Doanh nghiệp

Cuối năm, doanh nghiệp “khủng” ồ ạt lên sàn

28/11/2016, 07:36

Cùng với Sabeco, hàng loạt “ông lớn” khác đang trong quá trình làm các thủ tục và dự kiến cũng sẽ kịp lên sàn...

14

ACV là một trong những doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch sôi động - Ảnh: Tạ Tôn

Các “ông lớn” tấp nập niêm yết

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu ACV của Tổng công ty CHK Việt Nam đóng cửa với giá giao dịch bình quân 40.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với mức giá tham chiếu ngày đầu giao dịch 25.000 đồng/cổ phiếu. Tổng lượng mua ACV đạt gần 1,333 triệu cổ phiếu, cao hơn tổng lượng bán 1,305 triệu cổ phiếu. Với lượng giao dịch thành công trong phiên đạt hơn 1 triệu đơn vị, ACV đang là cổ phiếu có giao dịch sôi động nhất sàn UPCoM cuối tuần qua.

Chào sàn ngày 21/11, đây là phiên giao dịch thứ 5 của ACV. Với 2,17 tỷ cổ phiếu lên sàn giao dịch, ACV là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn UPCoM và là một trong những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán. Cổ phiếu ACV được giao dịch cũng kéo theo hiệu ứng “cất cánh” của hàng loạt cổ phiếu khác trong ngành Hàng không trên sàn niêm yết.

Cùng lên sàn UPCoM ngày 21/11 với ACV là hơn 74,2 triệu cổ phiếu HPW của Công ty CP Cấp nước Hải Phòng (vốn điều lệ hơn 742 tỷ đồng) với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu và 60 triệu cổ phiếu BSG của Công ty CP Xe khách Sài Gòn (vốn điều lệ 600 tỷ đồng) với giá tham chiếu 10.200 đồng/cổ phiếu.

Trước ACV, một doanh nghiệp “khủng” khác là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco đã đưa 231,8 triệu cổ phiếu BHN chào sàn UPCoM ngày 28/10. Chia sẻ thông tin với Báo Giao thông, đại diện Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) cho biết, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để kịp chào sàn HSX vào tháng 12 này. Bên cạnh Sabeco, một số trường hợp khác đang trong quá trình làm các thủ tục và dự kiến cũng sẽ kịp lên sàn trong năm nay.

Chính phủ siết “vòng kim cô”

Việc niêm yết của Habeco và Sabeco có sức ép khi hai đơn vị này đã cổ phần hóa nhiều năm nhưng vẫn chưa niêm yết chứng khoán như quy định khiến Chính phủ phải ra “tối hậu thư”. Trong cuộc họp Chính phủ hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao Sabeco và Habeco phải niêm yết trong năm nay. Nếu không hoàn thành, hai đơn vị này phải kiểm điểm trách nhiệm trước Bộ Công thương, còn Bộ Công thương (đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Habeco và Sabeco) phải kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

“Họ” giao thông trên sàn có kết quả kinh doanh tích cực

Trên cả ba sàn chứng khoán (HSX, HNX và UPCoM), hiện đã có 8 doanh nghiệp liên quan đến ngành Hàng không đang giao dịch, bao gồm: Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV), Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài - NoiBai Cargo (NCT), Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng - Masco (MAS), Công ty CP Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS), Công ty CP Xuất nhập khẩu hàng không - Arimex (ARM), Công ty CP In hàng không - Aviprint (IHK), Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài - NoiBai Catering Services (NCS) và Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN). Báo cáo 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp hàng không đều có kết quả khả quan: SGN lãi ròng 136 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2015, Sasco lãi 140 tỷ đồng, tăng 11%; Masco lãi 35,4 tỷ đồng, tăng 32%; Arimex lãi 5,54 tỷ đồng, tăng 29%, NCT đạt lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng...

Không chỉ Habeco, Sabeco, việc niêm yết của các doanh nghiệp Nhà nước đã được quy định rất cụ thể trong Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chuyển sang công ty cổ phần trước ngày 1/11/2014 sẽ phải hoàn tất đăng ký giao dịch và niêm yết trước ngày 1/11/2015. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, vì nhiều lý do, nhiều doanh nghiệp vẫn thất hứa niêm yết với cổ đông do chưa có chế tài xử phạt. Một lần nữa, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây phải ký ban hành Văn bản số 1768/TTg-ĐMDN về việc chuyển nhượng vốn theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết phải khẩn trương thực hiện. Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, tổng công ty phải lập danh sách các doanh nghiệp trực thuộc nằm trong diện nói trên, yêu cầu các doanh nghiệp này khẩn trương lên sàn.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ tháng 11/2016) sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Mức phạt cao nhất lên đến 400 triệu đồng nếu doanh nghiệp trong diện không chịu đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc thực hiện quá thời hạn trên 12 tháng.

Với hành động quyết liệt này của Chính phủ, cuối năm nay và trong năm tới, giới đầu tư kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn. Theo đánh giá của đại diện HSX, thị trường sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi hàng hóa dồi dào hơn. Đại diện HSX còn cho biết, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 115/2016 có hiệu lực từ ngày 1/11. Đáng chú ý nhất là Thông tư 115 yêu cầu cổ phần sau đấu giá sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 20 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần đấu giá. Anh Nguyễn K.S., một nhà đầu tư lâu năm cho biết, đang cân đối tỷ lệ cổ phiếu và tiền mặt trong tài khoản để “canh” hàng tốt. “Cổ phiếu của doanh nghiệp lớn có giá hợp lý, tài chính sạch sẽ bao giờ cũng đắt hàng. Chỉ cần cổ phiếu lên sàn là nhà đầu tư, cả nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào ngay”, nhà đầu tư này nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.