Xã hội

Đà Nẵng đối mặt kẹt xe ở nhiều nút giao

16/04/2018, 08:06

Hàng chục nút giao cùng mức được cải tạo, mở rộng, lắp đặt đèn tín hiệu góp phần hạn chế ùn ứ giao thông.

8

Nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý thường ùn tắc trong giờ cao điểm

Tuy nhiên, tại các nút giao phía Tây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… khu vực trung tâm Đà Nẵng đang hiện hữu nguy cơ ùn tắc, cần cấp thiết có giải pháp xử lý hiệu quả, với nhiều ý kiến thiên về đầu tư nút giao khác mức…

“Nóng” giờ cao điểm

Ghi nhận của PV những ngày trung tuần tháng 4/2018, giờ tan tầm buổi chiều, nút giao phía Tây cầu Rồng ken đặc dòng phương tiện, mọi người phải nhích từng chút để di chuyển. Dù có lực lượng CSGT thường xuyên túc trục phân luồng, cùng hai hệ thống đèn tín hiệu đặt cách nhau vài chục mét để điều tiết giao thông, nhưng nhiều phương tiện phải mất cả chục phút mới có thể di chuyển ra khỏi “điểm nóng” ùn ứ này. Trên thực tế, nút giao phía Tây cầu Rồng kết nối đến 7 con đường là: Nguyễn Văn Linh, cầu Rồng, 2 Tháng 9, Trần Phú, Bạch Đằng và Trưng Nữ Vương.

Anh Đỗ Lĩnh (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng), thường xuyên điều khiển ô tô 7 chỗ khi đi làm trên đường Nguyễn Văn Linh chia sẻ: “So với mấy năm trước, lượng xe ở Đà Nẵng giờ tăng lên rất nhiều. Hồi cầu Rồng mới khánh thành, đi qua nút giao này khỏe lắm. Còn giờ vào lúc cao điểm liên tục ùn ứ”.

"Đà Nẵng cần nghiên cứu lộ trình cắt giảm phương tiện giao thông cá nhân, sớm công bố để có kế hoạch thực hiện đồng bộ với khả năng đáp ứng các tiện ích giao thông công cộng cho người dân. Về lâu dài, có kế hoạch quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống vận tải công cộng có sức chở lớn như: Tàu điện ngầm, xe điện, tàu điện trên không hay xe buýt nhanh”.

TS. KTS Tô Văn Hùng

Tương tự, tại nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý vào những giờ cao điểm 17h-19h cũng tấp nập phương tiện. Lượng ô tô từ phía đường Duy Tân, trên cầu Trần Thị Lý và 2 đầu đường 2 Tháng 9 đổ về khiến giao thông phía này khá ách tắc. Mặc dù nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý từ lâu đã được vận hành theo hình thức vòng xuyến nhưng lượng phương tiện quá lớn đổ về khiến giao thông ở đây liên tục đứng trước nguy cơ “vỡ trận” giờ cao điểm.

Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT (Công an TP Đà Nẵng) lý giải: “Trong khi hạ tầng giao thông ít được mở rộng, lượng phương tiện lại tăng đến chóng mặt. Đến nay, số lượng xe máy đăng ký tại phòng đã lên đến 850.000 xe, ô tô là 72.500. Tính từ thời điểm cuối năm 2017 đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 1.000 ô tô đến đăng ký. Dự báo con số này sẽ còn tăng lên nhanh hơn trong năm 2018, khiến áp lực giao thông thêm trầm trọng, nguy cơ ùn tắc khu vực nội thị, trung tâm Đà Nẵng đã dần hiện hữu”.

TS. KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng cũng cho rằng, với việc gia tăng lượng phương tiện quá nhanh, ùn tắc là nguy cơ lớn mà thành phố phải đối mặt. Ùn tắc giao thông, kẹt xe, thiếu chỗ đậu đỗ xe… không còn là câu chuyện của tương lai mà đã và đang hiện hữu.

“Trước đây, Đà Nẵng chỉ xuất hiện vài điểm ùn tắc cục bộ, nay có xu hướng lan trên hầu hết các tuyến đường chính tại khu vực trung tâm thành phố, tuyến đường cảnh quan ven biển phía Đông thành phố một cách thường xuyên vào các cung giờ cao điểm, những ngày cuối tuần”, ông Hùng nói.

Cấp thiết đầu tư nút giao thông

Theo các chuyên gia, rút kinh nghiệm từ vấn nạn vỡ trận giao thông, tắc đường ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng cần cấp thiết có giải pháp tổng thể chống ùn tắc, đảm bảo lưu thông trên địa bàn. Mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát lại tổ chức giao thông ở các nút giao chính, nút giao khác mức (đã đầu tư, đưa vào khai thác: Phía Tây cầu Sông Hàn, nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương); đồng thời, nghiên cứu các giải pháp chống ùn tắc, giảm TNGT.

Ông Nghĩa cũng yêu cầu triển khai giải pháp tổng thể giao thông thành phố và phương án thiết kế, cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý và nút giao phía Tây cầu Rồng; Nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn gắn với quy hoạch logistics, quản lý giao thông thông minh, giao thông công cộng, quản lý đô thị, quỹ đất cho giao thông.

Lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, riêng năm 2017, Đà Nẵng đã hoàn thành cải tạo, lắp đặt đèn tín hiệu tại 15 nút giao trên địa bàn. Hàng loạt giải pháp mở rộng hay thu hẹp khu vực nút giao, đường tiếp cận, mở thêm các lối rẽ không cần đèn điều khiển… đã đem lại hiệu quả thiết thực, giảm thời gian phương tiện lưu thông qua nút, hạn chế ùn ứ giao thông.

Riêng hai nút phía Tây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý (đường Duy Tân và đường 2/9), cầu Tuyên Sơn… ngay từ tháng 10/2017, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp nghiên cứu, lựa chọn phương án tối ưu cải tạo nút giao, báo cáo tại kỳ họp HĐND thành phố, dự kiến diễn ra vào tháng 7/2018. Theo Sở GTVT Đà Nẵng, với nút cầu Rồng, các đơn vị tư vấn đã đề xuất 3 phương án, trong đó có 2 phương án khác mức (hầm chui) và 1 phương án giao thông cùng mức di chuyển theo hình xuyến mở rộng và cải tạo cảnh quan. Không chỉ đảm bảo vấn đề giao thông, các phương án tính đến tổng thể yếu tố cảnh quan đô thị, mặt nước, di tích, văn hóa… So sánh tài chính, phương án cùng mức có tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng (xây dựng 20 tỷ đồng, GPMB 1.077 tỷ đồng), nhưng các phương án hầm chui chỉ trên dưới 250 tỷ đồng.

Với nút giao thông Duy Tân - đường 2 Tháng 9, hiện Đà Nẵng ghi nhận 8 ý kiến tham gia. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất làm cầu vượt đường 2 Tháng 9 và hầm chui hướng đường Duy Tân. Lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho biết đang lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà hoạch định và phổ biến trên mạng xã hội facebook, các trang web chuyên ngành; tổng hợp để trình UBND xem xét, quyết định. Theo các chuyên gia giao thông, việc cải tạo nút giao này nên áp dụng theo phương pháp hầm chui sẽ giúp giảm thiểu chi phí giải tỏa đền bù, đồng thời không phá vỡ cảnh quan chung hiện có.

TS. KTS Tô Văn Hùng cho hay, đối với các nút giao thông phức tạp như nút giao phía Tây cầu Rồng, phía Tây cầu Trần Thị Lý, giải pháp hiện nay đang được triển khai là phân luồng giao thông, điều hòa lưu lượng giao thông đảm bảo phân tán đồng đều qua các trục kết nối 2 bờ Đông - Tây. Kế đến là cải tạo các nút giao thông này thành nút giao nhau khác mức theo hình thức nút giao liên thông.

Về giải pháp thực hiện, theo ông Hùng hoàn toàn phụ thuộc vào phương án phân luồng tại nút, giảm thiểu tối đa giao cắt tại tuyến, nên có thể là làm hầm chui, cầu vượt hay có thể kết hợp cả hai hình thức nêu trên. Nhiều địa phương áp dụng hình thức cầu vượt bằng kết cấu thép bảo đảm thời gian thi công nhanh cũng cần được tham khảo ứng dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.