Xã hội

Cuộc sống cơ cực của người phụ nữ sinh 14 con

23/07/2016, 15:07

Với “thành tích” sinh tới 14 người con, chị được xem là một trong những phụ nữ đẻ nhiều nhất ở Thủ đô.

chị Hải đánh vó tôm từ khi còn tờ mờ sáng

Chị Hải đánh vó tôm từ khi còn tờ mờ sáng để kiếm tiền nuôi con

Mới 48 tuổi nhưng chị Hải sinh cả thảy được 14 người con, lớn nhất 26 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi. Trong số này có 8 người con trai, 6 con gái. Hiện, 3 người con gái đi lấy chồng, 2 con trai lấy vợ. Chưa đến ngũ tuần, chị đã có tới 8 cháu nội, ngoại...

Về thôn Cổ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội, hỏi thăm nhà chị Đặng Thị Hải không ai là không biết. Với “thành tích” sinh tới 14 người con, chị được xem là một trong những phụ nữ đẻ nhiều nhất ở Thủ đô. Nhưng có lẽ do đẻ quá nhiều nên việc nuôi dạy, chăm sóc con cái của chị không được như những gia đình khác.

Cả đời mò cua, bắt tép

Tờ mờ sáng 21/7, chúng tôi có mặt tại cánh đồng Cổ Bản đã thấy chị Hải lúi húi cùng xô thính và hơn chục chiếc vó tôm trên bờ đầm. Chưa đến ngưỡng “tri thiên mệnh” song nom chị đã như một bà lão 60, khắc khổ, già nua. Gần 30 năm nay, công việc của chị luôn bắt đầu từ tờ mờ sáng như thế.

Với tay kéo chiếc vó có vài ba con tôm nhỏ nhảy lách tách, người phụ nữ khắc khổ lặng lẽ kể về cuộc đời truân chuyên cũng như duyên cớ khiến mình mang “danh” đẻ nhiều nhất đất Hà Đông.

Chị Hải về thôn Cổ Bản làm dâu đến nay đã ngót 30 năm. Chồng chị là anh Ngô Doãn Năm, cũng là một nông dân chân chất. “Nhà tôi có bốn chị em, tôi là cả. Hồi lấy chồng, tôi mới 17 tuổi, cũng chẳng có mai mối gì, mà là do mẹ tôi quen biết mẹ anh Năm từ trước đó nên quyết định gả tôi cho anh Năm, âu cũng là cái duyên cái số. Chiều hôm trước khi về nhà chồng, tôi vẫn gánh mạ ra đồng cấy đến tối mịt mới về”.

Ngày đầu tiên về nhà chồng, mẹ chồng đưa cho chị một cái ống quần đã cắt rời (dùng để đựng cua, cá mò được - PV) và bảo: “Nhà này sống bằng nghề mò cua, bắt ốc, vợ chồng con cầm lấy và nhớ... giữ nghề”. Vậy là suốt từ đó cho đến nay, 30 năm đã qua, dù mưa hay nóng bức, cứ 3h sáng chị lại dậy ra đầm kéo vó kiếm tôm, cua, cá mang ra chợ bán lấy tiền. Nếu về sớm thì lại ra đồng cắt cỏ hay đi kéo xe bò thuê. Đến chiều, ngoài chị thì các con cũng ra kéo vó, không những ở đầm mà còn khắp các ao chuôm quanh làng. “Hôm nào được nhiều cũng bán được trăm nghìn. Cái đầm này Nhà nước đã có chủ trương thu hồi, nhưng hiện chưa sử dụng nên tạm thời nguồn sống của cả nhà vẫn trông cả vào đây”, chị Hải tâm sự.

Tương lai mịt mờ

con cháu chị Hải nô đùa trong căn nhà rách nát

Con cháu chị Hải nô đùa trong căn nhà rách nát

Trong căn nhà tuềnh toàng, chật chội và chẳng có tài sản gì đáng giá quá trăm nghìn, lũ trẻ cả con, cháu nội, ngoại của chị Hải lít nhít nô đùa, đứa nào đứa nấy trông đều tội nghiệp, rách rưới. Chị kể, chị sinh được cả thảy 14 đứa, lần lượt là Hà (SN 1989), Tới (SN 1990), Hồng (SN 1992), Tiền (SN 1994), Nguyệt (SN 1995), Nhất (SN 1997), Hoàng (SN 1999), Tám (SN 2001), Phúc (SN 2003), Đức (SN 2005), Sáng (SN 2007), Tươi (SN 2009), Nhân (SN 2011), Thảo (SN 2013). Riêng cháu út là Thảo không may bị bệnh và đã mất vào đầu năm ngoái.

Trong số các con lớn, đã có 5 người được dựng vợ gả chồng, đến nay đã sinh cho chị được 8 cháu nội, ngoại. “Mỗi sáng, các cháu lớn nhỏ đều dậy sớm, anh chị lớn nấu cơm cho các em bé ăn. Còn tôi thì phải ra ngoài đồng đi mò cua, bắt ốc, chỉ tranh thủ được một lát buổi trưa chạy về nhà nấu cơm cho các con, các cháu mà thôi. Lấy chồng đã được gần 30 năm thì đến nay tôi toàn sống và ngủ ở lán ngoài đồng, để có lều lán như hiện nay thì mới chỉ được 10 năm, còn những năm trước chỉ căng cái bạt lên là ngủ. Cứ thế, đã gần 20 năm rồi đấy...”, chị Hải kể.

Nhắc đến chồng mình, chị Hải không giấu được dòng nước mắt, sụt sùi: “Nhà tôi mới qua đời chưa được một năm, anh vừa mắc bệnh phổi, bệnh gan và bệnh thận, dù đã cố thuốc thang nhưng không qua được cái tuổi 49. Khi anh còn sống, mỗi khi ra đồng sớm tối thì cũng yên tâm, ở nhà đã có chồng bảo ban con cái. Nay chồng mất rồi, cuộc sống đã vất vả lại càng vất vả hơn. Mỗi khi đi đâu, không biết ở nhà các con ăn uống thế nào”.

“Đẻ nhiều quá nên chẳng chăm được chu đáo cho đứa nào cả, ai dám chắc sau này các cháu không bỏ học giữa chừng. So với bạn bè cùng trang lứa chúng thiếu cả tinh thần và vật chất. Không đất đai, không nghề nghiệp, cũng không được học hành đầy đủ, thật lòng tôi cũng chưa dám nghĩ tới tương lai của các con sẽ thế nào...”.

Chị Đặng Thị Hải

Hỏi chị vì sao gia cảnh khó khăn mà lại đẻ nhiều đến thế, chị bộc bạch: “Con cái là lộc trời cho, nói thực là cũng do mình mải làm lụng để kiếm từng bữa cơm cho các con nên chính bản thân tôi cũng không biết mình có bầu lúc nào. Được cái các cháu cũng dễ sinh, có khi đang đi mò cua bắt ốc ở ngoài đồng thấy đau bụng là về lán để đẻ, thậm chí có những cháu được sinh ra do không kịp về lán thì đẻ ngay trên bờ ruộng, rồi vợ chồng tự cắt rốn cho các cháu. Có lúc sinh chỉ sau 3-5 ngày là tôi lại phải ra đồng mò cua bắt ốc, bắt con tôm, con tép để bán kiếm tiền”.

Cũng may, gia đình là hộ nghèo nên về học hành của các cháu đều được Nhà nước miễn giảm. Đến nay, vẫn có 6 cháu đang đi học, một cháu học lớp 9, một cháu lớp 6, một cháu lớp 5 và hai cháu lớp 3. Tiếc nhất là trường hợp của cháu Tới, đã học đến lớp 10, học giỏi nhưng mẹ khuyên thế nào cũng không nghe, nhất quyết bỏ giữa chừng để ở nhà phụ mẹ nuôi các em.

Hướng đôi mắt về phía đầm - nơi đem lại nguồn sống cho mười mấy đứa con, ánh mắt chị đượm buồn: “Cuộc sống càng ngày càng khó khăn, sắp tới thì đất đồng vào dự án, Nhà nước lấy tôi cũng không biết đi làm gì. Sau này mà Nhà nước lấy đất thì tôi sẽ đi làm thuê, ai thuê gì làm đấy, miễn sao kiếm được chút tiền nuôi các con...”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.