An ninh hình sự

Cựu Chủ tịch VEAM bị phạt 11 năm tù, bồi thường trên 50 tỷ đồng

24/05/2022, 18:05

Cựu Chủ tịch Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam bị kết tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước".

Chiều 24/5, TAND Hà Nội tuyên án phạt 11 năm tù đối với cựu Chủ tịch Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), thấp hơn 4 năm so với mức đề nghị của VKS (15-16 năm).

img

Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa nghe tuyên án

Ông Hà bị cáo buộc với tư cách là Chủ tịch HĐTV (năm 2011-2014), Tổng giám đốc (năm 2015-2018) đã để cho cấp dưới tại VEAM tham mưu, trình và ký các chứng thư bảo lãnh vay cho Vetranco. Ông cũng là người quyết định chi tiền cho hai dự án bị dừng giữa chừng.

Ba hành vi trên của ông Hà gây thiệt hại cho VEAM hơn 127 tỷ đồng. HĐXX ghi nhận, trong giai đoạn xét xử, gia đình ông đã nộp khắc phục hậu quả một tỷ đồng.

Cùng tội danh, cựu Tổng giám đốc VEAM Lâm Chí Quang bị phạt 8 năm tù, do là người chịu trách nhiệm chính trong việc thiệt hại do ký chứng thư bảo lãnh cho Vetranco.

HĐXX đánh giá các bị cáo Hà, Quang cùng các cựu cán bộ tại VEAM đã có sai phạm "rất nghiêm trọng", xâm phạm đến trật tự trị an, quản lý kinh tế các doanh nghiệp có vốn nhà nước, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, gây rối loạn thị trường.

"Mức án nghiêm khắc là cần thiết, nhằm trừng trị những cá nhân đi ngược lợi ích của nhà nước, của nhân dân và xã hội", bản án nêu.

HĐXX cũng buộc bị cáo Trần Quang Tiến, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đại Nam, người bị tuyên mức án 16 năm tù, phải bồi thường cho Vetranco hơn 182 tỷ đồng. Vetranco có trách nhiệm hoàn trả VEAM hơn 137 tỷ đồng.

Ông Hà và một số bị cáo phải liên đới bồi thường cho VEAM thiệt hại trong hại dự án không thể thực hiện, tổng 66 tỷ đồng. Trong đó, phần trách nhiệm của ông Hà gần 52 tỷ đồng.

VKSND Tối cao xác định, trong năm 2011-2013, Kế toán trưởng VEAM Vũ Từ Công đã tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình Tổng giám đốc Lâm Chí Quang ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỷ đồng.

Từ việc bảo lãnh của VEAM, Vetranco vay tiền tại các ngân hàng để kinh doanh với các Công ty CP Đầu tư Minh Quang, Công ty CP Thép Minh Quang, Công ty CP đầu tư Tương Lai và Công ty TNHH đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Đăng. Hiện các công ty này đã dừng hoạt động không còn tài sản gì, không có khả năng trả nợ cho Vetranco.

Do Vetranco không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng, VEAM bị các ngân hàng cưỡng thu hoặc phải trả nợ thay Vetranco tổng số tiền gần 76 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi sử dụng nguồn tiền vay ngân hàng do VEAM bảo lãnh, Giám đốc Vetranco Đào Quốc Việt đã cho Trần Quang Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Đại Nam, vay lại để hưởng lãi.

Theo cáo buộc, để che giấu việc cho vay tiền trái quy định, Việt và Tiến thỏa thuận hợp thức bằng cách lập các hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Trần Quang Tiến không hoàn trả được 15 khoản vay phát sinh từ tháng 5/2013-8/2013, gây thiệt hại cho Vetranco số tiền gần 183 tỷ đồng.

Các cơ quan tố tụng xác định khi thực hiện Dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung và ký kết và thực hiện 2 thỏa thuận VEAM-ZIBO đầu tư phát triển xe ô tô tay lái bên phải, nhóm cán bộ VEAM đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 66 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.