Chất lượng sống

Cựu binh viết hơn 40.000 lá thư đưa liệt sĩ về nhà

27/07/2017, 11:15

Những lần ngược xuôi tìm mộ anh trai đã đẩy đưa ông Sính vào hành trình “cầu nối” cho các gia đình liệt sĩ.

12

Ông Sính biên thư kèm hình ảnh mộ liệt sĩ

Suốt hơn 35 năm qua, ông tự bỏ tiền túi, đi về hơn 200 nghĩa trang từ Quảng Trị vào Nam, viết hơn 40.000 bức thư giúp hàng vạn gia đình tìm thấy phần mộ người thân của mình.

“Phủ thư" đến từng xã

Về thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) hỏi cựu binh Đào Thiện Sính tìm mộ liệt sĩ thì ai cũng biết. Chị bán nước bên đường còn tận tình chỉ rõ từng con hẻm vào nhà ông. PV đến cũng là lúc ông Sính vừa trở về sau chuyến đi nửa tháng đến các nghĩa trang liệt sĩ thuộc các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long… Mái tóc bạc, người dỏng cao, bàn tay nhăn nheo những nếp hằn của thời gian, nhưng người cựu binh vẫn đầy mạch lạc trong nét thư nắn nót, với từng dòng tin rõ ràng.

Ông Sính sống trong căn phòng chỉ khoảng 10m2. Một góc trang trọng đặt bàn thờ người anh ruột của mình - liệt sĩ Đào Chí Nguyên; còn lại tất cả là đống giấy tờ, thư từ cho công việc tìm người thân. “Vừa rồi, tôi tìm được danh sách hơn 100 liệt sĩ có tên nhưng vẫn chưa tìm được người thân. Tất cả được ghi chép cẩn thận, chụp hình bia mộ đầy đủ. Cứ thế, mình hệ thống lại địa phương, vùng miền, phân ra từng khu rồi… viết”, ông Sính nói.

Đến nay, ông Sính đã viết tổng cộng hơn 40.000 bức thư. Theo ông Sính, chính việc gửi đến từng xã như vậy đã mang lại hiệu quả tích cực. Gần như tất cả các bức thư đều được phản hồi. Đặc biệt, đến nay, gần 4.000 phần mộ liệt sĩ đã có thân nhân đến nhận, sau khi xác minh các thông tin và giám định ADN. Với những đóng góp của mình, ông Đào Thiện Sính vinh dự nhận nhiều Bằng khen của T.Ư Hội Cựu chiến binh Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa và hàng nghìn bức thư, lời cảm ơn từ thân nhân gia đình liệt sĩ. Ngành Bưu điện cũng hỗ trợ chuyển thư miễn phí cho ông với bì thư được thiết kế riêng.

Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng không hề dễ dàng trước một núi việc phải làm, danh sách liệt sĩ mỗi ngày dài thêm, chất đầy thêm những tệp tài liệu. Ông Sính bảo, mình hệ thống theo cách riêng, từng nhóm danh sách liệt sĩ, như quê Thanh Hóa thì sẽ gửi những tên đó đến tất cả 635 xã, phường của tỉnh này; Nếu ghi là Hải Hưng gửi đến 265 xã ở tỉnh Hải Dương, 161 xã ở tỉnh Hưng Yên; Còn nếu ghi Hà Nam Ninh, tổng cộng phải gửi 480 xã, phường của 3 tỉnh hiện nay (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). Nhiều liệt sĩ chỉ ghi nơi sinh là miền Bắc, mình phải gửi đến tất cả 7.000 xã, phường. Ngược lại, nếu quê quán rõ ràng, mình gửi trực tiếp nhờ xác minh.

Chẳng thể kể hết những cảm xúc khi tận tay viết thông tin về các liệt sĩ, nhưng điều nhớ nhất với ông Sính có lẽ là lần viết 1.000 bức thư về liệt sĩ Bùi Văn Tế. Ông Sính thuật lại: “Khi đó, trong bia mộ ghi nguyên quán của anh là Hà Nam Ninh, tôi phải gửi tới 480 xã. Thấy không hồi âm, tôi tiếp tục gửi lại lần nữa, nhưng cũng không có hồi âm. Sau đó, linh tính mách bảo, tôi gửi trường hợp này đến các xã của tỉnh Hòa Bình. Nào ngờ anh ấy quê ở đó thật”.

Ngày nhận lá thư phản hồi của người thân liệt sĩ Tế, ông Sính vừa đọc, vừa bật khóc vì xúc động. Theo ông, có những thư sớm được phản hồi nhưng có những lá thư tưởng chừng “chìm vào quên lãng”, lại bất ngờ nhận được tin gia đình đã đến xác nhận đúng người thân của họ sau 2-3 năm ròng.

Cứ thế, dấu chân ông Sính âm thầm, lặng lẽ kết nối liệt sĩ về nhà…

Hành trình trái tim đồng đội

Ông Sính quê ở huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương). Năm 20 tuổi, ông nhập ngũ làm điện báo viên (Đội D2, Bộ Tư lệnh thông tin) tham gia chiến đấu ở khắp chiến trường miền Nam. Được hơn 1 năm, ông nhận tin anh trai mình là Đào Chí Nguyên hi sinh. Ông Sính tiếp tục ở lại quân ngũ, rồi tham gia quân tình nguyện sang Campuchia.

Sau giải phóng, ông Sính cùng gia đình về huyện Khánh Vĩnh công tác trong ngành Bưu điện và bắt đầu hành trình tìm mộ anh trai. “Giấy báo tử ngày đó chỉ ghi hi sinh tại chiến trường miền Nam nên việc tìm kiếm hết sức khó khăn, đến giờ vẫn chưa có kết quả”, giọng ông Sính trầm lắng.

Những lần ngược xuôi tìm mộ anh, ông Sính nhận thấy còn hàng nghìn mộ liệt sĩ có thông tin nhưng không có người thân đến nhận. “Tại sao mình không làm việc kết nối thông tin để mọi người dễ dàng nhận ra mộ liệt sĩ người thân của mình?”, ông tự hỏi. Nghĩ là làm, tranh thủ ngày nghỉ, ông lại đón xe ngược xuôi ra Quảng Trị, rồi vào Nam lấy từng thông tin mộ liệt sĩ.

Đến năm 2007, khi nghỉ hưu, ông Sính dành toàn bộ thời gian cho công việc này. Gần thì đi dăm ba ngày, xa có khi mất cả tháng, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng rất công phu. “Không phải thông tin liệt sĩ nào cũng đúng, có chỗ địa phương ghi sai nên tìm không có kết quả”, ông Sính kể. Chuyện ăn bờ, ngủ bụi, thậm chí ngủ tại nghĩa trang cùng đồng đội với ông Sính không hiếm.

Giờ các con cái đều vào Nam lập nghiệp, ông Sính càng thêm yên tâm với duyên nghiệp tìm thông tin liệt sĩ. Hơn 200 nghĩa trang từ Quảng Trị trở vào in dấu chân người cựu binh nhiệt tâm. Ban đầu, ông chắt bóp từng đồng lương làm lộ phí, về sau ngoài lương hưu, con cái phụ giúp một phần cho những hành trình của ông. “Chủ yếu tốn tiền xe, ăn uống, nhưng mình tiết kiệm tối đa. Lúc đầu, gia đình cũng có ý ngăn cản, nhưng về sau mọi người đều chia sẻ”, ông Sính tâm sự.

Vất vả nhưng bù lại là niềm vui, hạnh phúc của ông Sính chính là những lần nhận thư hồi âm của thân nhân liệt sĩ. Chị Trần Thị Huyền Trân (37 tuổi), con dâu của liệt sĩ Lương Khanh (SN 1955, ở phường Vĩnh Trường, Nha Trang) cho biết, liệt sĩ Khanh hi sinh năm 1978 trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Gia đình vào Nam tìm kiếm nhiều lần nhưng không được. “Năm 2015, bất ngờ gia đình tôi nhận thư báo của bác Sính, khi đó cả nhà mới biết tin mộ của cha tôi được chôn cất chu đáo tại nghĩa trang ở tỉnh Tây Ninh. Cả gia đình mừng khôn xiết. Giờ chúng tôi xem bác Sính như người cha thứ hai của mình”, chị Trân thổ lộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.