Xã hội

17,5 nghìn tỷ đồng đã đến tay người bị ảnh hưởng dịch Covid-19

02/06/2020, 18:43

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã hỗ trợ 17,5 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng ảnh hưởng dịch Covid-19.

img
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Chiều 2/6, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo thông tin về kết quả phiên họp Chính phủ tháng 5.

Tại buổi họp báo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến thời điểm hiện tại tổng số tiền chi hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 17,5 nghìn tỷ đồng.

"Các địa phương đều triển khai mở rộng hơn Nghị quyết 42 của chính phủ, ưu tiên những đối tượng thuộc diện chính sách. Nhiều tỉnh thành làm rất tốt việc này. Hiện nay đang tập trung chi trả cho các đối tượng công nhân lao động mất việc", ông Dũng cho hay.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, xác định việc sớm kiềm chế được dịch bệnh là cơ hội rất quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế.

Trong tháng 5, Chính phủ, Thủ tướng đã tổ chức cuộc họp và làm việc với các tỉnh, thành phố để cùng với các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều tỉnh, thành phố đều có quyết tâm rất cao trong phát triển, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020.

Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tuy còn ở mức thấp, đặc biệt là sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng cao hơn nhiều so với tháng 4, tới 11,2%. Bên cạnh các ngành bị tác động mạnh như ôtô, điện tử, dệt may, da giày thì cũng có những ngành tăng khá như thực phẩm tăng 3,3%, hóa chất tăng 9,1%. Như vậy, theo Bộ trưởng, vẫn có những lĩnh vực có thể tập trung đầu tư và khôi phục sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng cải thiện hơn. Dù tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 1,7%, nhưng riêng tháng 5 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với đà giảm rất sâu của tháng 4.

Cùng với đó, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản đã trở về trạng thái bình thường. Hầu hết dự án, công trình được triển khai đúng tiến độ, một số dự án quan trọng đã được chỉ đạo quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ (vốn đầu tư thực hiện 5 tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 15,6% so với cùng kỳ; đạt 24,9% kế hoạch năm).

Các hãng hàng không đã khai thác trở lại các chặng bay nội địa như thời điểm trước khi có dịch, vận tải đường bộ thuận lợi hơn sau nới lỏng cách ly. Hoạt động du lịch hướng tới thị trường nội địa với các gói sản phẩm ưu đãi để đảm bảo nhu cầu du lịch của người dân và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh trong 4 tháng đầu năm là rất lớn, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng các chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp tháng 4 ở mức thấp nên chưa thể lạc quan ngay với tình hình đăng ký doanh nghiệp có tăng trưởng trong tháng 5.

Cùng với đó, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua như áp lực về tăng chỉ số giá (đặc biệt trong bối cảnh giá thịt lợn chưa giảm, giá dầu có tín hiệu phục hồi). Các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thương mại vẫn còn tồn tại do dịch bệnh. Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) đạt thấp...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.