Xã hội

Đã có doanh nghiệp sẵn sàng chi 1,3 tỷ bắn pháo hoa

27/01/2015, 16:54

"Bắn pháo hoa nhằm phục vụ tinh thần của dân, khi thưởng thức bắn pháo hoa không có sự phân biệt giàu – nghèo".

Ong_To_Van_Dong
Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội

Trong cuộc họp giao ban báo chí thành ủy chiều 27/1, rất đông phóng viên báo chí bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất bắn pháo hoa thường xuyên tại khu vực cầu Nhật Tân của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội.

Để làm rõ hơn các thắc mắc của phóng viên, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội một lần nữa nhấn mạnh, ý tưởng bắn pháo hoa thường xuyên khu vực cầu Nhật Tân xuất phát từ việc muốn phục vụ đời sống tinh thần của người dân, và hiện ý tưởng này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền nào phê duyệt.

Được biết, sau khi báo cáo ý tưởng này với UBND thành phố, lãnh đạo Thành phố đã đồng ý giao cho Sở Văn hóa nghiên cứu và lập đề án để xem xét.

“Thành phố cũng đã chủ trương bắn thí điểm, nếu được nhân dân ủng hộ, được các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và mọi việc đều tốt đẹp thì sẽ triển khai. Còn nếu sau lần bắn thí điểm mà không thấy có vấn đề gì thì sẽ dừng lại. Quan điểm của chúng tôi là đã thí điểm, nếu tốt thì làm, không tốt thì dừng”, ông Động nhấn mạnh.

Bày tỏ quan điểm của mình, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội cho rằng, cầu Nhật Tân rất đẹp và nên biến nó thành một sản phẩm du lịch như cầu Rồng ở Đà Nẵng.

Giám đốc Sở Văn hóa cũng khẳng định, tất cả kinh phí tổ chức bắn pháo hoa đều sẽ được thực hiện bằng nguồn đóng góp của các nhà tài trợ, không sử dụng ngân sách hay tiền đóng thuế của nhân dân.

“Để thực hiện thí điểm việc bắn pháo hoa khu vực cầu Nhật Tân, mà cụ thể là ở bãi đất giữa sông Hồng ở dưới cầu, Thành phố đã giao cho liên ngành xem xét về mọi mặt xem có gây ảnh hưởng gì không, sau đó Sở sẽ có báo cáo cụ thể lên Thành phố để thành phố phê duyệt” – ông Động cho hay.

Lãnh đạo Sở Văn hóa cũng nhấn mạnh thêm rằng, đối với người dân, dù giàu, dù nghèo, thì ngoài những nhu cầu về vật chất, họ vẫn có những nhu cầu khác về mặt tinh thần. Và việc bắn pháo hoa để người dân thưởng thức là nhằm phục vụ tinh thần của nhân dân.

“Khi thưởng thức pháo hoa thì không bao giờ phân biệt người giàu – người nghèo, khi ấy tất cả mọi người đều như nhau” – ông Động nói.

Giám đốc Sở Văn hóa cũng tiết lộ thêm rằng, khi Sở này vừa có đề xuất thì đã có 3 doanh nghiệp gửi văn bản yêu cầu được đầu tư kinh phí cho việc bắn pháo hoa, trong đó, có một đơn vị đã quyết định bỏ ra 1,3 tỷ đồng để đầu tư vào việc này nếu được đồng ý.

Hoài Thu – Văn Huế

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.