Kinh tế

Cước vận tải: Cần sòng phẳng với người tiêu dùng

15/11/2014, 06:19

Xăng dầu đã 9 lần giảm giá liên tiếp từ tháng 8 đến nay là điều kiện thuận lợi để hạ giá cước vận tải, góp phần giảm chi phí đầu vào nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và hàng hóa...

img

Để đảm bảo quyền lợi đó của DN, người tiêu dùng, Bộ GTVT đã liên tiếp có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, TP yêu cầu phối hợp với các hiệp hội vận tải địa phương và DN rà soát, tính toán chi phí, giá thành để làm cơ sở hạ giá cước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay buộc các DN phải công khai, minh bạch và bình đẳng trong hoạt động. Theo đó, cước vận tải có tăng phải có giảm, tương xứng trên cơ sở chuyển động thị trường xăng dầu - mặt hàng chiếm trên dưới 40% chi phí đầu vào của các DN hoạt động trong lĩnh vực này.

Trên nguyên tắc này, Hiệp hội Vận tải Việt Nam và một số DN cho rằng, giá xăng dầu giảm liên tục vừa qua không có nghĩa cước vận tải phải giảm đồng loạt, bởi khi xăng dầu tăng giá trước đó, nhiều hãng vẫn gồng mình giữ giá. Song, xem ra, giải thích này có vẻ chưa thuyết phục được dư luận.

Bởi vậy, trong trường hợp này, rất cần sự phân xử công bằng của cơ quan quản lý, bằng cách kiểm tra, rà soát chi phí đầu vào, đầu ra của DN tương ứng với từng thời điểm; Công bố công khai; Thậm chí xử lý tới nơi tới chốn những trường hợp vi phạm. Đây là việc làm cần thiết, góp phần xây dựng một thị trường vận tải minh bạch, theo đúng cơ chế thị trường, đồng thời bảo vệ thiết thực quyền lợi người tiêu dùng.

Về phía các hiệp hội, DN vận tải, cũng cần chủ động rà soát nghiêm túc, công bố công khai thông tin, số liệu thay vì giải thích chung chung như cách đa số thực hiện lâu nay. Sự công khai, minh bạch vừa là thể hiện sự sòng phẳng với người tiêu dùng, vừa là sức ép buộc các DN phải tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động thực sự, nhất là trong bối cảnh khách hàng thực sự là thượng đế hiện nay.

Còn nếu DN vẫn “bám víu” vào những giải thích thiếu căn cứ, cố tình trì hoãn việc giảm giá, tranh thủ kiếm lời, có thể thu thêm được chút lợi nhuận. Song, trong thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, cơ quan quản lý ngày một chặt chẽ, minh bạch hiện nay, những trường hợp kinh doanh “chộp giật” sớm muộn sẽ phải trả giá bằng chính uy tín, thương hiệu!.

Hà Thanh Oai

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.