Góc nhìn

Cuộc sống của phụ nữ Hồi giáo đằng sau tấm khăn Hijab

29/01/2016, 18:55

Những bí mật thực sự được cất giấu đằng sau những chiếc khăn màu đen kín mít của phụ nữ Hồi giáo.

Abrar-shahin
Đằng sau tấm khăn Hijab, phụ nữ Hồi giáo có cuộc sốngbình thường như bất cứ người phụ nữ nào trên thế giới.

“Những đôi mắt biết nói”

Nhiều người lầm tưởng rằng đời sống của phụ nữ Hồi giáo dưới tấm khăn Hijab là vô cùng khắc nghiệt, song sự thực không phải vậy.

Nữ phóng viên ảnh Monique Jaques từng có cơ hội được tiếp cận cuộc thi Miss Muslimah 2014 - cuộc thi sắc đẹp và trí tuệ dành cho phụ nữ Hồi giáo trên khắp thế giới cho biết: Cô nhận ra đằng sau tấm khăn Hijab giấu đi gương mặt xinh đẹp, các cô gái Hồi giáo có nhiều điểm tương đồng với phụ nữ khắp thế giới: Họ “tán chuyện” với nhau về những chủ đề muôn thuở của phụ nữ như xu hướng thời trang, trang điểm, phim ảnh…

Họ thoải mái ca hát, cầm máy ảnh, điện thoại chụp hình “selfile”. Đặc biệt, do phải giấu toàn bộ cơ thể sau tấm khăn Hijab, phụ nữ đạo Hồi có xu hướng trang điểm mắt vô cùng cầu kỳ. Những đôi mắt tròn to, đen láy, lông mi dài cong vút là điểm nhấn và lộ diện duy nhất trên gương mặt họ.

Như phần lớn “một nửa thế giới”, phụ nữ đạo Hồi thích mua sắm - họ thậm chí tỏ ra sành điệu và thời thượng khi thích sắm đồ hàng hiệu. Đằng sau những bộ Hijab truyền thống, họ thoải mái lựa chọn cho mình những bộ bikini xinh đẹp (các quốc gia Hồi giáo còn có những bãi biển dành riêng cho phụ nữ). Sau khi trút bỏ những chiếc khăn Hijab, ở nhà hay trong khách sạn với gia đình, họ thoải mái trưng diện những bộ âu phục thời trang như bất cứ phụ nữ phương Tây nào.

Abrar Shahin, nữ sinh Hồi giáo 18 tuổi đã giành chiến thắng trong một cuộc thi Phong cách thời trang tại trường Trung học Clifton ở Clifton, New Jersey. Cô gái xinh đẹp này thể hiện phong cách ăn mặc thời thượng của mình với chiếc khăn Hijab truyền thống.

Dám yêu, dám sống

The Washington Post dẫn thống kê từ các nhà hoạt động nhân quyền cho hay, mỗi năm có tới 1.000 phụ nữ Hồi giáo đã bị giết chết theo những cách thức tàn bạo. Một phụ nữ 25 tuổi đang mang thai bị gia đình mình ném đá đến chết vì trót đem lòng yêu một người đàn ông mà gia đình không đồng ý, Washington Post ngày 28/5/2014 đưa tin.

Việc ném đá diễn ra giữa ban ngày, bên ngoài một tòa án và ngay cạnh một đại lộ sầm uất. Theo lời chồng chưa cưới của người phụ nữ tội nghiệp, thì hai người quyết định đến tòa án để làm thủ tục kết hôn. Phía bên ngoài, cha và những người họ hàng của cô gái đứng đợi sẵn. Chờ khi hai người bước ra, bọn họ xông vào và ném đá cô gái đến chết.

Người cha của cô gái nói với cảnh sát: “Tôi đã giết con gái mình vì nó xúc phạm các thành viên trong gia đình, nó kết hôn với một người đàn ông mà không có sự đồng ý của chúng tôi. Tôi không hề cảm thấy hối hận vì đã làm vậy”.

Thậm chí, Aliaa Magda Elmahdy, một blogger người Ai Cập đã gây tranh cãi “nảy lửa” trên mạng xã hội Twitter khi đăng một loạt bức ảnh khỏa thân của mình, nhằm ủng hộ phụ nữ Hồi giáo, theo CNN. Cô sinh viên Elmahdy gọi đây là “tiếng la hét chống lại một xã hội bạo lực, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, quấy rối tình dục và đạo đức giả”.

“Theo quan điểm của tôi, những tấm khăn Hijab không phải là lựa chọn của cá nhân những phụ nữ Ai Cập, mà là biểu hiện của áp lực tôn giáo và xã hội. Tôi không muốn phụ nữ Hồi giáo mang mạng che mặt vì gia đình họ, không muốn họ bị đánh đập trên đường phố. Tôi không hiểu vì sao phụ nữ lại luôn là người… bị ra lệnh, tại sao đàn ông không phải là những người mang Hijab?”, Elmahdy nói.

Không những thế, để vượt qua những quy luật khắc nghiệt, phụ nữ Hồi giáo tìm đến với công nghệ, như tính năng bluetooth trên điện thoại chẳng hạn, để có thể “mở rộng thế giới” một cách an toàn tại bất cứ đâu. Reem, một phụ nữ 24 tuổi sống ở Saudi Arabia nói với phóng viên AP rằng: “Tôi sử dụng bluetooth để tìm kiếm những điều mới mẻ, tạo động lực cho cuộc sống”.

Cẩm nang tình dục cho người Hồi giáo

Ở thế giới Hồi giáo, “sex” là một chủ đề nhạy cảm, thậm chí cấm kỵ. Nhưng bằng kinh nghiệm 10 năm công tác tại Phòng khám Hôn nhân ở Dubai, nữ bác sĩ Wedad Lootah, 45 tuổi đã viết một cuốn cẩm nang tình dục học đầu tiên dành cho người Hồi giáo. Cuốn sách gây ra một cơn sốt và sốc chưa từng có, bởi nó đề cập tới hàng loạt chủ đề cấm kỵ trước đó chưa được phép tranh luận công khai trong thế giới Ả rập. Lootah cho rằng, như mọi phụ nữ khác, phụ nữ Hồi giáo cũng có chung những thắc mắc, khó khăn trong vấn đề tình dục.

Một tác giả người Hồi giáo khác là Shelina Janmohamed cũng mạnh dạn đề cập tới chủ đề này, theo Telegraph. Tác giả người Hồi giáo giải thích việc phụ nữ cần phải có hiểu biết đầy đủ về đời sống tình dục.Cuốn sách của Janmohamed hé lộ những điều ít biết về cuộc sống của phụ nữ Hồi giáo.

Theo đó, rất nhiều phụ nữ mang Hijab tìm mua những sản phẩm chăm sóc “đời sống chăn gối” của ông Abdelaziz Aouragh - chủ một cửa hàng bán các sản phẩm “sex online” cho người Hồi giáo có trụ sở tại Hà Lan. Ông chủ cũng tiết lộ rằng, đa số các khách hàng của họ là phụ nữ và khá cởi mở trong vấn đề này. “Họ không hề khép kín như chúng ta nghĩ”.

Tại Mỹ, một nhà hoạt động Hồi giáo Asra Nomani cũng viết một cuốn cẩm nang sex cho phụ nữ, nhằm mang lại quyền lợi và hạnh phúc cho những cô gái mang mạng che mặt. Nomani cho biết, cô cũng đã nhận được khá nhiều chỉ trích về cuốn sách của mình, song điều cô muốn là cho thế giới hiểu được rằng “người Hồi giáo thực sự rất cởi mở trong vấn đề tình dục và chăm sóc hạnh phúc của người phụ nữ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.