Thế giới

Cướp biển Đông Nam Á biến tàu bị cướp thành "tàu ma"

10/10/2014, 08:20

Khác với cướp biển vùng Somalia khống chế đòi tiền chuộc, cướp biển ở khu vực Đông Nam Á thường khống chế để cướp hàng hóa hoặc biến các tàu bị cướp thành "tàu ma".

Do bần cùng hóa, nhiều ngư dân bị đẩy vào con đường cướp biển
Do bần cùng hóa, nhiều ngư dân bị đẩy vào con đường cướp biển

Số vụ tăng đột biến

Ngày 2/10 vừa qua, tàu Sunrise 689 của Việt Nam đã bị cướp biển tấn công sau khi rời cảng Singapore khoảng 40 phút, gần eo biển Malacca, trên hải trình về tỉnh Quảng Trị. Khi bị cướp, trên tàu có 18 thuyền viên và chở hơn 5 nghìn tấn dầu. Trước đó, ngày 15/6, Hải quân ba nước Malaysia, Indonesia, Singapore phối hợp chặn được một vụ tấn công của cướp biển nhằm vào một tàu chở dầu của Singapore trên biển Đông. Tuy nhiên, băng cướp biển đã bỏ trốn trước khi các tàu tuần tra của hải quân tới. Toàn bộ thủy thủ đoàn và hàng hóa đều an toàn, song không cho biết thông tin chi tiết về chiếc tàu hay những tên cướp biển.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố mới đây, Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng của các vụ cướp biển. Năm 2013, có 264 vụ cướp biển trên thế giới, giảm 11% so với năm 2012 và 41% so với năm 2011; Hơn 300 người bị cướp biển bắt làm con tin; Các nhóm cướp biển chiếm đoạt 12 tàu, tấn công 202 tàu và đốt cháy 22 tàu, 28 tàu khác bị hải tặc tấn công.

Nạn cướp biển ở Đông Nam Á, đặc biệt là eo biển Malacca, giữa Malaysia và Indonesia đang gia tăng, lên tới 150 vụ trong năm ngoái. Thống kê mới nhất, từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, ít nhất 9 tàu chở dầu bị cướp trên biển Đông và eo biển Malacca. Báo cáo của Viện Nghiên cứu và Đào tạo thuộc Liên hợp quốc (UNITAR) cho thấy, các vụ tấn công diễn ra gần bờ hơn, thường ở khoảng cách dưới 50 km từ bờ biển trong năm 2013. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) hàng năm, khoảng 60 nghìn tàu qua lại eo biển Malacca, 15 triệu thùng dầu được vận chuyển mỗi ngày; Trở thành một thách thức an ninh khi cướp biển điều chỉnh phương thức hoạt động và chiến thuật tấn công.

Cướp biển Đông Nam Á thường được chia thành hai loại, một là các nhóm có tổ chức, quy mô lớn, còn một loại là các nhóm có quy mô nhỏ hơn. Các nhóm nhỏ thường tấn công nhanh chóng, mang tính cơ hội. Các nhóm này thường chỉ bắt giữ tàu và người trong một thời gian ngắn để cướp hàng, hoặc biến tàu bị cướp thành “tàu ma”, chứ không bắt giữ dài ngày để đòi tiền chuộc như cướp biển Somalia.

Ngư dân thành hải tặc

Thực tế, phần đông cướp biển Đông Nam Á thường là các thủy thủ, ngư dân, lái tàu thất nghiệp. Những tên cướp biển này thường là các nhóm nhỏ, tổ chức lỏng lẻo, thường tấn công các tàu hàng ở eo biển Malacca, các đảo ở Riau Archipelago. Điển hình có nhóm cướp biển Belakang Padang và nhóm Jemaja. Một trong số các cướp biển khi bị bắt nói: “Năm 1987, tôi rời Timor để tới Jakatar. Nhưng tôi không thể tìm kiếm được gì và tôi đã thử vận may của mình ở Batam - nơi tôi trở thành cướp biển để kiếm sống. Cũng như tôi, nhiều người bị rơi vào hoàn cảnh bần cùng, vì thế chúng tôi cướp bóc các tàu hàng”.

Một nghiên cứu của trường Đại học Murdoch (Australia) cho biết, các yếu tố như nghèo đói, hệ sinh thái suy thoái, đánh bắt quá mức, tội phạm có tổ chức cùng các nhóm cực đoan có động cơ chính trị dẫn đến gia tăng tình trạng cướp biển. Đáng chú ý, đói nghèo và đánh bắt quá mức đã đẩy những ngư dân nghèo khổ trong khu vực trở thành cướp biển. Theo nhà nghiên cứu người Pháp Eric Frecon thì tình trạng đói nghèo và không việc làm khiến các ngư dân làng chài trở thành cướp biển. Hơn nữa, các nhóm tội phạm có tổ chức thường lợi dụng sự nghèo khó để thuê họ làm việc và trong khi không còn lựa chọn nào khác, họ buộc phải đồng ý. Ngoài ra, vốn là ngư dân, nên các tàu cá cũng trở thành mục tiêu đánh cướp. Tuy nhiên, các vụ cướp tàu cá ít khi được báo cáo hơn.

Đối phó với tình trạng cướp biển có nguồn gốc ngư dân là bài toán nan giải đối với các nước trong khu vực và các chuyên gia cũng khuyên rằng các nước cần có chính sách phù hợp dành cho các ngư dân của mình. Bên cạnh đó, sự tranh chấp lãnh hải trong khu vực cũng có thể tạo điều kiện cho cướp biển hoạt động mạnh hơn.

Thùy Linh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.