Thời sự Quốc tế

Cựu Đại sứ Lào: Không có biển, Lào trông cậy nhiều vào các quốc gia như VN

01/07/2022, 15:40

Theo ông Mai Sayavongs, biển và đại dương mang lại nhiều “đặc quyền” về kinh tế nhưng không phải quốc gia nào cũng được hưởng lợi.

Tận dụng tối đa Công ước về Luật biển (UNCLOS)

Chia sẻ tại sự kiện Đối thoại biển lần thứ 8 diễn ra tại Hà Nội, ông Mai Sayavongs - cựu Đại sứ Lào tại Mỹ, Viện trưởng Viện đối ngoại Bộ Ngoại giao Lào cho biết đó chính là một lý do khiến Lào tuy là một quốc gia nội lục, không có biển những vẫn phê chuẩn và tham gia vào Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS) từ năm 1998.

Do Lào không có điều kiện địa lý thuận lợi, không tiếp cận trực tiếp các cảng biển nên Lào muốn tham gia để tận dụng mục X của UNCLOS - trao quyền ra/vào biển và quyền tự do quá cảnh cho các quốc gia không có biển.

Trong mục này, UNCLOS không chỉ trao cho các quốc gia ven biển quyền tiếp cận các cơ hội kinh tế mà còn cho phép các nước không có biển tiếp cận biển và tự do đi lại trên biển.

img

Ông Mai Sayavongs được bổ nhiệm là Đại sứ Lào tại Mỹ từ năm 2015, nay là Viện trưởng Viện đối ngoại Bộ Ngoại giao Lào

UNCLOS ra đời sau khi kết thúc Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ ba với 11 phiên họp diễn ra từ năm 1973 đến năm 1982.

Vào ngày 10/12/1982, khi UNCLOS được đưa ra để ký kết, một điều chưa từng có là 119 quốc gia đã tham gia ký kết. UNCLOS có hiệu lực từ tháng 11/1994. Hiện 167 quốc gia đã tham gia công ước này, trong đó có 164 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc (LHQ). Ngoài ra, 14 thành viên khác của LHQ đã ký nhưng chưa phê chuẩn UNCLOS.

Tuy nhiên, ông đánh giá, từ khi Lào phê chuẩn UNCLOS năm 1998 đến nay Công ước UNCLOS còn một số hạn chế, trong đó chưa có nhiều tác động tới Lào.

Đa số các quốc gia không có biển vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và đi ra biển, đối mặt với nhiều thách thức, cản trở tiếp cận thị trường toàn cầu. Một trong số đó là chi phí vận chuyển cao do khoảng các giữa các quốc gia này với thị trường quốc tế.

Vì không tiếp cận trực tiếp được các cảng biển, các quốc gia không có biển phải dựa vào nước láng giềng để tiếp cận thị trường toàn cầu.

Ngoài vấn đề giấy tờ, thủ tục, chi phí vận chuyển, các nước không có biển có hạ tầng yếu kém nên chi phí thương mại vốn đã cao lại càng cao, lên gấp đôi so với các quốc gia có biển.

Về lâu dài, các quốc gia không có biển sẽ chịu chi phí thương mại tốn kém, giảm khả năng cạnh tranh.

Cựu Đại sứ Lào nhận định UNCLOS vẫn còn thiếu quyền hạn pháp lý để đảm bảo các quốc gia không có biển có thể hưởng lợi đầy đủ từ thương mại biển.

Đẩy mạnh cơ sở hạ tầng để trở thành quốc gia gắn kết với biển

Do đó, song song với tham gia UNCLOS, nước này đã đàm phán song phương với các quốc gia láng giềng về điều khoản và điều kiện quá cảnh. Ngoài ra, kể từ năm 1990, Lào đã ký nhiều hiệp định thương mại song phương với các nước gồm 9 quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Mỹ…

Bên cạnh đó Lào tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, khu vực và toàn cầu, áp dụng công nghệ, thiết lập Hệ thống tự động cho Dữ liệu Hải quan tại các cửa khẩu để giảm thời gian, chi phí thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Ông chỉ ra, Chính phủ Lào không ngừng nỗ lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng để kết nối, nhằm chuyển vị thế của một quốc gia không có biển thành quốc gia gắn kết với biển.

Viện trưởng Viện đối ngoại Bộ Ngoại giao Lào lấy ví dụ tuyến đường sắt Lào – Trung hiện đang triển khai là một trong các dự án cơ sở hạ tầng cho phép Lào kết nối tốt hơn với Trung Quốc – thị trường lớn nhất thế giới, ASEAN và phần còn lại của thế giới.

img

Tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc đi vào hoạt động từ tháng 12/2021

Tuy nhiên, ông đặc biệt nhấn mạnh đến sự hỗ trợ và giúp đỡ tận tình từ các quốc gia láng giềng gần gũi như Việt Nam. Trong đó, VN cho phép Lào sử dụng cảng biển số 1,2 và 3 tại Cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh – tỉnh có chung biên giới với các tỉnh Bolikhamxaivaf Khammouane của Lào.

Trước đó, Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa với Lào. Chính phủ Việt Nam dành cho Lào đặc quyền này là do hai nước có quan hệ đặc biệt lâu đời, phối hợp chính sách thường xuyên - ông Mai Sayavongs nói và nhấn mạnh: "Những hỗ trợ to lớn như vậy sẽ giúp Lào kết nối biển và hiện thực hóa tầm nhìn trở thành quốc gia được kết nối với biển, cho phép Lào hồi nhập hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.