Hạ tầng

Đà Nẵng có thể có tàu điện ngầm, xe điện

13/10/2017, 10:15

Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung trao đổi với Báo Giao thông về chiến lược phát triển giao thông TP biển.

15

Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung nhấn mạnh: Thành phố tập trung các nguồn lực phát triển, nâng tầm kết cấu hạ tầng giao thông Đà Nẵng theo hướng hiện đại, văn minh, tiện ích.

Xin ông đánh giá những kết quả nổi bật về phát triển hạ tầng giao thông kết nối Đà Nẵng thời gian qua?

Đà Nẵng luôn xác định hạ tầng đô thị nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng là khâu đột phá tạo động lực phát triển KT-XH của thành phố nhanh, bền vững. Trên cơ sở này, và bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố, Bộ GTVT, ngành GTVT Đà Nẵng đã tổ chức thực hiện có kết quả các quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại; góp phần mở rộng không gian đô thị, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo thành phố theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều công trình giao thông được xây dựng đã trở thành biểu tượng của Đà Nẵng, như: cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước, nút giao thông khác mức Ngã ba Huế.

Về đường bộ, đến nay thành phố có gần 1.300km (trong đó, gần 1.000km đường đô thị), hầu hết là đường bê tông nhựa, đồng bộ hệ thống điện nước, cây xanh; 70 cầu (>=25m, tổng chiều dài gần 15km) với đủ loại kết cấu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ và thành thương hiệu cho Đà Nẵng (như vòm thép, cầu dây văng, dây võng, cầu quay…). Đáng kể, nhiều công trình trọng điểm hoàn thành, đưa vào khai thác: cầu vượt Ngã ba Huế, đường Võ Chí Công và đường vành đai phía Nam, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nút giao thông phía Tây cầu sông Hàn… Cùng với việc đầu tư phát triển các tuyến đường đô thị, hệ thống giao thông nông thôn và kiệt hẻm được phát triển.

Thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục kết nối đoạn cao tốc La Sơn -Túy Loan), đường vành đai phía Nam (giai đoạn 2), đường vành đai phía Tây (đoạn còn lại), mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân; nút giao thông ngầm Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ - Lê Độ…

Thành phố đang tích cực chuẩn bị các bước sớm khởi động dự án Di dời ga đường sắt ra khởi trung tâm thành phố, xây dựng ga đường sắt mới và tái phát triển đô thị tại khu vực ga cũ. Nổi bật lĩnh vực hàng không: Đà Nẵng đưa vào vận hành Nhà ga HK quốc tế với công suất tiếp nhận 6 triệu lượt khách/năm, phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có cảng biển lớn nhất miền Trung với 1.493m cầu bến; hoàn thành chuyển đổi cảng sông Hàn thành cảng du lịch; mở rộng cảng Tiên Sa; nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu; và triển khai thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống GTVT thủy nội địa.

Sự phát triển giao thông Đà Nẵng những năm qua không chỉ thuần túy phát triển về GTVT địa phương mà còn củng cố vai trò đầu mối giao thông quan trọng, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị, phát lộ ra nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và cả những thay đổi về đời sống văn hóa tinh thần cho các cộng đồng dân cư.

14

Cầu vượt Ngã ba Huế - điển hình đầu tư BT của nhà đầu tư Trung Nam Group

Áp lực giao thông đô thị đang đặt ra những nguy cơ về nạn kẹt xe… Điều này được Đà Nẵng khắc phục ra sao, thưa ông?

Sở GTVT trình UBND ban hành kế hoạch triển khai theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông thành phố đến năm 2020. Theo đó, đồng bộ giải pháp từ ý thức đến hạ tầng, quản lý, phân luồng, tổ chức giao thông (30 tuyến đường cấm đỗ ngày chẵn - lẽ, 6 tuyến đường 1 chiều), phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Hiện, Đà Nẵng có 13 tuyến xe buýt, trong đó có 5 tuyến xe buýt trợ giá đang vận động CBCNVC, người dân hưởng ứng; Ngoài ra, thành phố đang xúc tiến đầu tư thêm 6 tuyến xe buýt trợ giá để đưa vào vận hành dự kiến đầu năm 2018 và xúc tiến triển khai hợp phần phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT) thuộc Dự án phát triển bền vững, dự kiến hoàn thành năm 2018. Các đề án kiểm soát phương tiện cá nhân; Triển khai quy hoạch điều chỉnh hệ thống giao thông tĩnh thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt gồm 2 bến xe khách liên tỉnh, 5 bến xe vận tải, 167 vị trí các bãi đỗ xe trên địa bàn các quận, huyện.

Đà Nẵng có 17 bãi đỗ xe đã được đầu tư, và đang nghiên cứu đầu tư 4 bãi đỗ xe tại khu vực trung tâm, gồm: 3 bãi đỗ xe nổi lắp ghép, 1 bãi đỗ xe ngầm… Dự kiến đầu năm 2018, khởi công bãi đỗ xe nổi lắp ghép tại đường Phan Chu Trinh.

Nhiều địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư giao thông, theo ông, đâu là kinh nghiệm đặt ra với Đà Nẵng để tháo gỡ khó khăn này?

Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, Đà Nẵng tập trung các giải pháp để thu hút nguồn lực xã hội, nguồn vốn tư nhân nhằm đảm bảo kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Thống kê từ năm 2009 đến nay, Sở GTVT đã triển khai 8 dự án và kêu gọi đầu tư 1 dự án theo hình thức hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư  trên 4.560 tỷ đồng. Trong đó, đã thi công hoàn thành 5 dự án có tổng mức đầu tư 2.539 tỷ đồng và đang triển khai 3 dự án có tổng mức đầu tư 1.471 tỷ đồng. Có thể nói, chính việc thu hút đầu tư đồng bộ, bền vững theo hướng văn minh, hiện đại, hạ tầng giao thông thành phố góp phần hình hài một đô thị lớn của cả nước.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư xã hội, các dự án BT, PPP chưa đáp ứng kỳ vọng do bối cảnh khung pháp lý; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư xã hội cần nhiều thời gian hơn so với đầu tư từ vốn ngân sách… các khó khăn, vướng mắc về bố trí vốn, hoàn vốn.

Đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn thành phố, việc thanh toán dự án được xác định trên cơ sở giá trị quỹ đất để hoàn vốn theo nguyên tắc ngang giá. Giá trị dự án BT xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; giá trị quỹ đất thanh toán xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đà Nẵng thực hiện nhất quán chủ trương tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều có có cơ hội đầu tư phát triển trên cơ sở bảo đảm các quy định, quy trình của pháp luật, vận dụng phù hợp với điều kiện thành phố, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục, không ngừng cải thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ngoài ra, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều phương thức đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông như “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông đô thị; phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”.

Ông có thể chia sẻ định hướng phát triển hạ tầng giao thông Đà Nẵng thời gian tới ?

Thành phố ưu tiên ban hành cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư và huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư đối với các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm; tiếp tục phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại. Hiện đại hóa việc quản lý giao thông đô thị thông minh; Phát triển giao thông vận tải công cộng gồm hệ thống xe buýt thường và xe buýt nhanh (BRT); Đồng thời, nghiên cứu phát triển các loại hình vận tải khối lượng lớn khác như tàu điện ngầm (Metro), xe điện bánh sắt (Tramway).

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.