Xã hội

Cựu nhà báo Giản Thanh Sơn kể chuyện tháp tùng nguyên thủ

20/06/2019, 20:56

Dáng người thấp nhỏ, nhưng ký giả Giản Thanh Sơn nổi tiếng không chỉ trong làng báo Việt Nam mà còn được biết đến trong làng báo thế giới...

img
Ký giả Giản Thanh Sơn tại Tanzania năm 2016

Dáng người thấp nhỏ, nhưng ký giả Giản Thanh Sơn nổi tiếng không chỉ trong làng báo Việt Nam mà còn được biết đến trong làng báo thế giới. Những tác phẩm ảnh báo chí, đặc biệt ảnh các nguyên thủ đã giúp ông xác lập 4 kỷ lục quốc gia về nhiếp ảnh - báo chí.

Về hưu nhưng vẫn rất “máu”

Một ngày giữa tháng 5, giữa tiết trời Sài Gòn nóng như lửa đốt, phải nhiều cuộc điện thoại hẹn, nhà báo Giản Thanh Sơn mới sắp xếp được thời gian tiếp chúng tôi. Lúc đó là 14h ở một quán cà phê nhỏ bên một góc phố cũ quận 3 (TP HCM).

Mở đầu câu chuyện, ông nói vui: “Dù đã về hưu vài năm nhưng lúc nào mình cũng bận, lúc thì đi dự sự kiện, khi thì tổ chức ra mắt sách và triển lãm ảnh, lúc lại tự nhốt mình trong phòng viết sách. Nhưng bận rộn nhất vẫn là “truyền cảm hứng” về tác nghiệp báo chí cho anh em đồng nghiệp trẻ. Ngó già vậy đó chứ tui còn “máu” lắm à nghen…”.

Khi được hỏi về những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Giản Thanh Sơn buột miệng: “Có rất nhiều kỷ niệm, thậm chí là bài học “xương máu”.

Nhâm nhi ly cà phê, ông trầm ngâm nhớ lại lần tháp tùng phái đoàn Tổng thống Algeria thăm TP HCM (năm 2000). Ông đã bám sát 4 ngày nhưng cảm giác chưa có được tấm ảnh nào ưng ý.

“Hồi ấy dùng máy chụp phim nên không thể kiểm tra ngay được. Trong khi đó, tiền trong túi mình chỉ còn đủ để mua 2 cuộn phim và pin, đèn flash hết cũng đành “bó tay”. Cuối chuyến đi, phái đoàn vào thăm Bảo tàng Lịch sử TP HCM ở Thảo Cầm Viên. Tôi lại tác nghiệp trong điều kiện không gian trưng bày thiếu ánh sáng (sáng âm) mà đèn máy ảnh hết sạch pin, phim thì chỉ còn vài ba kiểu. Áp lực phải có những tấm ảnh đẹp làm tôi nảy ý tưởng nhờ những đồng nghiệp Algeria (tháp tùng Tổng thống nước họ) rọi đèn quay phim vào khu vực Tổng thống đang hoạt động để chọn góc chụp. Thật may, đó lại là những tấm ảnh tuyệt đẹp về vị nguyên thủ nước bạn trong chuyến công du đến TP HCM”, ông nhớ lại.

img
Ký giả Giản Thanh Sơn tác nghiệp tại Nhà Trắng (Mỹ) năm 2013

Rơi ống kính, tưởng ném lựu đạn

Lại có lần, ông bám theo phái đoàn của Chủ tịch Cuba - Fidel Castro đến thăm địa đạo Củ Chi (năm 1995). Một tình huống nguy hiểm bất ngờ xảy ra khiến ông xanh mặt. “Trong lúc mải mê tác nghiệp, tôi đánh rơi ống kính tele khiến cả đội vệ sĩ của ngài Fidel nháo nhào vì tưởng tôi… ném lựu đạn. Đúng là một tình huống hú hồn.

Ký giả Giản Thanh Sơn vẫn còn nhớ như in tuổi thơ ở vùng sông nước quê ông, nơi có con đò nhỏ ven sông và hàng dừa nước chạy dài ngút tầm mắt. Không gian quê như một bức tranh, nghèo nhưng yên bình và đẹp đẽ đã hun đúc tâm hồn người “nghệ sĩ ” từ thuở nhỏ của ông.

Giờ đã về hưu, ông sống cùng gia đình trong căn hộ nhỏ ven kênh Nhiêu Lộc ở Tân Định, quận 1. Ông sống đơn giản như con người miệt sông nước quê nhà. Trong ông vẫn luôn khát khao và sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm của mình cho thế hệ đồng nghiệp đi sau. Ông bảo: Ảnh Báo chí Việt Nam về con người từ đồng quê, ra phố thị… luôn được đồng nghiệp thế giới yêu thích, trân trọng đón nhận.

Cũng có lúc ông gặp sự cố như lần theo các lãnh đạo đi đón tiếp phái đoàn Hoàng gia Thụy Điển đến thăm TP HCM (năm 2004). Lúc ở phi trường, ông chỉ lo tác nghiệp, nên bị trượt té ngã xoạc cả đũng quần. Tình thế buộc ông phải nhờ xe ôm chở về nhà… thay quần, không tiếp tục theo cuộc đón tiếp từ sân bay đến một địa điểm khác.

“Vài chục năm trở lại đây, đặc biệt là sau những vụ khủng bố, vấn đề đảm bảo an ninh trong các cuộc gặp giữa các nguyên thủ quốc gia thăm viếng lẫn nhau ngày càng siết chặt. Báo chí cũng là một trong những đối tượng được đảm bảo an ninh, đồng thời cũng thuộc diện phải kiểm tra kỹ lưỡng trước khi vào bên trong tác nghiệp. Kiểm tra an ninh ngặt nghèo nhất không đâu bằng người Mỹ. Khi chúng tôi vào Nhà Trắng tác nghiệp, đặc vụ Mỹ đưa chó nghiệp vụ đến ngửi cả người lẫn hành trang các nhà báo quốc tế, sau đó họ mới dùng tay kiểm tra lại từng người…”, ông cho hay.

“Để tác nghiệp trong điều kiện thời gian, không gian hạn hẹp, phóng viên phải tính toán để có vị trí đứng tốt, nếu không dễ bị dạt ra ngoài, bị đứng phía sau. Điều đó thật tồi tệ, nhất là đối với các phóng viên châu Á như tôi. Có nhiều sự kiện, chúng tôi chỉ được cho vào tác nghiệp hình ảnh trong khoảng từ 2 – 3 phút rồi bị mời ra khỏi phòng, nhất là các hội nghị song phương, đa phương, các sự kiện hai nguyên thủ gặp nhau cũng thế… Quan trọng hơn nữa, phóng viên phải chụp được những khoảnh khắc xuất thần của nguyên thủ, của nhân vật mới khó. Đó là yêu cầu quan trọng nhất của tờ báo…”, ông chia sẻ.

img
Tổng thống Bill Clinton do ký giả Giản Thanh Sơn chụp năm 2000

Người xác lập 4 kỷ lục

Ký giả Giản Thanh Sơn (SN 1957) ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ông “bén duyên” với nghề báo vào cuối năm 1975, khi công tác tại Đài Truyền thanh huyện Cần Giuộc, sau đó làm phóng viên Báo Long An. Năm 1990, ông về Báo Công an TP HCM. Từ đây, ông được mở rộng tầm hoạt động tác nghiệp, được lãnh đạo tín nhiệm phân công đưa tin nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Hơn 44 năm làm báo, ông từng tác nghiệp tại trên 80 quốc gia; tham dự nhiều hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc, hội nghị quốc tế tại Peru, Nhật Bản, Singapore, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Philippines… được xác lập 4 kỷ lục quốc gia về nhiếp ảnh - báo chí. Ông là phóng viên thường tháp tùng các chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2006 - 2010), phóng viên chuyên trách của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2011 - 2015). Nhà báo Giản Thanh Sơn được xếp hạng nổi tiếng thứ 85.119 trên thế giới và thứ 562 trong danh sách Nhà báo nổi tiếng thế giới.

Ông đã triển lãm nhiều tác phẩm ảnh và xuất bản sách như: Chân dung chính khách, Việt Nam nhìn từ không trung, Không ảnh Sài Gòn, Dấu ấn hội nhập, Lê Hùng Dũng 60 năm với đời, Phóng viên ảnh Nick Út huyền thoại giản dị (tác giả và chủ biên), Môi trường thế giới, Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam… Hiện tại, ông vẫn đang miệt mài theo đuổi nhiều sự kiện, viết sách và tổ chức các triển lãm ảnh.

Với các bút danh: Giản Thanh Sơn, Phong Sơn, Việt Phong, Lam Sơn… ngoài các tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc, ông còn có nhiều bài tường thuật, bình luận về các sự kiện chính trị, ngoại giao sắc sảo, được độc giả đón nhận và ghi nhớ. Với những đóng góp, cống hiến của mình, mới đây, ông được Viện đại học Kỷ lục thế giới (WRU) trao bằng Tiến sĩ danh dự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.