Đường sắt

Cuộc sống khốn khó của hàng nghìn nhân viên đường sắt

18/06/2021, 06:49

Do ảnh hưởng của Covid-19, ngành Đường sắt cắt giảm gần hết tàu khiến việc làm, đời sống của hàng nghìn người lao động bấp bênh.

img

Nhân viên trên tàu Ngô Thị Phương Thảo dạy học cho con trai trong khi phải tạm nghỉ, chờ việc

Bán hàng online, chạy Grab kiếm thêm thu nhập

Khoe ảnh cậu con trai 6 tuổi đáng yêu với PV, chị Ngô Thị Phương Thảo, tiếp viên tàu SE3/SE4 (Đoàn Tiếp viên Đường sắt Phương Nam) chia sẻ, vợ chồng chị đang tạm nghỉ, chờ bố trí việc nên về quê chồng ở Hà Nam thăm con.

Chị Thảo cho biết, chồng chị là trưởng tàu an ninh, cùng tổ tàu với chị. Cả hai cùng đi tàu nên hai vợ chồng phải gửi con cho ông bà nội từ lúc cháu mới 7 tháng tuổi.

Khi chưa có dịch, tàu chạy đều, tháng nào đi thêm tàu tăng cường, thu nhập mỗi người được khoảng 7 triệu đồng. Giờ phải nghỉ luân phiên, tháng nào được bố trí đi làm cũng chỉ 2 - 3 chuyến, thu nhập khoảng 2,4 - 3 triệu đồng/người.

“Việc làm, thu nhập bấp bênh nên em phải làm thêm bằng cách bán hàng online một số mặt hàng lặt vặt như rau củ quả, mỗi tháng thêm được 1 - 2 triệu đồng. Còn chồng chạy Grab, thêm 1 - 2 triệu đồng nữa. Nhưng giờ dịch, người dân hạn chế ra đường nên không có khách”, chị Thảo tâm sự.

Bà Bùi Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội cho biết, lao động trực tiếp tại các tổ sản xuất phải thay nhau nghỉ luân phiên, một tháng làm tháng nghỉ, có khi làm một tháng nghỉ hai tháng do không có việc. Chỉ tính từ tháng 3/2021 đến nay, có khoảng 300 - 400 lao động không có việc làm phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ luân phiên.


Anh Nguyễn Đình Khoa, phụ lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, nhà anh ở Thanh Hóa, vợ làm công nhân lương 3 - 4 triệu đồng/tháng, 2 con nhỏ nên thu nhập cả gia đình trông vào anh. Từ khi xảy ra dịch đến nay, lương của anh giảm đến 40 - 50% so với trước.

“Từ Tết đến nay, 8 - 10 ngày mới được đi một chuyến, nên thu nhập chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng, trong khi trước đây khoảng 10 triệu đồng”, anh Khoa nói và cho hay, anh cũng không thể làm thêm việc khác vì thời gian lái tàu không cố định nên không ai thuê.

Bệnh nặng vẫn muốn đi làm…

Cuối tháng 5/2021, anh Nguyễn Quang Thu, tiếp viên tàu SE3/SE4 (Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội) vui mừng thông báo: “Tôi đã hết cách ly 21 ngày, xét nghiệm mấy lần đều âm tính nên được về nhà rồi, chỉ phải tự cách ly ở nhà 7 ngày nữa thôi”.

Anh Thu cho biết, do chuyến tàu SE4 có hành khách trên toa anh phụ trách bị nhiễm Covid-19 nên anh là F1, phải đi cách ly tập trung. Những ngày đi cách ly, anh vừa lo bản thân có thể nhiễm bệnh, vừa lo nghỉ việc không được tính bảo hiểm y tế. Anh Thu bị bệnh gan mãn tính, phải uống thuốc điều trị và đến bệnh viện theo dõi thường xuyên, nếu không có bảo hiểm sẽ rất tốn kém. Trước khi có dịch, lương của anh chỉ 4 - 5 triệu đồng/tháng, nuôi bản thân, thuốc thang chưa chắc đã đủ, còn từ khi dịch bùng phát, có tháng chỉ được bố trí đi 3 chuyến, lương khoảng 2,4 triệu đồng.

“Từ cuối năm 2020, tôi cũng phải nghỉ giãn hợp đồng, nghỉ luân phiên. Nhưng theo quy định, tôi phải đi làm đủ công 15 ngày mới được đóng và hưởng bảo hiểm y tế”, anh Thu chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên phục vụ ăn uống trên tàu (Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội) tâm sự, hoàn cảnh kinh tế hai vợ chồng chị rất khó khăn.

Cả hai đều làm nhân viên trên tàu, lương thấp mà phải nuôi hai con nhỏ 6 - 7 tuổi. Từ năm ngoái đến nay, tháng nào đi làm thì thu nhập của chị chỉ khoảng 3 - 3,2 triệu đồng, tháng nào tàu đông khách cũng chưa được nổi 4 triệu đồng.

Chồng chị thì nghỉ giãn hợp đồng đã 2 tháng nay. Nhưng nỗi lo lớn nhất bây giờ với chị là không được bố trí đi làm, khi đó sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế trong khi chị đang phải điều trị bệnh ung thư vú giai đoạn I.

“Đơn vị tạo điều kiện cho tôi tháng nào cũng đi 2 - 3 chuyến để đủ công được nộp bảo hiểm. Nhưng không biết tháng 6 có được bố trí đi tiếp không, vì tàu cắt hết rồi, còn mỗi một đoàn, mà trạm lại đông lao động. Đi tàu trong khi dịch đang phức tạp cũng lo lắm, vì tôi có bệnh nền”, chị Hoa ngậm ngùi.

Doanh nghiệp đã cạn kiệt, cần Chính phủ hỗ trợ

Ông Lương Văn Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, khối lượng công việc lái tàu quý I/2021 đã giảm sâu, do sản lượng sụt giảm, chỉ đạt khoảng 85% so với cùng kỳ.

Kéo theo đó lái tàu cũng ít việc làm, thu nhập giảm khoảng 10 - 15% so với quý I/2020. Thu nhập bình quân của lái tàu từ khoảng 7,5 triệu đồng (Xí nghiệp Đầu máy Vinh) đến 9,8 triệu đồng (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội), đó là do có chiến dịch vận tải Tết, tàu tăng cường nhiều. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thu nhập lái tàu còn thấp hơn rất nhiều.

Còn ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh, Tổng công ty cho hay, chỉ tính riêng ảnh hưởng bởi dịch đợt 4, đã có 1.169 lao động bị hoãn hợp đồng lao động, 136 lao động nghỉ không lương. Còn tính chung lao động khối vận tải bị ảnh hưởng như lái tàu, nhân viên trên tàu, nhà ga… thì có hơn 13.000 người bị mất và thiếu việc làm.

Ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN cho biết, năm 2020 công đoàn phải vận dụng các nguồn quỹ hỗ trợ hàng tỷ đồng cho người lao động khó khăn. Nhưng sang năm nay, dịch bùng phát liên miên, số lượng người lao động bị ảnh hưởng quá lớn nên các nguồn quỹ còn lại không nhiều.

“Doanh nghiệp đã cạn kiệt, vì vậy Chính phủ cần có gói hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19. Năm 2020, người lao động đường sắt không được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ vì điều kiện kèm theo là doanh nghiệp phải không có doanh thu. Trong khi đó, dù doanh nghiệp vận tải đường sắt vẫn có doanh thu nhưng lỗ hàng trăm tỷ đồng”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cần có hướng dẫn cụ thể việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19; Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần quy định rõ các nội dung liên quan nhằm tạo điều kiện cho người lao động phải tạm hoãn, giãn hợp đồng lao động vì thiếu việc, nhất là về bảo hiểm y tế...

Để gỡ khó cho các DN vận tải đường sắt, TCT Đường sắt VN đã có kiến nghị tiếp tục được áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho các năm tiếp theo; Miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho năm 2021

Tổng công ty cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền có các chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động khối vận tải hiện đang bị mất và thiếu việc làm; Ưu tiên tiêm phòng vaccine cho các đối tượng trên tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 có nguy cơ cao bị lây nhiễm, trước mắt là 6.678 người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.