Xã hội

Cướp lộc ở hội Gióng là ..."cướp có văn hóa”!

03/03/2015, 17:15

Chiều 3/3, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nói: Cướp lộc trong hội Gióng là “cướp có văn hóa”.

IMG_0057
Ông Phan Đăng Long - Phó trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Chiều 3/3, trong cuộc họp giao ban báo chí thành ủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long đã bày tỏ nhiều ý kiến xung quanh việc tổ chức các lễ hội ở Việt Nam vào những ngày đầu năm.

Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đa phần Lễ hội của chúng ta là lễ hội nông nghiệp, mang dấu ấn của nền nông nghiệp lạc hậu, trong khi đó, đất nước ta lại đang trong giai đoạn phát triển nên phải nhìn nhận, đánh giá hoạt động của các lễ hội sao cho phù hợp, đúng mức.

 Ông Long cho rằng, trong khi bàn về các lễ hội, chưa nói đến việc phản ánh đúng hay không, thì nhiều khi báo chí lên tiếng phê phán lễ hội nhưng chưa có cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn.

Điển hình, gần đây nhất báo chí có phản ánh đến việc xảy ra tình trạng ẩu đả, đánh nhau trong lễ hội Đền Gióng, tuy nhiên, ông Phan Đăng Long một lần nữa khẳng định, các cơ quan chức năng cũng như Ban tổ chức đã vào cuộc kiểm tra và nhận thấy không hề có tình trạng đánh nhau.

t
Một cảnh được cho là đã để xảy ra xô xát, đánh nhau ở hội Gióng. Ảnh: Zing

“Trong lễ hội Gióng, có một tục gọi là tục cướp lộc thánh, cướp giò hoa tre, cướp trầu cau. Đúng là nhiều khi cũng xảy ra xô xát. Nhưng phải nói rõ hơn về việc “cướp” ở đây. Theo quan niệm của người xưa, họ coi đây là một tục có từ lâu đời, quan niệm đây là sự may mắn. Nhiều người không hiểu, nghĩ là cướp giật, nhưng không phải như vậy, “cướp” ở đây là cướp trong bối cảnh lễ hội ngày xưa của người dân địa phương, có dân cư đông đúc, nó cũng giống như tục cướp vợ của  người Mông” – ông Long phân tích và nhấn mạnh thêm rằng: “Đây là cướp có văn hóa, cướp trong tục lệ. Vấn đề ở đây là cướp có có sự nỗ lực của cá nhân mới có được chứ không phải tự nhiên mà có”.

Liên quan đến một số lễ hội khác được cho là dã man, mang tính chất man rợ như lễ chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) hay tục đập trâu đến chết ở Phú Thọ, trong khi nhiều ý kiến cho rằng nó mang tính chất dã man thì nhiều người lại bảo vệ và cho rằng, đó là tập quán của họ.

“Đúng là những lễ hội trên mang tính chất dã man, với những gì còn cổ hủ, lạc hậu, không phù hợp thì chúng ta nên loại bỏ” – ông Long nêu quan điểm.

Theo ông Long, riêng về văn hóa, chúng ta phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi cho ý kiến.

“Nếu những lễ hội trên mang tính dã man, chúng ta nên góp ý theo cách tìm ra giải pháp phù hợp, nên tìm ra cách cải tiến, có sự “di phong dịch tục” cho hợp lý, đừng phê phán theo kiểu nhổ bỏ tất cả sẽ động chạm đến tâm linh tín ngưỡng của người dân. Ví dụ như thay vì chém lợn hay đập chết trâu, chúng ta có thể tiến hành với một vật thay thế khác phù hợp hơn” – ông Long đề xuất.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, để các lễ hội văn minh và tốt đẹp hơn, chúng ta cũng cần phải quan tâm và nhắc nhiều đến ý thức của người dân để họ tự nâng cao ý thức khi tham gia lễ hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.