Thời sự Quốc tế

Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nước nhỏ không phải chọn phe giữa Mỹ và TQ

11/09/2020, 11:20

Theo cựu Đại sứ, khi Mỹ - Trung cạnh tranh chiến lược, các nước cũng vẫn có lựa chọn không phải đứng về phe nào giữa hai phía.

img
Cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh - ảnh tư liệu báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Thời gian gần đây, quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc trên gần như tất cả các lĩnh vực đã bước vào giai đoạn căng thẳng, tồi tệ nhất trong vòng hơn 40 năm qua. Giới phân tích tình hình thời sự quốc tế cho rằng Washington và Bắc Kinh đang đứng trước cửa ngõ của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Nguồn gốc của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung

Trong bối cảnh đó, khi hai nước lớn cạnh tranh và đối đầu với nhau, có thể tạo ra nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với cả chính Mỹ - Trung Quốc nói riêng cũng như cho thế giới, các khu vực và các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam nói chung.

Khi nói về chủ đề cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Phạm Quang Vinh – cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam chia sẻ rằng không phải bây giờ Mỹ và Trung Quốc mới cạnh tranh nhau, đặc biệt là sau năm 1972.

Thực tế thì hai quốc gia này đã cạnh tranh với nhau ngay từ Hoa Kỳ chưa thừa nhận đất nước Trung Quốc mới cách đây. Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Chúng ta có thể tham khảo các dấu mốc lịch sử sau:

Giai đoạn 1 (từ năm 1949 - 1972) Mỹ thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Giữa hai nước không có giao lưu, trao đổi, không có quan hệ thương mại. Về chính trị, Mỹ không thừa nhận nước Trung Quốc mới.

Giai đoạn 2 (từ năm 1972 - 1979) Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon, xuất phát từ nhu cầu của Chiến tranh lạnh, Mỹ thực hiện chiến lược quân sự đối với Trung Quốc, hình thành tam giác Trung - Mỹ - Xô.

Giai đoạn 3 (từ năm 1979 - 2016) Mỹ thực hiện chiến lược “can dự là chính” đối với Trung Quốc. Kể từ sau năm 1978, giữa Trung Quốc và Mỹ hình thành thời cơ chiến lược “can dự - hội nhập”. Sau năm 1978, Mỹ hy vọng thông qua quan hệ với Trung Quốc để lôi kéo Trung Quốc vào hệ thống quốc tế do Mỹ dẫn dắt.

img
Ông Phạm Quang Vinh - ảnh Twitter.

Mỹ cho rằng, thông qua chiến lược này có thể đạt được lợi ích kinh tế và chiến lược, đồng thời, tác động tới phương hướng phát triển chính trị của Trung Quốc trong tương lai, đây là mục đích chính của Mỹ - PV.

Theo cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, chính quyền Hoa Kỳ đã bắt đầu nhìn nhận lại mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh trong gian đoạn cách đây hơn 40 năm.

Chính quyền của ông Trump nhận thấy rằng đã đến lúc phải thay đổi mối quan hệ của mình với chính quyền Trung Quốc theo hướng mới, công bằng và có đi có lại. Để từ đó, Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị thế số một của mình.

Hoa Kỳ có vẻ như cũng nhận ra rằng Trung Quốc đã không còn thực hiện các cam kết của mình với Mỹ và trật tự thế giới dưới sự ảnh hưởng của Washington như trước đây.

Bản thân Trung Quốc cũng bộc lộ rằng họ không cần phải “giấu mình chờ thời” nữa mà cần phải phô trương nhiều hơn, tạo ảnh hưởng nhiều hơn và xác lập vị trí của mình cao hơn trên các đấu trường khu vực và quốc tế khi sức mạnh kinh tế đang trỗi dậy, đặc biệt là các tham vọng về lãnh thổ và tiếng nói của Bắc Kinh ở các diễn đàn toàn cầu.

Sự lớn mạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng chính trị, tham vọng của Trung Quốc cũng đã hình thành nên những cọ sát không thuần túy với các giá trị tương ứng của Mỹ ở nhiều khu vực, tổ chức trên thế giới.

Đặc điểm “Chiến tranh Lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc

img
Biếm họa mô tả cạnh tranh Mỹ trong Chiến tranh Lạnh mới.

Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ đã chứng kiến sự chuyển biến rất rõ nét về đường hướng mới của Hoa Kỳ trong quan hệ với Trung Quốc.

Một năm sau ngày nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu hiện thực hóa các khẩu hiệu (khi tranh cử: Nước Mỹ vỹ đại trở lại, Nước Mỹ trước tiên..) sang thành các chính sách thực sự (chiến lược Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, đàm phán lại các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc...).

Mỹ bắt đầu xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, lấy thương mại là lĩnh vực tiên phong, chủ chốt bên cạnh nhiều lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, ngoại giao, quân sự... Chính sách này của chính quyền Trump được thể hiện rõ nét nhất trong năm 2018.

Trước tháng 5/2020, chỉ có Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là người có những phát ngôn đả động nhiều đến Trung Quốc nhất trong các nhân vật cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2020 đến nay, hàng loạt các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng, kể cả người đứng đầu là ông Donald Trump cũng đã bắt đầu có những bài phát biểu nhằm trực diện vào Trung Quốc. Trong số đó có 4 bài phát biểu của các quan chức cấp cao ở các lĩnh vực như ngoại giao, quân sự, tư pháp và tình báo gián điệp.

Theo đánh giá của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Quang Vinh, Mỹ và Trung Quốc đã bước sang thời kỳ cạnh tranh chiến lược một cách rõ ràng, đặc biệt ở đây cũng đã xuất hiện yếu tố Mỹ sợ rằng một lúc nào đó Trung Quốc sẽ soán ngôi siêu cường hàng đầu bấy lâu nay Hoa Kỳ vẫn đang nắm giữ.

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh sẽ không thể được giải quyết sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ vào tháng ngày 3/11 tới mà nó là một cuộc cạnh tranh lâu dài.

Theo ông Phạm Quang Vinh, trong cuộc cạnh tranh này, Mỹ và Trung Quốc có thể có lúc nào đó sẽ thỏa hiệp nhưng sau đó sẽ vẫn ở tình thế cạnh tranh.

Về nhận xét liệu Mỹ và Trung Quốc có bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay không, cựu Đại sứ cho rằng: “Điều này là có cơ sở và sẽ là như vậy”.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông, Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không giống như Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trong quá khứ.

Trước đây, Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã hình thành nên hai hệ thống chính trị đối lập (XHCN và TBCN). Các quốc gia trong hai phe này gần như không quan hệ với nhau. Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô có hai nước đứng đầu bảo lãnh và tài trợ.

Trong khi đó, Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc lại mang đặc điểm khác. Ông Phạm Quang Vinh cho rằng cuộc chiến này sẽ không phân tuyến như đối đầu Mỹ - Xô mà sẽ vẫn có không gian cho các tổ chức quốc tế, khu vực và các quốc gia khác, (trong đó có Việt Nam) duy trì được vị trí, tiếng nói của mình.

Mặc dù Chiến tranh Lạnh mới giữa Washington và Bắc Kinh diễn biến phức tạp, các bên cũng sẽ gia sức tập hợp lực lượng đứng về phía mình nhưng sẽ không đến nỗi buộc các nước nhỏ phải lựa chọn.

Ngoài ra, Mỹ hiện chưa chính thức coi Trung Quốc là kẻ thù, trong các tuyên bố, bài phát biểu của giới chức Hoa Kỳ, Washington vẫn chỉ sử dụng các cụm từ như “thách thức” hoặc “mối đe dọa” khi đề cập đến các vấn đề quan trọng, liên quan đến lợi ích Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc.

Có một điều chắc chắn là Mỹ và Trung Quốc sẽ nỗ lực để thể hiện “ai hơn ai” về tất cả các linh vực trên tất cả các đấu trường. Hiện tại, trao đổi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chiếm đến 40% tổng giá trị trao đổi thương mại toàn cầu.

Chính vì thế, lĩnh vực thương mại giữa hai nước có thể bị ly tán nhưng chắc chắn sẽ không bị triệt tiêu hoàn toàn.

Ngoài ra, cũng theo cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, trong cuộc chiến này, Trung Quốc có khả năng ứng phó và đáp trả lại Mỹ.

img
Thương mại Mỹ - Trung có thể bị ly tán nhưng không thể bị triệt tiêu - ảnh biếm họa South China Morning Post.

Sau bầu cử tháng 11 quan hệ Mỹ - Trung sẽ thế nào?

Về chủ đề này, ông Phạm Quang Vinh cho rằng, dù là trước hay sau bầu cử, các quan điểm, đánh giá về Trung Quốc ở cả hai đảng (Cộng Hòa và Dân Chủ) đều có điểm tương đồng. Sau bầu cử ở Mỹ, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục diễn ra dù ông Biden có thể thắng hoặc ông Trump tiếp tục tái cử.

Tuy nhiên, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, nếu trong trường hợp giả định là ông Biden của đảng Dân Chủ thắng cử, nhậm chức Tổng thống thì chính sách của Hoa Kỳ dưới thời ông Biden có thể hơi khác một chút nhưng về tổng thể vẫn cạnh tranh chiến lược như hiện nay.

Ông Biden có thể không có những tuyên bố, quyết sách gây sốc như ông Trump mà có thể sẽ có những thỏa thuận, thỏa hiệp nào đó, ở một giai đoạn nào đó với chính quyền Trung Quốc. Dù vậy, cạnh tranh chiến lược (giả định khi ông Joe Biden) thắng cử Mỹ - Trung sẽ vẫn là lâu dài, tổng thể nhưng không có triệt tiêu nhau, không phân tuyến như Chiến tranh Lạnh Mỹ - Xô.

Ông Phạm Quan Vinh cho rằng ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng có thể điều chỉnh các chính sách của mình theo hướng như vậy sau khi tái cử.

Việt Nam có lợi gì và phải làm gì?

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quanh Vinh tái khẳng định rằng đường lối độc lập, tự chủ, muốn làm bạn với thế giới của Việt Nam sẽ vẫn được duy trì trong bối cảnh hai nước lớn cạnh tranh nhau, tạo ra các thách thức cho thế giới, khu vực và cả chúng ta.

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh rằng, dù phức tạp nhưng cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc này cũng tạo ra cho các nước nhỏ như chúng ta cơ hội, chẳng hạn như sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng ở khu vực và toàn cầu.

Ngoài ra, các nước nhỏ cũng có lợi về mặt an ninh. Cụ thể, việc các nước lớn cạnh tranh nhau sẽ phải sinh ra các trật tự và luật lệ và tất cả phải tuân thủ. Đối với những quốc gia nhỏ hơn, luật lệ, trật tự, pháp luật quốc tế là những thứ cơ bản, cần thiết để chúng ta dựa vào để từ đó có thể thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia của chính mình.

Khi Mỹ - Trung cạnh tranh chiến lược, các nước cũng vẫn có lựa chọn không phải đứng về phe nào giữa hai phía, vẫn quan hệ được với nhau. Đơn cử, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là những đối tác kinh tế, chính trị lớn nhất của Việt Nam.

Ngoài ra, chủ nghĩa đa phương sẽ tiếp tục được duy trì. Đối với những quốc gia nhỏ hay lớn thì hai yếu tố cơ bản sẽ luôn được duy trì đó là “lợi ích quốc gia” và tôn trọng “luật pháp quốc tế”.

Đối với vấn đề Biển Đông, trong khi Trung Quốc tự coi đó là “giá trị cốt lõi” của mình bất chấp sự phản đối của dư luận, luật pháp quốc tế thì Hoa Kỳ coi đây là khu vực mà Washington có “lợi ích cốt lõi”.

Mỹ muốn đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông còn các quốc gia khác muốn duy trì chủ quyền của mình ở khu vực. Các lợi ích, tuyên bố của các bên trong tình thế này không song trùng nhau, chính vì vậy tất cả đều phải “thượng tôn pháp luật”.

Đối với Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhấn mạnh rằng chúng ta có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hai nước Mỹ - Trung cạnh tranh chiến lược.

Ở Biển Đông, chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh để đảm bảo chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia của Việt Nam không bị xâm phạm thông qua việc ủng hộ các lực lượng cùng có quan điểm với chúng ra, tuân thủ và thượng pháp luật quốc tế và coi đó là nền tảng pháp lý trong công cuộc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.