Đa dạng hóa các phương thức vận tải để giảm chi phí vận tải

05/10/2014, 22:27

"Giá cước vận tải càng thấp thì chúng ta càng lợi. Nhà nước lợi, nhân dân lợi, hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công khẳng định.

“Giá cước càng thấp thì chúng ta càng lợi. Nhà nước lợi, nhân dân lợi, hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu tại lễ công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu tại lễ công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ban ngành, các địa phương, ngành GTVT đã có những bước chuyển biến hết sức tích cực và có thể nói là ngoạn mục trong tất cả các lĩnh vực, về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT), về vận tải, về ATGT, về tái cơ cấu các doanh nghiệp, được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, Bộ GTVT đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành GTVT với 3 nội dung chủ yếu.

Thứ nhất là tái cơ cấu đầu tư công, Bộ đã xây dựng một loạt các đề án nhằm huy động các nguồn lực của xã hội để xây dựng kết cấu HTGT và chỉ trong năm 2013 và 8 tháng đầu năm 2014, Bộ đã huy động nguồn lực 107.500 tỷ đồng không thuộc ngân sách Nhà nước, chỉ của tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân cho đầu tư kết cấu HTGT đường bộ, đường không, đường thủy nội địa (TNĐ), trong đó tập trung vào đường bộ. Nhiều dự án đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai đã bị dừng thi công, giãn tiến độ thi công nhờ nỗ lực này đã được chuyển qua các hình thức PPP, BOT và đã và đang triển khai thi công, có dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đất nước.Ví dụ điển hình là QL1 với 121.000 tỷ tổng mức đầu tư, trong đó nguồn vốn của nhà nước chỉ chiếm chưa đến nửa, còn lại là các dự án BOT bằng nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân, cổ phần là chủ yếu.

Thứ hai, Bộ đã tiến hành tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước và trong 2 năm 2012-2013 đã cổ phần hóa được 63 doanh nghiệp, trong đó năm 2013 cổ phần hóa được 44 doanh nghiệp (chiếm gần 50% trong tổng số các doanh nghiệp nhà nước của cả nước đã cổ phần hóa) được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tại hội nghị về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vừa qua.

Thứ ba, Bộ GTVT đã tiến hành tái cơ cấu ngành GTVT, xác đinh vận tải là yếu tố có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ đã quyết đinh tái cơ cấu lĩnh vực này nhằm mục đích tạo ra một thị trường vận tải lành mạnh, an toàn, hiệu quả, chi phí thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong vận chuyển hàng hóa gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thứ trưởng Công nhấn mạnh: Năng lực cạnh tranh hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng hàng hóa và nhiều yếu tố khác, nhưng có một yếu tố hết sức quan trọng đó là chi phí vận tải. Về chi phí vận tải thì nước ta nằm trong số các nước có chi phí vận tải rất cao, bởi vì chúng ta chưa khai thác có hiệu quả kết cấu HTGT đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt. Chúng ta chưa kết nối được các phương thức vận tải đa phương thức, chưa có dịch vụ logistis một cách hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cùng các đại biểu cắt băng khai trương tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cùng các đại biểu cắt băng khai trương tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang

Chính vì vậy, tái cơ cấu vận tải là lĩnh vực hết sức quan trọng, hết sức cần thiết, hết sức cấp bách, Bộ đã triển khai xây dựng đề án tái cơ cấu hàng hải, hàng không, đường TNĐ, đường sắt để nhằm mục đích giảm chi phí vận tải, liên kết các phương thức vận tải, kết hợp hài hòa các phương thức vận tải và giảm áp lực cho GTĐB.

Bộ GTVT đã chỉ đạo xây dựng một loạt các đề án kết nối đường bộ, đường TNĐ, hàng hải, đường sắt và đang triển khai; trong đó có chú trọng nghiên cứu tuyến vận tải pha sông biển nhằm phát huy có hiệu quả các lực lượng vận tải đường TNĐ S1 để kết nối đường bộ, đường sắt với đường TNĐ và đường biển.

Ngày 30/6, Bộ GTVT đã ký quyết định công bố tuyến vận tải sông biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình và qua báo cáo của các Cảng vụ, đơn vị liên quan thì chỉ ba tháng (từ tháng 7 đến tháng 9) đã có 233 lượt tàu vận chuyển được 409 nghìn tấn hàng hóa. Tính ra, 409 nghìn tấn hàng hóa này tương đương với 13.636 xe vận tải 30 tấn. Mặc dù mới chỉ bước đầu triển khai nhưng rõ ràng những con số đã nói lên một quyết định hết sức đúng đắn, hết sức cần thiết của Bộ GTVT với sự đồng lòng chung sức của các Bộ, các ngành, các địa phương và đã thu được kết quả bước đầu hết sức ấn tượng, góp phần giảm thiểu áp lực GTĐB, góp phần giảm thiểu TNGT, hạ giá thành vận tải.

Cùng với đó, hiện nay các bộ, các cấp, các ngành, các địa phương đang triển khai một cách quyết liệt chủ trương kiểm soát tải trọng xe. “Hàng năm chúng ta bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu HTGT, để sửa chữa nâng cấp kết cấu HTGT và bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để duy tu sửa chữa, đảm bảo giao thông êm thuận. Tuy nhiên, công tác kiểm soát tải trọng xe của chúng ta không được quan tâm chú trọng cho nên việc các doanh nghiệp vận tải vi phạm quy định của nhà nước, chở vượt trọng tải cho phép đã diễn ra tràn lan, phổ biến, gây hại cho kết cấu HTGT, mất ATGT, làm “méo mó” giá cước thực sự của vận tải đường bộ.

Vì thế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương triển khai tích cực chủ trương này với hy vọng lập lại trật tự về kiểm soát tải trọng xe để tất cả các xe vận tải đường bộ chỉ được phép chở đúng tải trọng và trong đó các cảng, bến TNĐ có một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đơn cử, năm ngoái, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của chúng ta là 326 triệu tấn, và cũng năm ngoái, trong cả năm sản lượng vận tải đường bộ của chúng ta khoảng 734 triệu tấn, có nghĩa nếu các cảng biển thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng xe thì đã giúp nhà nước kiểm soát được gần một nửa lượng phương tiện đường bộ hoạt động đúng quy định pháp luật của nhà nước.

Nếu chúng ta thực hiện thành công chủ trương này, sẽ góp phần bảo vệ kết cấu HTGT, giảm thiểu TNGT và đặc biệt chúng ta sẽ đưa giá cước vận chuyển đường bộ về giá trị thực của nó, không “méo mó” như bây giờ. Từ đó các chủ hàng, các doanh nghiệp phải chủ động tìm phương thức vận tải khác, đặc biệt là phương thức vận tải TNĐ với giá cước chỉ rẻ 1/3, đảm bảo môi trường...

Chỉ qua một số tháng triển khai tích cực chủ trương này, qua kiểm tra trực tiếp của lãnh đạo Bộ tại các cảng biển, các cảng, bến TNĐ, cũng như báo cáo của các Cảng vụ, đơn vị liên quan cho thất có rất nhiều chủ hàng đã bắt đầu quay sang vận tải đường TNĐ. Một ví dụ là cảng Quảng Ninh, hơn 1 triệu tấn từ  tháng 4 đến nay không một tấn hàng hóa nào xuất cảng bằng đường bộ mà đều được chuyển tải qua phương tiện TNĐ để chuyển về các địa phương. Đây là một ví dụ cho thấy hiệu quả của chủ trương kiểm soát tải trọng xe của Chính phủ đang được triển khai hết sức tích cực.

Xét thấy hiệu quả của phương thức vận tải sông biển đã áp dụng với Quảng Ninh đến Quảng Bình, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN, Cục Hàng hải VN, Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu và báo cáo Bộ trưởng GTVT cho phép công bố tuyến từ Quảng Bình đến Bình Thuận và từ Bình Thuận đến Kiên Giang.

“Chúng tôi tin rằng 2 tuyến này cùng với tuyến Quảng Bình đến Quảng Ninh chắc chắn sẽ góp phần đắc lực vào chủ trương đa dạng hóa các phương thức vận tải để giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, đặc biệt là  hàng hóa xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Công nhấn mạnh. Để 2 tuyến này hoạt động có hiệu quả, Thứ trưởng giao Cục Đường thủy nội địa, Cục Hàng hải và Cục Đăng kiểm VN, các Sở GTVT chủ động tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích của các tuyến vận tải sông biển này, chủ động tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt chủ động tìm nguồn hàng cho các doanh nghiệp vận tải, đây là yếu tố rất quan trọng, sau này khi các tuyến đã đi vào hoạt động một cách thường xuyên thì lúc đó các chủ hàng và người vận tải sẽ chủ động tự tìm đến nhau mà không cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng trước mắt, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các Cảng vụ, Sở GTVT cần chủ động giúp đỡ chủ hàng, giúp đỡ người vận tải để có sự kết nối nhằm nâng cao năng lực của các tuyến vận tải này.

Đối với các doanh nghiệp vận tải biển thì trước mắt các tuyến vận tải sông biển này chưa ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải biển. Tuy nhiên về lâu dài thì đây sẽ là mối đe dọa đối với các doanh nghiệp vận tải biển, vì vậy các doanh nghiệp vận tải biển cũng cần phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí, tiêu hao nhiên liệu để giảm giá thành vận tải để cạnh tranh được với tuyến vận tải sông biển này.

“Giá cước càng thấp thì chúng ta càng lợi. Nhà nước lợi, nhân dân lợi, hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn. Ai đó nói rằng, mở tuyến vận tải sông biển kết nối từ Bắc vào Nam thì sẽ ảnh hưởng đến vận tải biển thì tôi không đồng tình. Trước mắt không ảnh hưởng, sắp tới có ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng tốt. Các doanh nghiệp vận tải biển phải tự đổi mới mình để cạnh tranh với các doanh nghiệp sông pha biển. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, cạnh tranh càng mạnh mẽ, càng bình đẳng thì nhân dân được lợi, nhà nước được lợi”, Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu trong thời gian tới, cứ một tháng các Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ Hàng hải chủ động báo cáo về kết quả triển khai đề án này, về lượng hàng hóa thông qua, đồng thời kịp thời giải quyết ngay những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp. Nếu vượt thẩm quyền báo cáo Bộ giải quyết.

Theo số liệu thống kê của Cục Đường thủy nội địa VN, đến hết tháng 9/2014 thẩm định số lượng tàu VR-SB cả nước có khoảng 240 phương tiện, Cục Đăng kiểm VN cấp hồ sơ đăng ký kỹ thuật  170 phương tiện (tàu hàng khô 115 chiếc, tàu dầu, tàu chở bùn, tàu kéo và tàu đặt cẩu 93 chiếc, tàu khách 10 chiếc), số lượng phương tiện đang kiểm tra 40 chiếc. Đối với công tác đào tạo cho thuyền viên điều khiển phương tiện đi ven biển đến nay Cục Đường thủy nội địa VN đã tổ chức được 3 khóa đào tạo với 143 học viên được cấp chứng chỉ chuyên môn đặc biệt, đảm bảo điều kiện điều khiển phương tiện SB đi ven biển. Các lớp đào tạo cho thuyền viên điều khiển phương tiện đi ven biển được hai trường Cao đẳng nghề GTVT I và II mở thường xuyên tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam.

Duy Lợi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.