Xã hội

Cựu binh Mỹ xin khắc lên bia mộ hai chữ “Việt Nam”

30/04/2019, 13:52

Mỗi lần quay trở lại Việt Nam là một lần người cựu binh Mỹ Ted Engelmann lại thấy thanh thản trong tâm hồn. Bởi, ông yêu Việt Nam...

img
Ông Ted Engelmann trò chuyện cùng PV Báo Giao thông


Việt Nam chữa lành cho tôi

Chiến tranh đã kết thúc, nhưng đối với tôi, những ký ức vẫn hằn sâu trong tâm trí. Những vết thương chỉ được chữa lành khi tôi quay trở lại Việt Nam.
Ông Ted Engelmann


Ted Engelmann lặng lẽ chuẩn bị hành lý lên máy bay từ Mỹ về Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 2/1989. Thời điểm này, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chưa được bình thường hóa, rất ít cựu binh Mỹ dám dũng cảm làm điều này.

“Tôi đã gặp những cựu chiến binh Việt Nam từng ở bên kia chiến tuyến, rồi sinh viên, người dân, trẻ em... Họ biết tôi đã từng tham chiến ở Việt Nam nhưng không ai tỏ thái độ căm thù, mà rất thân thiện, nhân ái như một người bạn. Đó cũng chính là một phép màu để xoa dịu chấn thương tâm lý cho tôi”, ông Ted bộc bạch.

Trong lần tới thăm Việt Nam năm nay, thông qua kết nối với một người bạn Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng bộ môn PR - Quảng cáo, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), ông Ted đã có nhiều cuộc giao lưu với giảng viên và sinh viên ở Hà Nội.

“Tôi gặp và nói với các sinh viên rằng, khi tôi ở tuổi 21, tôi đã phải đối mặt với sự tàn khốc của chiến tranh. Nhưng các bạn còn rất trẻ, có nhiều hoài bão, được học hành và có nhiều lựa chọn tương lai. Hãy theo đuổi đam mê, cố gắng vì tương lai của chính mình và đất nước. Khi có đam mê và nhiệt huyết, chắc chắn các bạn sẽ gặt hái được thành công”, cựu binh Ted Engelmann nói.

Đầu những năm 1968, như Ted Engelmann chia sẻ, ông là một trong số những thanh niên của “thế hệ bị chết chìm” trong ý thức về hành động phản chiến sau khi được xem các hình ảnh bom đạn và những người lính Mỹ đang phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.

Cha của Ted Engelmann là “thế hệ người thắng trận” trong Thế chiến 2 và chính điều này, bằng một cách nào đó đã “không cho phép” Ted là “kẻ thất bại” trong bất cứ cuộc chiến nào mà nước Mỹ tham gia.

Khi buộc phải tới Việt Nam tham chiến, Ted Engelmann được phân công dưới vai trò của một nhân viên quốc phòng, có nhiệm vụ đánh dấu tọa độ cho các máy bay khác rải bom chống lại các lực lượng của Quân đội Việt Nam.

Hồi nhớ lại quá khứ, Ted Engelmann kể với sinh viên: “Phi công lái máy bay là một người chỉ huy kỳ cựu, ông ấy luôn căn dặn tôi nhiều lần rằng: Trong trường hợp máy bay bị bắn trúng, phải bắn chết người còn lại và sau đó tự tử, để không bị rơi vào tay Việt Cộng (Bộ đội Việt Nam). Điều này luôn ám ảnh tôi đến tận bây giờ”.

Bởi vậy, sự sống và cái chết, giết người, bị giết và tự sát... là những hình ảnh và suy nghĩ luôn thường trực trong đầu người trung sĩ trẻ tuổi. Đến khi trở về Mỹ, Ted đã bị chấn thương tâm lý mà giới y khoa của nước này gọi là “hội chứng Chiến tranh Việt Nam”.

Dự án của một trái tim hướng về nước Việt

img
Bức ảnh “Bình minh” ông Ted Engelmann chụp tại Đà Nẵng tháng 3/2019

Thuở còn là học sinh, Ted Engelmann đã đam mê với nhiếp ảnh. Vì lý do đó, khi phải tham chiến ở Việt Nam, ông mang theo một chiếc máy ảnh làm bạn đồng hành. Ted Engelman có gần 400 bức ảnh về Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh. Cũng từ những bức hình tư liệu quý này, Ted Engelmann xây dựng một dự án đã theo đuổi suốt cả cuộc đời: Cuốn hồi ký ảnh “Trái tim một người lính: Những tổn thương tâm lý trong chiến tranh”.

Tháng 3/1968, Ted Engelmann bị điều động tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam khi mới 21 tuổi trong vai trò thành viên Đội Kiểm soát không quân chuyển tiếp, chỉ đạo các cuộc không kích ở phía Bắc Sài Gòn. Sau đó được điều vào Đội Cố vấn số 55, hỗ trợ các binh lính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đến tháng 3/1969, ông may mắn được trở về quê hương. Tuy mọi việc chỉ diễn ra trong 1 năm, nhưng đối với người cựu binh Mỹ này: “Chiến tranh Việt Nam đã trở thành vết sẹo tâm hồn, sự đau đớn, ân hận và day dứt khôn nguôi”.


Tháng 3 là một tháng đặc biệt đối với Ted Engelmann. Đó là tháng ông tới nhận nhiệm vụ tại Việt Nam và cũng là tháng kết thúc nghĩa vụ quân sự. Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2019, ở tuổi 72, Ted Engelmann trở lại Việt Nam đánh dấu tròn 50 năm kể từ khi ông rời chiến trường Việt Nam và tròn 30 năm kể từ khi ông lần đầu tiên đặt chân trở lại đất nước hình chữ S sau những năm tháng khói lửa.

Ted Engelmann đã dành cả 4 tuần, đi thăm lại nhiều vùng quê Việt Nam. Buổi gặp gỡ tình cờ giữa PV Báo Giao thông và cựu binh Ted Engelmann diễn ra vào ngày cuối cùng trong hành trình ấy.

Người cựu binh Mỹ kể: “Tôi đã di chuyển khá nhiều trong thời tiết giao mùa ở miền Bắc, rồi vào Đà Nẵng, TP HCM, nhiều lúc cũng cảm thấy rất mệt mỏi do tuổi đã cao.

Nhưng không hiểu sao? Cảnh vật và những tình cảm của những người Việt Nam tôi gặp đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để tiếp tục đi và hoàn thành dự án tâm huyết của mình. Đây là một đất nước năng động, duyên dáng và rất vị tha”.

“Đó là Trí và Trang, những người bạn tôi gặp cách đây đúng 30 năm. Tôi vừa gặp lại họ sáng nay”, cựu binh Ted say sưa kể lại câu chuyện về lần đầu gặp hai người bạn bên bờ hồ Ngọc Hà năm 1989.

Cựu binh Mỹ nói rằng, 30 năm trôi qua, Việt Nam đã thay da đổi thịt, nhưng có một điều ở Việt Nam không bao giờ thay đổi đó là trái tim người dân Việt luôn nhân hậu, ấm áp, gần gũi và luôn tôn trọng bạn bè quốc tế.

Hiện là nhiếp ảnh gia và cũng là cây bút tự do, Ted Engelmann đã chụp hàng ngàn bức ảnh về Việt Nam suốt gần 30 năm qua. Đó là những hình ảnh Việt Nam thời bình, khác hẳn những bức ảnh ghi cảnh binh lính Mỹ mà ông chụp trong chiến tranh.

Ted Engelmann đã đem những bức ảnh mới chụp đến nhiều nơi ở Mỹ để triển lãm, ông muốn “kể cho những người Mỹ nghe bằng mắt” câu chuyện mới về tình yêu Việt Nam trong trái tim người cựu binh Mỹ để giúp rất nhiều cựu binh khác vượt qua ám ảnh quá khứ chiến tranh và thay đổi tư duy của họ về Việt Nam.

Khi PV đặt hỏi về dòng chữ “Viet Nam - A Country, Not A War” trên tấm danh thiếp của người cựu binh Mỹ, Ted giải thích đó là chủ đề về Việt Nam, nhưng theo một cách viết khác mà ông đang cố gắng với mong muốn để thay đổi tư duy của những người bạn Mỹ.

Ted Engelmann lý giải rằng, Việt Nam gồm 2 từ chứ không phải Vietnam (một từ) như trong các văn bản dịch sang tiếng Anh được sử dụng trong nhiều thập kỷ.

Việt là nói đến dân tộc người Việt và Nam là nói đến phương Nam. Do vậy, “Việt Nam” để phân biệt với người ở phương Bắc, Trung Quốc.

Ted chia sẻ thêm: “Từ sâu thẳm trái tim, tôi đã là người Việt Nam. Tôi không cần một danh hiệu nào cả, bởi đất nước này đã là quê hương thứ 2 của tôi. Nếu một ngày phải từ giã cuộc đời, ước nguyện lớn nhất của tôi là khắc dòng chữ “Viet Nam - A Country, Not A War” lên bia mộ!”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.