Giao thông

Đã có 8 nhà đầu tư “ngỏ ý” làm cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn

10/05/2019, 14:20

Có 7 nhà đầu tư trong nước và một nhà đầu tư nước ngoài mua hồ sơ mời sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn.

img
Chỉ trong hai ngày đầu phát hành hồ sơ mời sơ tuyển đã có 8 nhà đầu tư mua hồ sơ dự tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn - Ảnh minh họa

Sáng nay (10/5), tại cuộc họp kiểm điểm về tình hình thực hiện cao tốc Bắc - Nam, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban QLDA 2 (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) cho biết, chỉ tính trong hai ngày đầu phát hành hồ mời sơ tuyển (8 - 9/5), đơn vị đã bán được 8 bộ hồ sơ cho 8 nhà đầu tư quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn.

Theo ông Sơn, trong số 8 nhà đầu tư mua hồ sơ sơ tuyển dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn có 7 doanh nghiệp trong nước gồm: Tập đoàn CIENCO4, Tổng công ty Bạch Đằng, Công ty TNHH Tân Hưng, Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1), Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty TNHH Xây dựng miền Trung và một doanh nghiệp nước ngoài đến từ Trung Quốc là Công ty Cầu đường Trung Quốc.

“Công tác bán hồ sơ mời sơ tuyển dự án QL45 - Nghi Sơn đang rất khả quan khi có nhiều nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Pháp, Hàn Quốc trước đây bày tỏ quan tâm đến dự án sẽ đến mua hồ sơ dự tuyển trong những ngày tới”, ông Sơn nói và cho biết, thời gian bán hồ sơ mời sơ tuyển dự án QL45 - Nghi Sơn sẽ kết thúc vào 14h ngày 8/7/2019.

Đại diện Ban QLDA 2 cho biết, dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nằm trong 11 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thông qua tại nghị quyết 52/2017. Dự án có chiều dài 43km, tổng mức đầu tư khoảng 6.333 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 2.003 tỷ đồng, còn lại là vốn của nhà đầu tư huy động.

Được biết, trong hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu là 60% tổng số điểm (60 điểm) và điểm đánh giá từng nội dung yêu cầu cơ bản tối thiểu là 50% điểm tối đa của nội dung đó.

Cụ thể, trong hồ sơ mời sơ tuyển, năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 10% tổng số điểm (10 điểm).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.