Xem - ăn - chơi

Đã có “đầu ra” cho linh vật ngoại lai ở di tích

26/03/2015, 07:27

Trang mạng Facebook Linh vật và cổ vật truyền thống Việt Nam đã tiến hành thực hiện cuộc vận động xã hội hóa.

 

IMG_5415
Linh vật ngoại lai tại đình Hồi Quan (Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh) được di dời theo phương thức xã hội hóa.

Các nhà nghiên cứu, họa sỹ, nhà điêu khắc, những thành viên trang mạng Facebook Linh vật và cổ vật truyền thống Việt Nam đã tiến hành thực hiện cuộc vận động xã hội hóa di dời các “hiện vật lạ” ra khỏi di tích.

Xã hội hóa di dời hiện vật lạ

Trước thực trạng cổng chùa, khu di tích, công sở bày sư tử đá có hình mẫu Trung Quốc, châu Âu tồn tại hàng chục năm, tháng 8/2014, Bộ VH-TT&DL ra công văn yêu cầu không sử dụng và tiến hành di dời hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi nơi công cộng, di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, lúng túng trong nhận diện các biểu tượng truyền thống, nhiều nơi dân làng vẫn còn cấn cá vì chưa có lời giải cho vấn đề kinh phí, địa điểm di dời.

Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL, đến đầu tháng 1/2015, khoảng 22/35 di tích ở 8 địa phương có hiện vật ngoại lai đã được di dời. 4.500 linh vật kiểu dáng Trung Quốc và châu Âu ở làng đá Non Nước (Đà Nẵng) được chế tác lại theo mẫu thuần Việt.

Giữa mối bòng bong không dễ gỡ cũng đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Các nhà nghiên cứu, họa sỹ, nhà điêu khắc và những  thành viên trang mạng facebook Linh vật và cổ vật truyền thống Việt Nam đã tiến hành thực hiện vận động xã hội hóa di dời các sản phẩm “lạ” ra khỏi di tích, trả lại cảnh quan đình làng.

Ngày 22/3, đình Hồi Quan, xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tiến hành di dời theo phương thức xã hội hóa.

Cặp sư tử kiểu Trung Quốc tại đình Hồi Quan do hội đồng niên sinh năm 1979 và 1982 của làng cung tiến vào bày đặt trước đình làng từ năm 2011, 2012. Theo ông Dương Đình Lực, trưởng thôn  Hồi Quan, nhận thấy đó là những hiện vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, người dân địa phương rất muốn di dời các đồ cung tiến này ra khỏi đình, nhưng vì lo ngại vấn đề tâm linh và không biết di dời đi đâu nên việc này vẫn chưa được triển khai.

“Địa phương nhiều lần mời những người cung tiến, họp bàn cùng nhân dân để tìm hướng giải quyết cho những hiện vật này. Địa phương ghi nhận tấm lòng công đức của những người cung tiến, nhưng việc di chuyển các hiện vật ra khỏi di tích là cần thiết. Tuy nhiên, gặp phải khó khăn ở vấn đề kinh phí, cũng như không biết di dời đi đâu”, ông Lực cho biết.

Theo Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (thành viên hai trang mạng trên Facebook tài trợ việc di dời những linh vật kể trên), đình Hồi Quan là một trong những ngôi đình Việt tiêu biểu cho giai đoạn hoàng kim của các ngôi đình làng mà người Việt xây dựng trong suốt các thế kỷ 16, 17, 18. Khi đến Hồi Quan, các hệ thống hoành phi câu đối mách bảo ông rằng, ngôi đình này thuộc một khu dân cư có truyền thống văn hóa, đời sống tinh thần phong phú. Sau rất nhiều biến động của chiến tranh, loạn lạc, ngôi đình đến nay vẫn khang trang, vẫn là nơi sinh hoạt của bà con trong làng.

Tuy nhiên, đáng tiếc là ở đây lại xuất hiện cặp sư tử đá Trung Quốc cùng một số hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. “Con sư tử đá Trung Quốc với dáng vóc dữ dằn, ảnh hưởng đến phong thủy của làng, chỉ phù hợp chốn lăng mộ, cung điện, lấy sự hăm dọa ra làm chính, nên không thể trưng bày ở nơi hợp với thế đất sáng sủa, ưa chuộng sự cởi mở, vốn dĩ là nơi tụ họp của dân để vừa hành lễ, vừa diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ như đình làng Việt”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế chia sẻ.

Chuyển đổi sang các sản phẩm thủ công khác

Về đầu ra cho việc di dời này, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế thông tin: “Trong khi chưa tìm được nơi tập kết xử lý các tượng sư tử ngoại lai thì cặp tượng này được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ nhận về xưởng để nghiên cứu chuyển đổi sang các sản phẩm thủ công khác”.“Đã có rất nhiều ý kiến về việc hậu xử lý linh vật ngoại lai như đập bỏ, chôn, vứt xuống sông…

Tuy nhiên, nên theo kinh nghiệm thực tế của các địa phương. Như ở Đà Nẵng người ta chế lại những con vật khác, xay thành bột đá...  Ngoài ra, ở một số nơi cho đúc lại thành linh vật con nghê. Hay lấy một khu đất, tập hợp những sư tử đá làm vườn tượng, tạo cho nó hồ sơ lưu trữ có lý lịch hẳn hoi để ghi dấu một giai đoạn văn hóa… mất phương hướng”, ông Trần Hậu Yên Thế nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.