Thế giới giao thông

Cướp biển châu Phi tiêu tiền thế nào?

24/04/2014, 06:40

Nhờ những phi vụ cướp tàu thuyền mà cướp biển vùng Sừng châu Phi kiếm hàng trăm triệu USD/năm.

Trong 8 năm qua, cướp biển kiếm được 400 triệu USD
Trong 8 năm qua, cướp biển kiếm được 400 triệu USD

8 năm kiếm được 400 triệu USD


Theo báo cáo điều tra về tình trạng tội phạm quốc tế của Liên hợp quốc phối hợp cùng Interpol và Ngân hàng thế giới (WB), trong vòng 8 năm (2005-2013), hải tặc Djibouti, Ethiopia, Kenya, Seychelles và Somalia đã kiếm được hơn 400 triệu USD tiền chuộc. Tổng cộng đã có 179 chiếc tàu bị bắt cóc dọc bờ biển Somali và khu vực Sừng châu Phi. 85% trong số đó được phóng thích sau khi trả tiền chuộc.
 

"Cướp biển không chỉ là mối đe dọa đối với an ninh và sự ổn định chung mà còn khiến tình trạng tham nhũng trong khu vực cũng như quốc tế gia tăng”.

 

Stuart Yikona
chuyên gia tài chính cao cấp

của Ngân hàng thế giới

Trên thực tế, những kẻ trực tiếp nắm tài chính là các ông trùm kiêm chỉ huy, điều đình, mặc cả và hưởng 30-50% tiền chuộc, phần còn lại thuộc về những “chiến binh chân đất” trực tiếp cướp tàu. Những “chiến binh chân đất” thuộc tầng thấp nhất trong băng, phải làm những công việc nguy hiểm và bẩn thỉu nhất. Sau mỗi vụ cướp tàu thành công, được trả từ 30.000 - 75.000 USD. Tên cướp nào lên tàu đầu tiên hoặc sử dụng vũ khí riêng sẽ được thưởng thêm 10.000 USD.

Báo cáo của Liên hợp quốc - Interpol - WB nêu rõ: “Khi một con tàu bị bắt cóc, cướp biển lập tức gọi về thành phố. Ông trùm của chúng tổ chức ăn mừng. Khi tàu về đến cảng, một nhóm được cắt cử để canh giữ cẩn mật. Tất cả mọi việc xảy ra đều được ghi lại rõ ràng từ cung cấp thức ăn, đồ uống và bất kỳ loại giao dịch nào khác. Số tiền cuối cùng sẽ được tính cộng hết vào tiền chuộc. Chủ tàu cứ thế mà thanh toán”.

Đầu tư và hối lộ


Phần lớn tiền chuộc được tiêu vào rượu, khat (một loại lá ma túy), đĩ điếm. Phần còn lại được đầu tư cho tương lai như: Mua bất động sản, chứng khoán… Thậm chí, theo Reuters, tại Haradheere (Somali), cộng đồng hải tặc đã thiết lập hẳn một sàn giao dịch để quản lý, quay vòng vốn. Đầu tư ở đây có vẻ khá hiệu quả khi chỉ chưa đầy 40 ngày Sahra Ibrahim - vợ một cướp biển tử nạn đã kiếm được hơn 70.000 USD sau khi góp vốn vào sàn giao dịch này bằng một khẩu súng phóng lựu của chồng để lại.
 

Kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 18 tỷ USD mỗi năm từ những chi phí thương mại phát sinh và hạn chế hoạt động của ngành Hàng hải trong vùng lãnh hải thường xuyên xảy ra các vụ bắt cóc tàu, ảnh hưởng đến du lịch. Đồng thời dẫn đến việc đóng băng dịch vụ chuyển tiền khiến cuộc sống của những cộng đồng nhất định bị tổn hại.

Mohammed - một cướp biển giải nghệ cho biết: “Chúng tôi công khai kêu gọi, công khai đóng góp và bất cứ ai cũng có thể tham gia bằng tiền, vũ khí, các vật dụng hữu ích trên biển...”. 

Hiện, khu vực ẩn náu của cướp biển tại Somali nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng quân đội Al-Shabaab (có liên quan với al Qaeda). Thế nên khi PV Reuters dò hỏi một cách e ngại về thái độ của giới chức địa phương thì Mohammed cho biết khá thoải mái: “Phần lớn các cảng biển ở đây đều có quân đội đồn trú nên việc “tạo quan hệ” để “phát triển kinh doanh” là không tránh khỏi”. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng có thu phần trăm từ số tiền chuộc các tàu bị bắt cóc và khoản tiền đó được chi cho các dự án cơ sở hạ tầng công, bao gồm cả bệnh viện lẫn trường học, Mohamed nói thêm.


Tuy nhiên, Mohamed khá thận trọng khi tiết lộ rằng, tiền cướp biển còn chuyển qua biên giới tới những nước khác thông qua buôn lậu, rửa tiền. Một phần chảy vào các ngành công nghiệp thông qua đầu tư vào những doanh nghiệp sản xuất. Một phần khác được dùng để tái đầu tư cho hoạt động cướp biển bao gồm chuẩn bị cho những phi vụ bắt cóc tàu tiếp theo, buôn người và mua sắm vũ khí.


Minh Khôi (Theo CNN)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.