Da LAB, một trong những tên tuổi Underground ghi dấu ấn đậm nét với công chúng |
Những lầm tưởng lâu năm
Trước nay, Underground (dòng nhạc “ngầm”, không chính thống, tách biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng) thường hiện ra trong con mắt số đông với nhiều định kiến lệch lạc. Hiểu lầm lớn nhất là việc coi Underground như một dòng nhạc cụ thể, dù thực chất, phải hiểu nó như một phong cách trình diễn, cách các nghệ sĩ sáng tác và cống hiến sản phẩm tới khán giả. Khác rất xa giới Mainstream (chính thống): Không phát hành CD, không chạy viral quảng cáo, không tổ chức liveshow hoành tráng. Tất cả hoạt động diễn ra âm thầm, đúng như yếu tố “ngầm” trong cái tên gốc.
Theo đó, sống với tư cách là thế giới ngầm, giới Underground vẫn thường bị coi là chỉ có Rap, Hiphop và RnB. Nguyên nhân là bởi phần lớn người đặt nền móng cho cộng đồng “nhạc ngầm” là các rapper như: Phong Lê, LK, Wowy… chịu ảnh hưởng của trào lưu văn hóa đường phố Mỹ. Mãi cho tới khi hàng loạt các gương mặt Underground khác khai phá những thể loại ballad (Da LAB, Uyên Pím), acoustic (Ngọt, Marzuz), định kiến này mới mất.
Và cũng bởi thế, Underground thi thoảng chịu tiếng oan là dòng nhạc bẩn, dung tục. Căn nguyên cũng từ thời kì phát sinh, cộng đồng này quy tụ phần nhiều những giọng ca sống phóng khoáng, đậm chất giang hồ. Bên cạnh những tự sự chân thực về đời, tiền, tình, nhạc Underground còn liên tục nổ ra những cuộc rap battle (dùng nhạc công kích nhau) với vần vè, ca từ trần trụi. Rapper Đen Vâu, chủ nhân bản hit Rủ nhau đi trốn khẳng định: “Đó chỉ là sự hiểu lầm, bởi rất nhiều người trong Underground vẫn sáng tác một cách nghiêm túc với lời nhạc đầy cảm xúc và ý nghĩa”.
Cây đũa thần internet
Có thể nói, yếu tố tạo ra sự bùng nổ của Underground như hiện tại là nhờ internet, hay cụ thể hơn là mạng xã hội. Các địa chỉ như: Youtube, Sportify, Itunes, Soundcloud hay Zing Mp3 có điểm tương đồng: Vừa tạo ra không gian văn hóa riêng ở tầm cá nhân, vừa mở ra khả năng kết nối vô tận, vừa hoàn toàn miễn phí. Những yếu tố này lại ăn rơ với tính chất vận động của nhạc Underground. Các nghệ sĩ đề cao cái tôi, tìm kiếm một cộng đồng riêng nhưng không có điều kiện chơi lớn như nghệ sĩ chính thống. Sức lớn mạnh của Underground giống như trọng lực, mà internet là một cú hích cần thiết để tạo đà. Theo rapper Đen Vâu: “Có thể hiểu rằng internet, mạng xã hội đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Underground và Mainstream. Nhờ internet, nhạc của Underground đã có điều kiện phổ biến rộng khắp hơn. Nhiều khi chính những nghệ sĩ không chủ đích vươn ra bên ngoài, công cụ internet đã tình cờ giúp cho âm nhạc của họ trở nên lan tỏa hơn” .
Theo đó, những cuộc đổ bộ từ thế giới ngầm đều bắt đầu qua mạng xã hội. Youtube là nơi đánh dấu nhiều tên tuổi của giới Underground nổi lên, điển hình như Thu cuối của cặp đôi Yanbi & Mr.T năm 2012. Sau đó, hàng loạt các bản hit khác như: Forever Alone, Tình yêu màu nắng, Nóng trong năm 2013 cũng thông qua mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất hành tinh này. Để rồi với sự lớn mạnh của trang chia sẻ âm nhạc đám mây SoundCloud, những cái tên như: FB.Boiz, Da LAB, CAM, Vũ, Ngọt… lần lượt ghi dấu ấn với cộng đồng âm nhạc.
Thành công đi liền thách thức
Một làn sóng Underground đang thực sự vươn mình trong làng nhạc Việt, đánh dấu bằng nhiều cái tên, sản phẩm thành công vượt trội. Năm 2012 và 2013, các ca khúc hit của giới chính thống như: Tìm lại bầu trời (Tuấn Hưng), Quên cách yêu (Lương Bích Hữu), Chờ người nơi ấy (Uyên Linh) đều thúc thủ trước những Thu cuối, Forever Alone, Tình yêu màu nắng, Nóng. Trong những năm gần đây, các sản phẩm Underground như: Một nhà, Rủ nhau đi trốn, Tuý âm… đều đạt được lượng nghe/ xem trực tuyến hàng chục triệu, cả các ca sĩ chính thống cũng phải thèm muốn.
Ở khía cạnh khác, sân khấu Underground đang dần phình ra. Ban nhạc Ngọt gần đây đã đường hoàng chơi trên sân khấu 600 khán giả tại TP.HCM ngày 1/10, sau khi thực hiện liveshow 3.000 người xem tại Hà Nội 1 tuần trước đó. Hay Da LAB hồi tháng 7 cũng đã tạo ra màn trình diễn thu hút 2.500 khán giả. Các nghệ sĩ Underground thế hệ mới như Mr.T, Yanbi, Bigdaddy… dần áp đảo trong các sự kiện âm nhạc lớn hoặc lên truyền hình, sánh vai cùng giới ca sĩ chính thống.
Tuy nhiên, sự phát triển đi liền những thách thức không nhỏ. Thành viên Da Lab Nguyễn Trọng Đức chia sẻ, việc Underground đột ngột bước lên sân khấu lớn không phải dễ: “Nhiều bạn hát ở phòng thu, sân khấu nhỏ rất hay, nhưng bước lên sân khấu lớn thì thiếu hoàn toàn kinh nghiệm trình diễn, đeo cái tai nghe in-ear cũng khó”. Ngoài ra, Trọng Đức cũng nhấn mạnh vấn đề bản quyền: “Nếu làm chơi thì không sao, nhưng khi ca khúc đã nổi tiếng, được nhiều người nghe sẽ có nhiều bên lấy lại để sử dụng. Vấn đề bản quyền ở Việt Nam chưa được như các nước phát triển. Lúc ấy, tự mình phải có ý thức bảo vệ âm nhạc của mình”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận