Thời sự

Cuối tuần này thẩm tra Luật PPP: Quy mô dự án không thấp hơn 200 tỷ đồng

27/08/2019, 09:31

Theo Ban soạn thảo dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), việc áp dụng luật sẽ không bảo lãnh “đại trà" các dự án.

img
Cuối tuần này Ủy ban Kinh tế sẽ thẩm tra chính thức dự án Luật PPP

Thông tin tại tọa đàm trao đổi với chuyên gia trong và ngoài nước về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) chiều qua (26/8), đại diện ban soạn thảo, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đăng Trương cho biết dự thảo quy định PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa khu vực công và khu vực tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng PPP.

Các lĩnh vực đầu tư PPP gồm: Giao thông vận tải; nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện; hệ thống cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải; hạ tầng khu đô thị, công viên; trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở công vụ; y tế, giáo dục, dạy nghề; hạ tầng công nghệ thông tin…

Quy mô dự án không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).

Dự thảo cũng quy định một số cơ chế bảo lãnh của Chính phủ đối với nhà đầu tư như: Bảo đảm cân đối ngoại tệ, chia sẻ rủi ro về doanh thu, tuy nhiên việc áp dụng có chọn lọc theo tiêu chí nhất định, không bảo lãnh “đại trà”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, chủ trương của Đảng là huy động, thu hút tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng trên cơ sở hài hòa lợi ích 3 bên (Nhà nước, người dân và doanh nghiệp), nhằm tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tờ trình dự án luật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/1/2019 có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng. Trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án BT và 8 dự án các loại hợp đồng khác. Thông qua đó huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia.

Tuy nhiên, tiến trình thể chế hóa chủ trương này còn chậm. Đến nay, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư được triển khai dựa vào hệ thống pháp luật chung, chưa có luật riêng và mới chỉ được điều chỉnh ở tầm Nghị định (Nghị định 63/2018). Vì vậy, quá trình thực hiện các dự án BOT, BT giao thông đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập.

Trước thực tế này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Căn cứ Báo cáo kết quả của Đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14, trong đó yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đặt trong tổng thể hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP với định hướng nghiên cứu xây dựng, trình QH ban hành Luật tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ cho hình thức đầu tư này.

“Dự án Luật PPP đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Để chuẩn bị báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ Tám vào tháng 10 tới, Ủy ban Kinh tế phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức tọa đàm trao đổi ý kiến chuyên gia về một số nội dung chủ yếu của dự án Luật”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh thông tin.

Theo lộ trình nói trên, Dự án Luật dự kiến sẽ được thông qua kỳ họp thứ 9 giữa năm 2020. Ngay cuối tuần này Uỷ ban Kinh tế sẽ thẩm tra chính thức dự án Luật PPP.

Theo các chuyên gia, Luật PPP được ban hành phải đồng bộ với các luật hiện hành và phải hạn chế thấp nhất các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời cần thiết phải xây dựng được cơ chế bảo lãnh cho nhà đầu tư, như vậy mới thu hút được tối đa nguồn lực trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề xuất làm rõ bản chất của mối quan hệ đối tác công - tư và bản chất dự án PPP để từ đó thống nhất hướng phân loại dự án PPP cũng như cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.