Hạ tầng

Đá gia tải nền cao tốc có thể bẻ vụn bằng tay: Cơ quan chức năng nói gì?

06/10/2020, 18:07

Tại gói thầu XL-11 của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận xuất hiện tình trạng đá gia tải nền đường có thể dùng tay bẻ vỡ vụn.

img
Vật liệu đá dùng để gia tải xử lý nền đất yếu tại gói thầu XL-11 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: TC

Vừa qua, trên một số phương tiện truyền thông phản ánh, tại gói thầu XL-11 của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận xuất hiện tình trạng đá gia tải nền đường có thể dùng tay bẻ vỡ vụn. Từ đó, dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác định, kiểm tra, đối chiếu với thiết kế thi công của dự án xem việc sử dụng vật liệu tại gói thầu có trái với thiết kế đã được duyệt ban đầu.

Liên quan đến vấn đề này, chiều nay (6/10), trao đổi với Báo Giao thông, ông Đinh Mạnh Đức - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, theo hồ sơ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật được Bộ GTVT thẩm định, vật liệu gia tải nền đất yếu có thể là cát, đất, đá hoặc vật liệu khác và không yêu cầu về chất lượng chịu lực.

“Dùng vật liệu phục vụ gia tải xử lý nền đất yếu chỉ nhằm mục đích tạo ra tải trọng để ép nước trong vùng đất yếu ra ngoài. Sau khi gia tải xong, nhà thầu sẽ phải dỡ tải và chuyển vật liệu gia tải ra nơi khác để đổ thải. Do đó, không có quy định nào yêu cầu về chất lượng vật liệu gia tải, miễn là vật liệu đó tạo ra tải trọng nên nhà thầu có thể dùng cát, đất hoặc đá để gia tải xử lý nền đất yếu”, ông Đức khẳng định và cho biết, chỉ khi nào nguồn vật liệu được đưa vào thi công lớp kết cấu áo đường mới phải kiểm tra, đánh giá theo chỉ dẫn kỹ thuật, vật liệu đảm bảo chất lượng mới đưa vào sử dụng.

“Qua theo dõi của chúng tôi, nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo chất lượng các hạng mục thi công của công trình”, ông Đức nói thêm.

Đồng quan điểm, PGS.TS.Trần Chủng, nguyên Cục trưởng, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, vật liệu dùng để gia tải có thể là đất, cát, đá, hay bất kỳ vật liệu nào miễn việc gia tải ấy thực hiện theo trình tự từng lớp, từng đợt, thời gian gia tải và liên tục theo dõi độ lún của toàn bộ nền đất yếu đang xử lý.

Đối với vật liệu gia tải, không có quy định bắt buộc về vật liệu, miễn là tạo ra tải trọng phù hợp để gây ra áp lực xuống lòng đất làm cho nước trong vùng đất yếu thoát ra ngoài để đạt được độ cố kết theo yêu cầu của chỉ dẫn kỹ thuật”, ông Chủng nhấn mạnh.

Được biết, dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km (TMĐT: 12.500 tỷ đồng). Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự kiến, dự án sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.