Xã hội

Cuộc sống như “người rừng” trên đỉnh Hang Vây

10/12/2022, 07:19

Hang Vây lúc nào cũng có sương mù bao phủ, hiếm khi ánh nắng có thể lọt vào nơi này, mà thường là giá rét, có tuyết rơi.

Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, quanh năm sương mù và lạnh giá bao phủ, Hang Vây từng là điểm trắng dân cư. Nơi đây dần có lác đác những mái nhà, song cuộc sống vẫn cực kỳ thiếu thốn.

Sống như “người rừng”

img

Căn nhà tạm lụp xụp của gia đình ông Tằng Giẩu Minh

Một ngày cuối tháng 11, PV Báo Giao thông ngược Quốc lộ 18B từ huyện Hải Hà vòng lên Quốc lộ 18C hay còn gọi là đường vành đai biên giới từ huyện Bình Liêu chạy thông ra TP Móng Cái (Quảng Ninh), chừng vài chục cây số là đến điểm dân cư Hang Vây, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà.

Quốc lộ 18C giờ được trải nhựa phẳng phiu, tuy nhiên, do địa hình phức tạp, tuyến đường phải thiết kế ngoằn ngoèo, nằm vắt trên sườn núi, bên phải là vực sâu thăm thẳm.

Chúng tôi vừa đến khúc cua thì thấy một người đàn ông dân tộc Dao đứng ra giữa đường vẫy nhờ xe. Đó là ông Tằng Giẩu Minh, cư dân tại Hang Vây xuống trung tâm huyện mua đồ, trên đường trở về thì xe máy bị hỏng, đành để vào bên vệ đường rồi ra đứng vẫy nhờ xe về nhà mang đồ xuống sửa…

“Bà con ở đây chủ yếu là người dân tộc Dao của huyện Bình Liêu, huyện Hải Hà di cư lên. Hôm nay trời nắng đẹp, lên Hang Vây còn dễ. Chứ ngày mưa thì đường trơn, sương mù dày đặc khó đi lắm”, ông Minh kể.

Gần 40 phút sau, chúng tôi đến điểm dân cư Hang Vây – nơi có những nóc nhà xiêu vẹo, thấp lè tè và trống hơ, trống hoác ven đường vành đai biên giới. Vừa đi phía dưới vẫn nắng to, nhưng ở Hang Vây, đã thấy sương mù bao phủ, lạnh căm căm. Thấy người lạ đến, mấy đứa trẻ con ngơ ngác chui tọt vào trong nhà rồi ghé ánh mắt nhìn ra qua những khe hở của tường.

Căn nhà của gia đình ông Tằng Giẩu Minh cũng giống nhiều ngôi nhà tại đây thấp lè tè, lợp ngói trình tường và được quây bằng cót ép đã cũ. Trước đó, nhà ông Minh ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu. Cách đây vài năm, do ở quê nhà thiếu đất canh tác, trong một lần đi qua khu vực này thấy khí hậu tuy khắc nghiệt nhưng thuận lợi cho chăn nuôi, lại thấy lác đác một số hộ đã đến ở, làm ăn, ông về rủ vợ lên làm lán rồi ở lại.

“Ban đầu, vợ chồng tôi mua vài đôi dê và ít gà lên thả. Đàn dê sinh trưởng tốt, gà cũng lớn nhanh, nên vợ chồng tôi mua thêm đôi trâu. Giờ vợ, chồng tôi có vài chục con dê, gần chục con trâu, gà thì nhiều”, ông Minh vui vẻ kể.

Tuy không còn lo bị đói, ông Minh và các hộ dân sống ở Hang Vây vẫn trong cảnh không điện, không trường học, không trạm y tế, không sóng điện thoại... “Chúng tôi không khác “người rừng”. Bà con đều mong mỏi Nhà nước sớm khảo sát, đầu tư để bà con định cư lâu dài tại đây”, ông Minh ước.

Cách nhà ông Minh chừng 20m là gia đình chị Chiều Xám Múi. Con chị Múi còn nhỏ, nhưng do không có chỗ gửi, nên chị đành để các con tự trông nhau cho bố mẹ đi rừng lấy củi, chăn nuôi.

Chị Múi kể, nhà chị trước kia ở xã Đồng Văn cũng khó khăn, thấy có người ở xã lên đây sống được, vợ chồng chị cũng lên theo. Trên này đất đất đai rộng, bằng phẳng, thoải mái trồng, cấy, chăn nuôi, nên cứ chăm chỉ là có cuộc sống ổn định. Ngặt nỗi, ở đây chưa có điện, trường học, trạm xá, sóng điện thoại...

Trăn trở với Hang Vây

img

Cùng với chăn nuôi, việc khai thác lâm sản phụ đã giúp cho người dân Hang Vây sống tốt hơn nơi quê nhà

PV đã tìm gặp được Đại tá Phạm Ngọc Hân, nguyên Giám đốc Lâm trường 103 thuộc Đoàn Kinh tế 327, Quân khu 3 giai đoạn 2014 - 2019. Đại tá Hân là người có mấy chục năm gắn bó với vùng rừng núi biên cương từ huyện Bình Liêu đến Hải Hà (Quảng Ninh), hiện đang ở TP Móng Cái.

Dù đã nghỉ hưu được vài năm, nhưng Đại tá Hân vẫn thường xuyên dõi theo đơn vị mình ở nơi vành đai biên giới. Ông chia sẻ, năm 1999, Lâm trường 103 được điều về làm nhiệm vụ ở 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hải Hà là Quảng Đức, Quảng Sơn (Dự án Khu Kinh tế - Quốc phòng Bình Liêu - Quảng Hà - Móng Cái).

Ngày đó, địa bàn này hẻo lánh, “trắng” dân cư (không có người dân ở), cơ sở hạ tầng hầu hết chưa có gì. Giao thông dọc vành đai biên giới từ Hải Hà đi Bình Liêu là tuyến đường mòn vắt qua các mỏm núi quanh năm mây mù...

“Hang Vây lúc nào cũng có sương mù bao phủ, hiếm khi ánh nắng có thể lọt vào nơi này, mà thường là giá rét, có tuyết rơi. Khu vực vành đai biên giới được ví như là “yếu địa”, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh biên giới quốc gia, lại “trắng” dân cư, hoang vu, hẻo lánh, hiếm có người qua lại. Chúng tôi bèn đặt cho vùng đất này là Hang Vây”, ông Hân kể.

Theo ông Hân, Lâm trường đã nhiều lần vận động bà con ở địa bàn phụ cận về sinh sống ở Hang Vây nhưng họ chỉ một lần đến rồi “không bao giờ trở lại”. Dù ở các khu vực bên dưới, Lâm trường đã trồng mới hàng trăm ha rừng, khoanh nuôi, bảo vệ bền vững trên 4.000ha rừng tự nhiên; tổ chức tuyên truyền, vận động được hàng trăm hộ dân ra định cư, xây 6 nhà văn hóa, 3 trường học, gần 10km kênh mương dẫn nước... nhưng ở Hang Vây thì vẫn là điểm dân cư thưa thớt, ít người chịu lên định cư, sinh sống.

Từ năm 2015, các đơn vị quân đội xây dựng dự thảo đề án định canh, định cư tại Hang Vây. Theo dự thảo đề án, sẽ hình thành thôn Hang Vây, quy mô 15 hộ, dân số 55 - 65 nhân khẩu. Mỗi hộ sẽ được hỗ trợ xây nhà ở cấp 4, diện tích khoảng 60m2; giao đất ở 400m2, đất nông nghiệp trên 2.000m2, đất rừng 4,5ha.

Thôn được xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ sản xuất, đời sống, gồm đường giao thông, đường điện dài gần 10km; trường mẫu giáo, trường THCS, nhà văn hóa, trạm y tế… tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay, dự án này vẫn chưa được thông qua.

Theo ông Hân, Hang Vây tuy khí hậu khắc nghiệt, khó trồng lúa nhưng canh tác các loại rau, củ xứ lạnh, chăn nuôi thì vẫn phù hợp. Đặc biệt, qua khảo sát các con suối nơi đây, đơn vị cũng nhận thấy rất phù hợp với nuôi cá tầm, nếu có vốn và chuyển giao kỹ thuật được cho dân, chắc chắn mô hình này sẽ làm giàu được.

“Quan trọng hơn là, có dân thì nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, biên giới quốc gia ở khu vực này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều...”, Đại tá Hân chia sẻ.

Theo lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Hải Hà, theo tờ trình thì Lâm trường 103 đề xuất xây dựng tại Hang Vây 50 căn nhà diện tích 60m2/căn, 1 nhà văn hóa rộng 120m2, 1 điểm trường mầm non rộng 120m2, đầu tư hệ thống điện trung thế dài 10km cùng hệ thống giao thông nội bộ trong khu dân cư, công trình cấp nước sinh hoạt… Tổng mức đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, thời gian thực hiện theo đề xuất là năm 2021 - 2023.

Đến thời điểm hiện tại, chủ trương đầu tư điểm dân cư tại Hang Vây vẫn chưa có gì tiến triển. Bởi khu vực này nằm quy hoạch Khu Bảo tồn thiên nhiên Trúc Bài Sơn đang được tỉnh chỉ đạo nghiên cứu. Khi nào quy hoạch được cấp có thẩm quyền thông qua thì mới có thể tính toán được việc hình thành điểm dân cư tại Hang Vây hay không.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.