kiểm tra sức khoẻ, được tập thể dục. Nói chung là rất chu đáo và yên tâm, mọi thứ đều được miễn phí 100%”, anh Tiến nói.

Sáng 12/3, anh Tiến ăn sáng một suất bún mọc, anh cho biết rất hợp khẩu vị. Buổi trưa, anh được ăn cơm với thịt gà rang, cá kho, rau và cơm nóng bọc trong giấy bạc. Bác sĩ đã kiểm tra đo thân nhiệt buổi sáng, chiều sẽ tiếp tục tới đo. “Từ hôm về cách ly đến nay, tôi thấy quần áo chật hơn, chắc là tăng cân”, anh Tiến vui vẻ nói và cho biết, ở đây mạng intenet rất khoẻ, tôi đã nhắn tin về gia đình, khi biết cuộc sống ở khu vực cách ly được mọi người chăm sóc tận tình, gia đình yên tâm không còn lo lắng và suy nghĩ như mình khi ở bên Hàn Quốc”, anh Tiến nói.

Biết thông tin có người khai báo không trung thực để trốn cách ly, anh Tiến ngạc nhiên: “Cách ly để giữ gìn sức khoẻ cho bản thân và giữ gìn cho cộng đồng, cách ly được chăm sóc chu đáo và miễn phí, sao phải trốn?”.

Cũng trong chiều 12/3, PV Báo Giao thông có mặt tại khu cách ly Trung tâm quận 2, TP HCM nằm trên đường Nguyễn Thị Định với diện tích 3.000m2, vốn là Trung tâm giáo dục thường xuyên của quận, nay được trưng dụng thành nơi cách ly với quy mô khoảng 60 giường bệnh. Hiện đây là nơi cách ly 12 người, trong đó 5 người Hàn Quốc và 7 người Việt Nam.

Tai đây, chúng tôi gặp chị Bùi Thị Ngọc Bích (27 tuổi, có chồng là người Hàn Quốc) đã vào đây từ ngày 1/3. Trong suốt cả năm vừa qua, chồng của Bích ở Việt Nam làm việc, còn hai mẹ con chị ở với gia đình chồng tại Hàn Quốc. Sau Tết, chị cùng với con trai sắp xếp để về Việt Nam cho con được thăm ba, nhưng lại đi đúng vào thời điểm Hàn Quốc bùng phát dịch Covid- 19. Ngày 1/3, khi máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất, hai mẹ con chị được đưa về quận 2 để theo dõi sức khỏe.

“Hai mẹ con được các nhân viên y tế chăm sóc rất chu đáo, một ngày 3 bữa cơm, trái cây tráng miệng, nước uống đầy đủ và rất đúng giờ. Tôi coi đây như một chuyến nghĩ dưỡng thoải mái chứ không thấy nặng nề gì. Ở thêm một ngày nữa, ngày mai là được về với gia đình rồi”, chị Bích hồ hởi nói và cũng mong rằng mọi người cần có ý thức khai báo y tế trung thực để được cách ly, tránh lây lan cho cộng đồng nếu không may mình bị bệnh.

img
Người cách ly tại Trung tâm cách ly Sơn Tây, Hà Nội chia sẻ hình ảnh bản thân trên mạng xã hội với thông điệp: "Chúng tôi đang có cuộc sống bình yên" - ảnh Phùng Đô

Tương tự, chị Lim Kyongsuk (39 tuổi, Seoul, Hàn Quốc) làm việc tại Việt Nam nên ít có thời gian về quê thăm gia đình. Sau thời gian nghỉ Tết thì quê nhà bùng phát dịch. Chị ở 2 ngày rồi quay trở lại Việt Nam vào ngày 2/3. Khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, chị được đưa về Trung tâm quận 2 để theo dõi. “Vào đây tôi thấy rất yên tâm. Mỗi ngày được đo sinh hiệu 2 lần, được mọi người được chăm sóc tận tình, chu đáo. Trong khu cách ly được trang bị sóng wifi, chúng tôi có thể sử dụng điện thoại giải trí hoặc theo dõi tin tức bên ngoài. Tôi rất ấn tượng với sự tận tình của các nhân viên y tế tại đây”, Lim chia sẻ.

Tình người trong khu cách ly

Vào ngày 9/3, chị Hồ Thị Thủy (SN 1993, du học sinh tại Daegu, Hàn Quốc) khẩn trương sắp xếp lại hành lý, chuẩn bị rời khu cách ly Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) của quân đội. Sau khi được kiểm tra y tế cuối cùng vào sáng cùng ngày, chị Thủy cùng người yêu ra về trong tâm trạng thoải mái.

Chị Thủy cùng người yêu cùng trở về Việt Nam ngày 24/2 và được đưa vào khu cách ly tại Đồng Nghệ. Dù không gian sinh hoạt gần nhau nhưng cả hai chỉ liên lạc qua tin nhắn, mạng xã hội chứ không gặp trực tiếp. “Cả hai ý thức được khả năng lây lan của virus Covid-19 nên luôn chấp hành nội quy do Trung tâm đề ra. Dù không gặp trực tiếp, mình và bạn trai vẫn có thể liên lạc với nhau bằng nhiều cách nên không thấy cô đơn”, chị Thủy chia sẻ.

Là người cao tuổi nhất trong số công dân hoàn thành cách ly đợt này, ông Nguyễn Văn Sà (SN 1953, quê Bạc Liêu) cho biết, con cháu mình tại quê đã mua sẵn vé máy bay để ông về quê. Thời gian đầu, ông Sà phải mất nhiều thời gian để giải thích việc cách ly cho con cháu bớt lo lắng.

“Tôi già rồi nên sinh hoạt chung với mấy cháu 19, 20 tuổi cũng nhiều bất tiện. Nhiều khi thấy tôi muốn ngủ sớm, mọi người trong phòng đều tắt đèn, im lặng để tránh tôi thức giấc, mấy đứa nhỏ dễ thương và ý thức lắm. Ở với tụi nhỏ lâu ngày, cảm nhận mấy đứa như con, như cháu. Về rồi chắc cũng nhớ tụi nhỏ dữ lắm”, ông Sà chia sẻ.

Vĩnh Nhân

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.