Pháp luật

"Cướp biển chỉ cần tiền thôi, không đánh đập"

26/10/2016, 06:53
image

“Cướp biển không đánh đập, cũng không bắt làm khổ nhọc, chúng chỉ cần tiền thôi", anh Xuân kể.

IMG_3774 (1)
Anh Nguyễn Văn Xuân (trái) và anh Phan Xuân Phương được đưa tới bệnh viện khám sức khỏe

Cướp biển chỉ cần tiền thôi...

Hơn 14h chiều 25/10, chuyến bay đưa 3 thuyền viên lao động Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt giữ, hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Cánh cửa phòng chờ mở ra, đoàn người thân thuyền viên lao tới trong tiếng khóc nức nở. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, vợ thuyền viên Nguyễn Văn Xuân (Hà Tĩnh) vừa dắt con vừa nức nở gọi chồng: “Anh…anh ơi! Con ơi, bố đây!”. Đứa con gái 10 tuổi ngơ ngác dường như vẫn chưa nhận ra người cha với cái đầu trọc lóc. Đáp lại, anh Xuân cũng chỉ biết dang tay ôm vợ con, lắp bắp nghẹn ngào không nên lời…

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, đôi mắt đỏ hoe, giọng nói còn run, anh Xuân chậm rãi kể lại: “Đêm tháng 3/2012, khi chúng tôi đang ngủ say, bất chợt hai ca nô cướp biển áp sát. Chúng xông lên tàu, tên nào cũng khư khư cầm súng bắn loạn xạ. Khi chúng tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì lũ cướp xả súng bắn chết thuyền trưởng để thị uy. Sau đó chúng trói tất cả thuyền viên đưa về nơi đóng quân”.

Kể từ đêm kinh hoàng đó, 28 thuyền viên bị quản thúc, di chuyển qua không biết bao nhiêu địa điểm, lúc dưới biển, khi ở sa mạc. “Cướp biển không đánh đập, cũng không bắt làm khổ nhọc, chúng chỉ cần tiền thôi. Ngày ngày chúng đều đe dọa, ép chúng tôi gọi điện về nhà thúc giục người thân đưa tiền chuộc. Chỉ khi những ai không làm theo mệnh lệnh mới bị chúng đánh”, anh Xuân kể.

Ngồi ngay bên cạnh, anh Phan Xuân Phương (Nghệ An), người trẻ nhất trong nhóm còn như quên cả tiếng mẹ đẻ, lắp bắp mãi mới thành lời: “Thời tiết bên đó khô nóng, mỗi ngày cướp biển phát cho một chút nước ngọt, cho ăn một bữa cơm, còn lại là ăn bánh sắn nên chẳng mấy khi được no”. Cũng theo anh Phương, trong quá trình bị bắt giữ, nhiều lần lực lượng cứu hộ cũng đã tìm cách tiếp cận giải cứu con tin song đều không thành. “Chúng canh giữ ngày đêm. Lúc ăn cũng như khi ngủ đều bị bọn cướp dí súng vào mặt. Di chuyển tới nơi nào chúng cũng cắt cử người canh gác có khi lên tới hàng trăm tên. Mỗi khi có động chúng đều được báo trước và nhanh chóng di chuyển sang chỗ mới”, anh Phương kể.

Còn sống là may mắn lắm rồi!

IMG_8402
Anh Xuân vỡ òa trong giây phút trở về

Quay sang nhìn con trai, ông Linh, bố anh Phương xót xa: “Khi đi nó to khỏe hơn 60kg mà bây giờ chỉ còn như thế đấy! Những tưởng nó đi chuyến này sẽ tích được tiền lấy vợ, ai ngờ…”. Quả thật, hơn bốn năm sống dưới họng súng cướp biển, ba thuyền viên trở về với thân hình gầy gò, nước da xám xịt. “Lần lâu nhất cướp biển giam chúng tôi ở một thung lũng nhỏ trên một sa mạc lớn. Chỗ nghỉ chỉ là một tấm bạt căng lên che mưa nắng, phía dưới cũng lại là lớp bạt mỏng trải chèn lên cả phân dê. Khí hậu quá khắc nghiệt, nhiều người chúng tôi bị ốm nặng, cứ thế sống phập phồng qua ngày, không rõ khi nào chết. Tới bây giờ chúng tôi vẫn chưa hết hoảng loạn…”, anh Nguyễn Văn Hạ (Hà Tĩnh) thất thần nói. Thậm chí khi PV hỏi được về nhà cảm giác như thế nào, có hạnh phúc không, anh Xuân ngẩn ngơ đáp: “Tới giờ vẫn không dám tin trở về là sự thật”.

Nói về sự trở về của mình, anh Xuân giơ chiếc vòng đang đeo trên cổ, được kết bởi sợi dây gai, khoe: “Trước khi đi xuất khẩu lao động, tôi tự tay làm chiếc vòng này, coi nó là bùa hộ mệnh, bao nhiêu lần bọn cướp bắt tháo bỏ, giựt đi nhưng tôi đều chống lại bởi nó là sinh mệnh của tôi, nó còn thì tôi cũng sống…”. Khi được hỏi về dự định sắp tới, anh Xuân lắc đầu: “Sống trở về là may mắn rồi, chưa biết làm gì cả.”

Trao đổi với PV, ông Đoàn Mạnh Cường, Giám đốc Chi nhánh xuất khẩu lao động Vinamotor, đơn vị đưa ba lao động trên đi xuất khẩu cho biết, ngay sau khi các thuyền viên trở về, công ty sẽ đưa đi kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe để có biện pháp hỗ trợ về tâm lý.  Nói về việc trả lương, hỗ trợ cho các thuyền viên này, ông Cường cho rằng: “Hiện tại chúng tôi chưa xác định được số ngày làm việc cuối cùng của các lao động với phía đối tác Đài Loan. Phần lương hay hỗ trợ sẽ được xem xét, tính toán sau khi lao động về nước”.

Ngay khi xuống sân bay, 3 thuyền viên đã được đưa thẳng tới Bệnh viện Tràng An (Hà Nội) để khám sức khỏe tổng quát. Theo BS. Trần Thị Minh (Bệnh viện Tràng An), kết quả ban đầu cho thấy, sức khỏe của 3 thuyền viên bình thường. Tuy nhiên, các anh đều bị sang chấn tâm lý, cần có thời gian để bình tĩnh trở lại. Được biết, sau khi hoàn tất các thủ tục, ngay trong đêm 25/10, đoàn thuyền viên cùng người nhà đã trở về quê hương.

Như Báo Giao thông đưa tin, trong số 26 thuỷ thủ châu Á được cướp biển Somalia trả tự do hôm 22/10 có 3 người Việt Nam là Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi, quê xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Nguyễn Văn Xuân (35 tuổi, trú tại phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Phan Xuân Phương (27 tuổi, quê ở Nghĩa Đàn, Nghệ An). Tàu đánh cá FV Naham 3 do Đài Loan sở hữu bị bắt giữ hồi tháng 3/2012 và con tàu bị chìm sau đó.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.