Hạ tầng

Đà Nẵng: Đầu tư hàng loạt nút giao hiện đại kéo giảm ùn tắc

05/12/2017, 06:46

Các công trình giao thông cầu vượt, hầm chui tại các nút giao trên địa bàn Đà Nẵng góp phần giảm ùn tắc.

8

Hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương vận hành hiệu quả, góp phần xóa ùn tắc

Hết ùn tắc

Chỉ hơn 1 tháng đưa vào vận hành hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đang phát huy hiệu quả lớn, giao thông thông thoáng khác hẳn cảnh ùn ứ, xung đột phương tiện thường thấy trước đây. Đây là công trình khác mức thứ ba sau cầu vượt Ngã ba Huế, hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn được Đà Nẵng triển khai, đưa vào sử dụng những năm vừa qua.

Ghi nhận của PV, dù đang giờ cao điểm nhưng tại các nút giao này việc lưu thông thuận lợi. 17h mỗi ngày, dòng người tấp nập đổ về nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nhưng không còn cảnh ùn tắc. Sau vài chục giây dừng đèn đỏ trước ngã tư Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ, anh Trương Thanh Bình (38 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đánh nhẹ tay lái ô tô 4 chỗ về hướng đường Điện Biên Phủ trong làn đường thông thoáng.

Mới đây, tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 11 tổ chức đầu tháng 12/2017, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, các giải pháp giảm áp lực giao thông đô thị là một trong những việc cần làm ngay trong năm bản lề 2018.

Theo đó, Bí thư Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị cần nâng cao hiệu quả các tuyến xe buýt trợ giá, nghiên cứu kỹ các phương án cải tạo nút giao thông tại 2 nút giao cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng, đầu tư bãi xe tạm, nhà đỗ xe lắp ghép tại khu vực có nhu cầu đậu đỗ lớn, trung tâm thành phố. Năm 2018, Đà Nẵng xác định là năm đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó hạ tầng giao thông là một trong những tiền đề quan trọng cần tiếp tục phát triển đồng bộ, hiện đại…

“Từ 1 tháng nay, khi hầm chui đưa vào sử dụng, mỗi lần đi lại trong giờ cao điểm thoải mái hẳn. Không cần phải chen lấn, nhích từng tí như trước. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa đỡ nỗi lo TNGT”, anh Bình phấn khởi.

Từ hướng đường Lê Duẩn, Lý Thái Tổ, các dòng phương tiện thẳng tiến qua hầm chui về đường Điện Biên Phủ thuận lợi. Các hướng rẽ từ đó về đường Lê Độ, Nguyễn Tri Phương và ngược lại cũng nhịp nhàng, thông thoáng bởi các hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Đường vào sân bay cũng trở nên rộng rãi, thoáng đãng.

Một vài thời điểm, lực lượng CSGT túc trực làm nhiệm vụ điều tiết giao thông nhưng không còn căng sức để phân làn, hướng dẫn giao thông như trước. Theo Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng, nút giao thông khác mức Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương đang hoạt động rất hiệu quả, giúp giải tỏa ùn tắc. “Trước đây, vào giờ cao điểm, lực lượng CSGT của phòng phải phối hợp với CSGT quận Thanh Khê điều tiết giao thông. Nhưng hiện nay, vị trí nút giao ổn thỏa nên giao lại cho Công an quận Thanh Khê. Nhờ đó, Phòng CSGT tiết giảm được lực lượng làm nhiệm vụ ở các vị trí này giờ cao điểm, có thời gian để bố trí các cán bộ, chiến sĩ làm việc khác hiệu quả hơn”, Đại tá Ngọc nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng, các công trình cầu vượt, hầm chui trên địa bàn đã giải được “bài toán” ùn tắc giờ cao điểm. Việc đi lại của các phương tiện trong khu vực nút giao rất nền nếp, xung đột của các dòng phương tiện không còn nữa, TNGT cũng sẽ được hạn chế tối đa.

Nâng tầm giao thông đô thị

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT thành phố, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT Đà Nẵng cho hay, các nút giao khác mức đưa vào khai thác góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đồng thời, từng bước hoàn thiện và tạo cơ sở hạ tầng tốt. Hơn nữa, nút giao thông này sẽ giảm xung đột giao thông khi tuyến buýt nhanh BRT đưa vào hoạt động với 1 làn riêng.

Ngoài các công trình giao thông khác mức đã đầu tư hoàn thành, theo quy hoạch giao thông Đà Nẵng, thành phố đang nghiên cứu các phương án đầu tư, cải tạo các nút giao thông trọng điểm khác như: Nút giao thông phía Tây cầu Rồng, nút giao đường Duy Tân và đường 2/9, nút giao phía Tây cầu Tiên Sơn, nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành…

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, những năm gần đây, mật độ phương tiện ở Đà Nẵng tăng rõ rệt. Thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng, hiện nay số lượng xe máy đăng ký tại Phòng lên đến 844.000 xe, ô tô 69.000 xe. Áp lực phương tiện lưu thông đổ dồn các khu vực trung tâm khiến các nút giao trên luôn bị quá tải, dễ xuất hiện tình trạng ùn ứ, tạo điểm nghẽn.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Đà Nẵng cho hay, tới đây sẽ có nhiều phương án được tính đến để làm cầu vượt, hầm chui, cải tạo nút giao để đồng bộ hạ tầng giao thông hiện đại, nâng tầm đô thị thành phố. Đáng kể, thành phố đang lấy ý kiến triển khai dự án nút giao thông 3 tầng phía Tây cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu).

Theo phương án này, tầng trên cùng là cầu vượt thép dài 203m băng qua đường 2/9, tầng mặt đất là vòng xoay, tầng dưới cùng là hầm chui từ đường Duy Tân qua nút Duy Tân - Núi Thành và nút Duy Tân - Bạch Đằng nối dài (750m).

Theo ông Trung, cùng với hạ tầng giao thông, Đà Nẵng đang phát triển mạnh, đồng bộ mạng lưới vận tải khách công cộng qua các loại xe buýt chất lượng cao, buýt nhanh BRT. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ để tra cứu, đặt lịch trình xe buýt qua hệ thống điện thoại thông minh, thiết bị cầm tay, tin nhắn Zalo… nhằm từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, giảm áp lực mật độ phương tiện lưu thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.