Chuyện dọc đường

Cứu trợ không thể từ từ…

23/10/2020, 06:02

Hãy lăn xả, quên mình khi tình thế cấp bách, cứu trợ không thể từ từ. Hãy mời người dân vào giám sát các hoạt động từ thiện.

img
Thủy Tiên đã nhanh chóng có mặt cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt

Cá nhân hay tổ chức đứng ra làm từ thiện cũng quý, nhiều hay ít cũng quý, đồ cứu trợ có khi chỉ một mẩu lương khô, một chai nước suối cũng cứu được mạng người.

Nhất là người đó đã 5 ngày bị cô lập giữa biển nước như cụ ông Nguyễn Văn Lài ở Quảng Bình, người vừa gạt nước mắt vừa ăn hộp cơm cứu trợ hay những người ở rốn lũ Hướng Hóa, Quảng Trị… đã mất sóng điện thoại gần tuần nay.

Mất sóng điện thoại nghĩa là cả một tin nhắn cầu cứu đăng lên facebook giữa đêm cũng không làm nổi. Là chỉ biết tháo ngói, ngồi trên nóc nhà khắc khoải ngóng xuồng cứu hộ, người già, trẻ em được buộc thêm chiếc dây quanh bụng cột vào đâu đó kẻo ngủ gật rơi xuống nước.

Vì thế, không thể đồng tình với những người chỉ trích Thủy Tiên những ngày qua, khi cô và nhiều đoàn cứu trợ khác không chậm một giây, đã có mặt cứu trợ bà con miền Trung đang ngập trong lũ.

Người ta nói cô “làm màu”, thân gái mỏng manh ngồi xuồng như chiếc lá vào tận nhà dân trao tiền, trao quà, lỡ có chuyện gì ai chịu trách nhiệm? Sao việc đó không để đàn ông con trai làm, sao hàng cứu trợ không chuyển qua ủy ban xã, mặt trận tổ quốc huyện, sao phải vào đưa tận tay?

Những ý kiến đó không sai, Thủy Tiên có quyền làm từ thiện, thì người ta có quyền thắc mắc. Nhưng cả trăm tỷ đồng vẫn đổ về tài khoản của Thủy Tiên - cô ca sỹ có tấm lòng thiện nguyện tốt đẹp. Bởi “cứu người như cứu hỏa”, thương thắt lòng khúc ruột miền Trung, không thể chỉ ngồi và chém gió trên Facebook.

Nếu Thủy Tiên có thể góp một tay cùng bộ đội, công an đi cứu người, tiếp tế đồ ăn cho bà con vùng lũ qua cơn hoạn nạn, đó là nghĩa cử đáng trân trọng.

Vẫn biết, quá nhiều đoàn cứu trợ tự phát sẽ gây rối loạn. Xóm khó khăn thì chỉ nhận được suất hỗ trợ 300 nghìn, xóm nước chưa ngập lại nhận được quà gấp 3. Xóm có 100 người nhưng đoàn từ thiện chỉ có 50 suất quà, lại gây tranh cãi.

Đã xuất hiện những nhóm người chuyên đi xếp hàng nhận hàng cứu trợ gây bức xúc. Rồi xã A được báo chí đưa tin, đón đoàn cứu trợ không hết, xã B sát bên khốn khó hơn nhưng không đoàn nào đến.

Chưa kể, thuyền chở đoàn cứu trợ mỗi ngày một tăng giá, từ 2 triệu lên đến 6 triệu một ngày, lại tranh cãi, nhưng là thuyền của dân, giá thuận tình thì đi, không thì thôi, tức giận cũng chả làm được gì. Thậm chí, con nước dữ chẳng trừ ai, kể cả những người làm từ thiện, tai nạn xảy ra, ai chịu trách nhiệm?

Vì thế, việc cần điều tiết lại các hoạt động từ thiện tự phát là cần thiết nhưng cũng không thể cấm đoán. Người dân tin ai đều có cái lý của nó, khi người ta đã có niềm tin, sẽ tạo ra sức mạnh.

Các cơ quan đoàn thể đang mang trọng trách làm công tác xã hội từ thiện cần huy động được sức mạnh này bằng cách đổi mới chính hoạt động của mình.

Hãy lăn xả, quên mình khi tình thế cấp bách, cứu trợ không thể từ từ. Hãy mời người dân vào giám sát các hoạt động từ thiện.

Hãy phân bổ đồng tiền người dân gửi gắm một cách tốt nhất và học cả cách truyền thông.

Làm tốt mà áo gấm đi đêm cũng không thể truyền được cảm hứng. Mà công tác thiện nguyện luôn là một hoạt động cần lan tỏa những năng lượng tích cực.

Người Việt, khi Tổ quốc lâm nguy, đồng bào gặp nạn, luôn sẵn sàng hy sinh, nhường cơm sẻ áo. Tinh thần dân tộc của người Việt khi được khơi dậy luôn tạo nên sức mạnh vĩ đại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.