Pháp đình

Vụ chạy thận 9 người chết: Thái độ bất ngờ của nguyên giám đốc bệnh viện

14/01/2019, 17:21

Cựu Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình nói "đau" vì sự cố chạy thận và xin nhận trách nhiệm.

img
Phiên xét xử vụ án chạy thận làm 9 người chết trong ngày 14/1

Chiều 14/1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án chạy thận làm 9 người tử vong ở Bệnh viện ĐK Hòa Bình. Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, các luật sư đã có đề nghị hoãn phiên tòa do vắng mặt số nhân chứng và cho rằng phải có kết quả khám thần kinh của bị cáo, bác sĩ Hoàng Công Lương. Tuy nhiên, HĐXX đã không chấp thuận và tiến hành xét xử, dự kiến diễn ra trong 15 ngày.

Là người đầu tiên trả lời xét hỏi, bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) khai, sau khi xảy ra sự cố hôm 29/5/2017, ông nhận được báo cáo về việc nhiều bệnh nhân tử vong khi chạy thận từ bác sĩ Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc). Tuy nhiên, lúc này cấp dưới chưa nói đến tình trạng ngộ độc mà mới chỉ báo cáo bệnh nhân bị dị ứng khi đang chạy thận. Sau đó, ông Dương đã trưng cầu ý kiến phía Bệnh viện Bạch Mai.

Khi biết có một số người tử vong, ông Dương đã xuống Khoa Hồi sức, trao đổi với các bác sĩ tại đây và xem hồ sơ vụ việc.

"Biết có diễn biến xấu, trong đó một số bệnh nhân tử vong, còn lại đang cấp cứu tích cực nên bị cáo đã huy động lực lượng hiện có, đồng thời trực tiếp gọi điện cho bên Bạch Mai”, cựu Giám đốc Bệnh viện khai.

Chủ tọa truy vấn, khoảng 9h30 xảy ra sự cố y khoa nhưng đến 11h ngày 29/5/2017, Giám đốc mới xuống Khoa Hồi sức để nắm tình hình? Bị cáo Dương cho hay, với bối cảnh một bệnh viện có gần 40 chuyên khoa và khoảng 700 cán bộ, từng bác sĩ chuyên sâu trong mỗi lĩnh vực là điều quan trọng.

“Khi chuyên ngành nào xảy ra vấn đề, bác sĩ chuyên ngành đó trực tiếp liên hệ đầu mối để báo cáo”, bị cáo Dương nói và giãi bày, bản thân dù là giám đốc, nhưng chỉ chuyên khoa ngoại. Do đó, sự cố nếu xảy ra ở chuyên khoa khác thì phải bác sĩ chuyên khoa đó thông báo.

“Với đơn nguyên thận, bị cáo thi thoảng xuống kiểm tra và động viên anh em làm việc, có tháng xuống 1-2 lần”, ông Dương nói.

Ngoài ra, bị cáo Trương Quý Dương còn khai, theo quy chế của bệnh viện, phó giám đốc có quyền thay giám đốc, chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mà mình phụ trách, trong đó có cả lĩnh vực chuyên môn.

Nhớ lại buổi sáng xảy ra sự cố, bị cáo Dương khai tiếp, khi xuống Khoa Hồi sức đã được bác sĩ Hoàng Công Tình báo cáo, rằng 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ, trong đó một số người đã tử vong.

Ngay lập tức, ông đã chỉ đạo cấp dưới liên hệ với các bệnh viện xung quanh để đưa những người còn sống sang thải độc.

“May mắn 10 bệnh nhân trong đó đã được cứu sống”, Dương khai và thừa nhận, bản thân ông ta bị cuốn vào vòng quay của sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng gần 2 năm trước.

Bị cáo Dương nói: “Nỗi đau của bị cáo là nỗi đau của cả ngành y tế. Đó là nỗi đau của bệnh nhân, nỗi đau của cán bộ y tế…”, ông Dương nói và mong muốn HĐXX xem xét việc ông không chối bỏ vai trò của mình, mà xin nhận toàn bộ trách nhiệm đối với sự cố xảy ra.

Theo cáo trạng, với vai trò là người đứng đầu Bệnh viện, ông Trương Quý Dương đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới, để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài, đã vi phạm nhiều quy định.

Trong đó, bị can là người ký Quyết định số 175 về việc thành lập Đơn nguyên lọc máu. Theo Điều 2 của Quyết định số 175 và theo trả lời của Bộ Y tế cũng như Bệnh viện Bạch Mai thì Đơn nguyên lọc máu khi hoạt động phải có đầy đủ thành phần, nhân lực cần thiết theo quy chế công tác khoa lọc máu.

Tuy nhiên, từ khi thành lập Đơn nguyên lọc máu, bị can không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên, cũng không phân công ai làm nhiệm vụ của kỹ sư, kỹ thuật viên để kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu. Đáng chú ý, từ năm 2014 đến 2017, ông Dương cũng không có quyết định giao nguời phụ trách Đơn nguyên lọc máu.

Bên cạnh đó, cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã không chỉ đạo Phòng Vật tư thiết bị y tế xây dựng và ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng máy, cụ thể là quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO.

“Hệ thống RO số 2 thực tế không được giao cho cá nhân quản lý và sử dụng theo Quy chế Quản lý và sử dụng vật tư thiết bị y tế, dẫn đến Đơn nguyên lọc máu tùy tiện sử dụng hệ thống RO sau sửa chữa, không chờ kết quả xét nghiệm nước”, cáo trạng nêu.

Ngoài ra, ông Dương là người ký các hợp đồng, thanh lý hợp đồng sửa chữa hệ thống RO nhưng không sâu sát trong kiểm tra, không phát hiện việc Đơn nguyên lọc máu thường xuyên sử dụng hệ thống RO ngay sau sửa chữa, không chờ kết quả xét nghiệm chất lượng nguồn nước để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.