Nguyễn Tuấn Sĩ (SN 1968, lái xe ôm, cùng ở tỉnh Vĩnh Long) lĩnh 3 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đối với Lê Nguyên Khoa (SN 1986, ngụ TP Cần Thơ), cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Phạm Văn Cung tại phiên tòa.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Việc truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội. Các cơ quan tố tụng đã thực hiện đúng quy định. Bị cáo Cung không yêu cầu luật sư bào chữa là tự nguyện và được tòa chấp nhận.
HĐXX phân tích bị cáo Cung có hình thức tăng nặng là phạm tội nhiều lần, còn giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, người thân có nộp một phần tiền khắc phục. Bị cáo Sĩ thành khẩn khai báo, đã khắc phục hậu quả và có vai trò đồng phạm nhưng không đáng kể nên được xem xét giảm nhẹ.
Trong số 67 tỷ đồng bị cáo Cung đã chiếm đoạt của 4 bị hại, 1 bị hại tự nguyện hiến 3 tỷ đồng nhằm vào mục đích làm từ thiện, sửa chữa đường nông thôn ở Vĩnh Long. Trừ các khoản tiền đã khắc phục và số tiền trên, bị cáo Cung có trách nhiệm trả lại cho 4 bị hại hơn 60 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng đã kê biên một số tài sản của bị cáo Cung để thực hiện việc khắc phục hậu quả.
Trong 2 ngày xét xử (13 và 14/4), bị cáo Cung và Sĩ đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Về nguyên nhân, Cung cho rằng bản thân dù đã đi tu nhưng vẫn còn “vướng bụi trần đời”, từ đó dẫn đến nợ nần.
Trước khi được công nhận là tu sĩ vào năm 2005, Cung đã thiếu nợ nhiều người.
Cung bịa ra các câu chuyện không có thật, sử dụng thủ đoạn gian dối để vay mượn tiền của nhiều người. Cung sử dụng tiền vay của người sau, trả cho người trước, dẫn đến mất khả năng tài chính và chiếm đoạt của 4 phụ nữ ở TP Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Hưng Yên với số tiền hơn 67 tỷ đồng.
Trước đó, đại diện Viện KSND giữ nguyên quan điểm như cáo trạng truy tố, đề nghị tòa tuyên bị cáo Cung mức án chung thân, bị cáo Sĩ từ 3-5 năm tù.
Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo đã gửi lời xin lỗi đến các bị hại, người thân của mình. Cung thừa nhận bản thân là người không tốt. Bị cáo hai lần nhắc lại việc xin nhận mức án tử hình.
Theo bị cáo, mức án chung thân mà đại diện Viện KSND đã đề nghị chưa tương xứng nên xin nhận mức án tử hình.
Như Báo Giao Thông đã thông tin, trong vụ án này, Cung bị bắt tạm giam từ cuối năm 2020 đến nay, bị cáo Sĩ được tại ngoại.
Theo cáo trạng, Cung là tu sĩ từ năm 2005 và tu tại chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình. Năm 2008, Cung được bổ nhiệm làm trụ trì. Cũng trong năm 2008, Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương (nuôi dạy trẻ mồ côi) được thành lập, đến năm 2012 đi vào hoạt động. Cung được giao làm giám đốc trung tâm.
Trong thời gian này, Cung quen với Khoa nên bổ nhiệm làm thư ký giúp việc. Thời gian làm trụ trì và giám đốc trung tâm, Cung tổ chức nhiều chương trình, sự kiện để tạo uy tín. Cung làm các clip về hoạt động từ thiện đưa lên mạng xã hội, quảng bá hình ảnh nhằm tạo lòng tin cho nhiều người để có tiền chi xài cá nhân.
Cung "nổ" quen nhiều lãnh đạo cấp cao, lợi dụng danh nghĩa nhà chùa và trung tâm, liên hệ gặp nhiều người có điều kiện kinh tế, tự nêu lên hoàn cảnh điều kiện khó khăn trong việc nuôi dạy các cháu mồ côi để tìm kiếm sự cảm thông và trợ giúp.
Cung chủ động dựng lên các sự kiện không có thật để mượn tiền của nhiều người. Với những thủ đoạn trên, Cung vay tiền của nhiều người sử dụng vào mục đích cá nhân và sau đó chiếm đoạt của 4 người phụ nữ với số tiền hơn 67 tỷ đồng.
Theo Viện KSND tỉnh Vĩnh Long, hành vi lừa đảo do Cung và đồng bọn thực hiện diễn ra trong thời gian dài, từ năm 2015 đến 2020, xảy ra trên nhiều địa bàn, trong đó nhiều lần thực hiện hành vi tội phạm tại Vĩnh Long.
Cung lợi dụng vào uy tín của nhà chùa và trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi; lợi dụng danh nghĩa trụ trì trong thời gian còn đương chức và cả lúc đã bị cách chức, bị xóa tên tu sĩ và sau đó lấy danh nghĩa thành viên tổ chức tôn giáo, câu kết với đồng bọn dùng thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi lừa đảo…
Năm 2018, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã đình chỉ hoạt động Phật sự đối với Thích Phước Ngọc (tức Phạm Văn Cung). Đến ngày 18/11/2019, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long bãi nhiệm Thích Phước Ngọc khỏi vị trí trụ trì chùa Phước Quang.
Ngày 17/8/2020, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long quyết định Thích Phước Ngọc, thế danh Phạm Văn Cung nghỉ sinh hoạt tôn giáo, thu hồi chứng điệp thọ giới và giấy chứng nhận tăng ni.
Cuối năm 2020, Cơ quan An ninh điều tra đã bắt tạm giam đối với Phạm Văn Cung, phục vụ công tác điều tra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận