Xã hội

Cuộc sống mới ở Măng Lăng sau trận lở núi kinh hoàng

18/12/2022, 07:00

Mùa mưa 2 năm trước, cuộc tháo chạy của hàng chục con người trước khi ngọn núi đổ ầm xuống vùi lấp làng Huy Duỗi khiến ai cũng kinh hãi.

Giờ đây, cuộc sống mới của làng Huy Duỗi, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã trở lại, các hộ dân đang tất bật dọn về làng mới, chuẩn bị đón Tết.

Dựng nhà ở Măng Lăng

Những ngày đầu tháng 12/2022, cũng là tháng cuối cùng của năm, tiết trời như muốn hòa cùng niềm vui của người dân ổn định cuộc sống nơi ở mới nên dù đã cuối Đông, vẫn còn những vạt nắng chiều soi rọi.

Thoáng chốc đã hơn 1 tháng kể từ khi dọn từ nhà tạm về khu tái định cư (TĐC) để sinh sống, anh Đinh Văn Tường, một trong những trường hợp may mắn thoát chết trong trận sạt lở núi 2 năm trước bảo rằng, bao mong chờ, khát khao được vào ở trong khu TĐC ổn định, sạch sẽ và an toàn đã trở thành sự thật.

img

Cuộc sống mới ở khu tái định cư Măng Lăng của đồng bào Ca Dong, xã Sơn Long sau 2 năm trời sống tạm vì lở núi vùi lấp nhà cửa

Anh Tường cho biết, trước khi mặt bằng khu TĐC hoàn thiện, gia đình anh dựng căn nhà tạm trên mảnh đất trồng mì nên không còn đất để làm ăn. Khi được phân đất khu TĐC, với góp sức của người dân trong thôn và dân quân địa phương, ngôi nhà sàn dần hình thành. Anh Tường cùng vợ con về nhà mới ở để xây cuộc sống mới sau 2 năm “sống tạm”.

Dọn rửa xoong nồi chuẩn bị nấu cơm tối, chị Đinh Thị Nghe, vợ anh Tường nở nụ cười tươi rói tâm sự: “Hôm nay, vợ chồng em dọn về khu TĐC, bây giờ làm nhà tạm trước, khi mọi thứ ổn định thì sẽ xây nhà bê tông kiên cố. Nơi ở cũ đường sá đi lại khó khăn, giờ qua khu TĐC bằng phẳng, Nhà nước cấp đất, cấp điện, cấp nước sinh hoạt. Bà con ở đây đều yên tâm sinh sống và làm ăn”.

Đang cùng hàng xóm dựng căn nhà cho một hộ dân khác ở cuối khu TĐC, anh Tường bảo, cái đêm kinh hoàng 2 năm trước ám ảnh cả cuộc đời anh. Hôm ấy, trời đổ mưa rất to. Một tiếng nổ lớn vang lên, rồi đất đá ầm ầm đổ xuống.

Anh chỉ kịp dắt vợ con lao ra khỏi nhà giữa đêm tối. Sáng hôm sau trở về, nhà đã bị vùi trong đống bùn đất, đá cuội. Tài sản bao năm tích cóp chẳng còn gì, đến bộ quần áo cũng không.

“Vợ chồng tôi sống nhờ sự cưu mang của chính quyền, người dân trong làng và các mạnh thường quân. Hôm nay, tôi đã được cấp đất ở làng mới Măng Lăng để dựng nhà. Biết ơn mọi người nhiều lắm”, anh Tường nói.

Ít ai biết rằng, trong thời khắc gian khó nhất sau đêm kinh hoàng, anh Tường dù trong tay lúc đó chẳng còn gì, nhưng lại là điểm tựa của nhiều hoàn cảnh mất nhà khi anh đồng ý nhổ mì để lấy mảnh đất cắm dùi duy nhất làm nơi dựng căn nhà tạm cho 5 hộ gia đình khác cùng ở.

Nụ cười ở làng mới

img

Ngoài hạ tầng giao thông, lưới điện thì nước sạch cũng được đưa về tận nhà từng hộ dân ở khu tái định cư Măng Lăng

Tháng 10/2020, vào một đêm mưa bão, 47 hộ dân dưới chân núi Le Ngói, khu dân cư Huy Duỗi, thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây) thất thần, tháo chạy vì núi lở. Ngày họ trở về mọi thứ chỉ là đống bùn nhão và nước mắt, một cuộc di dân tìm nơi ở được cấp tốc thực hiện.

Hai năm sau, tháng 10/2022, cả làng với 47 hộ dân ấy lại cùng nhau trong một chuyến di dân nhưng là chuyến đi đông vui, đầy ắp tiếng cười. Đó là ngày người dân về làng mới Măng Lăng.

Trở lại Măng Lăng những ngày cận Tết, xen kẽ trong tiếng nước hố từ rừng già đổ về róc rách là tiếng máy cưa, tiếng đục gõ của bà con làng mới Măng Lăng đang dựng nhà. Làng mới cách UBND xã Sơn Long hơn 1km, cách nơi sạt lở núi cũ non 2km.

Mỗi gia đình về làng mới được cấp 400m2 đất ở, chăn nuôi, trồng trọt nhỏ xung quanh. Làng trên đất phẳng, đường giao thông, điện chiếu sáng bảo đảm cuộc sống cơ bản cho bà con chuyển về an cư.

Khá bất ngờ, đằng sau những ngôi nhà mới ở Măng Lăng đã có một nhà tắm và nhà vệ sinh kiên cố. Đồng thời, hầm chứa chất thải cũng được xây dựng. “Người dân nơi đây đổi mới, hiện đại từng ngày”, Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cười cho biết.

Nhớ lại ngày sự cố xảy ra, nhìn bà con dân làng thất thần, bản thân ông Vượt cũng đau đáu nỗi đau vì không biết rồi mai này bà con sẽ sống ra sao. Điều kiện của xã thì quá khó khăn, lượng gạo dự phòng cũng chỉ đủ cho 47 hộ dùng trong thời gian ngắn. Giao thông chia cắt hoàn toàn.

“Lúc ấy ngổn ngang trăm mối, lo lắm. Nhưng rồi, người miền xuôi vượt đường sá sạt lở mang quà cáp, chăn màn, gạo, mắm, mì tôm và cả tiền… cập bến Sơn Long. Bà con trong khu tạm cư chia sẻ cho nhau dùng qua những ngày khó khăn. Nhìn lại hành trình đi qua mà ngỡ như giấc mơ”, ông Vượt nói.

Cũng theo ông Vượt, từ khi UBND huyện quyết định xây dựng khu TĐC, bà con trong vùng ngóng trông từng ngày, ai nấy đều mong được sớm về đây dựng nhà để ở và để… trả đất sản xuất lại cho chủ đất sau gần 2 năm ở tạm.

Trời chuyển dần về đêm, núi rừng Trường Sơn cũng ngả màu tối, vạt nắng cuối ngày le lói qua từng triền đồi va vào những rừng lau vào mùa đơm bông. Loài hoa mà mỗi khi nở trắng rừng là dự báo thiên tai đang chực chờ.

Nhưng mùa hoa lau năm nay, người Ca Dong nơi rẻo cao Ra Pân nhìn từng ngọn bông lau đã không còn ám ảnh, vì họ đã về làng mới, đã an yên sau cuộc di biến bất đắc dĩ kể từ đêm kinh hoàng năm ấy…

Tháng 11/2020, mưa lớn và liên tục bão gió khiến tình trạng sạt lở núi ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi ngày càng nghiêm trọng hơn. Hàng trăm nghìn khối đất đá tạo thành dòng lũ bùn từ trên cao ào xuống, san phẳng từ triền đồi qua bên kia làng.

Nhà ở, trường học, rừng, ruộng bậc thang, đường giao thông... ở Măng Lăng bị nhấn chìm trong sông bùn. Đất đá đổ tràn cao từ 1 - 3m, chia cắt xã và bản làng... khiến người dân buộc phải dời đến nơi ở tạm suốt hơn 2 năm qua, cho đến khi khu tái định cư hình thành tạo nên làng Măng Lăng mới vào cuối năm nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.