Bạn cần biết

Đà Nẵng: Khách thoải mái xài nhà vệ sinh “5 sao” miễn phí

18/11/2017, 07:45

300 nhà vệ sinh sạch đẹp sẵn sàng đón khách "lỡ độ đường" mà không đòi hỏi một đồng tiền phí nào

7

Nhiều nhà hàng, khách sạn hưởng ứng mô hình nhà vệ sinh miễn phí “Thoải mái như ở nhà”

Thoải mái chọn nhà vệ sinh, vô tư như ở nhà

Đang trên đường Bạch Đằng về phía cầu Thuận Phước, anh Hiếu (du khách Hà Nội) ra hiệu để tài xế taxi tấp vào khách sạn Happy Day (160 Bạch Đằng) “giải quyết nỗi buồn” trước khi tiếp tục hành trình. Theo anh Hiếu, lâu nay nghe về ứng dụng “Thoải mái như ở nhà” nên cài sẵn vào điện thoại, để tra cứu nhà vệ sinh công cộng xã hội hóa khi cần.

Trên màn hình điện thoại của anh Hiếu hiện nhiều điểm hướng dẫn nhà vệ sinh đầy tiện ích. Dọc tuyến đường trung tâm như Trần Phú, Hùng Vương, Lê Duẩn, Phan Chu Trinh… ngày càng có thêm nhiều logo gắn bảng chỉ dẫn nhà vệ sinh cộng đồng cho người dân, du khách. Điểm dễ nhận biết các nhà vệ sinh cộng đồng là logo tròn in hình mặt cười 2 màu trắng xanh với dòng chữ “Thoải mái như ở nhà” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh (Comfort as home) được dán ngay tại các biển tên nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, ngân hàng, hay dưới các bảng số nhà…

"Khi được Đà Nẵng chấp nhận thành lập Ban quản lý dự án “Comfort as home”, chúng tôi sẽ vận động và nhân rộng mô hình này để “phủ sóng” toàn bộ địa bàn thành phố. Chúng tôi kiến nghị Đà Nẵng nên ban hành quy định cụ thể chỉ xem xét cấp phép xây dựng và giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư mới khi họ tuân thủ việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, có trách nhiệm cộng đồng."

Ông Nguyễn Hồng Sơn
Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu (Đà Nẵng)

Ít phút đứng trước các khách sạn, nhà hàng này, PV chứng kiến một số khách ra vào nhưng không phải sử dụng dịch vụ của các đơn vị mà để “giải quyết nỗi buồn”. “Nhà vệ sinh lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho. Mọi người rất thân thiện, thoải mái. Chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng mô hình này đang là điểm cộng cho thành phố du lịch Đà Nẵng, ít nơi nào thực hiện được”, anh Nguyễn Minh Nam (45 tuổi, quê Hải Phòng vào Đà Nẵng du lịch) nói.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu (Đà Nẵng), người khởi xướng ý tưởng nhà vệ sinh công cộng xã hội hóa này cho biết, từ chỗ bỡ ngỡ, đến nay mô hình đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn và sự hài lòng của người dân, du khách. Theo ông Sơn, nhiều lần đưa đón người thân từ nước ngoài về chơi tại TP Đà Nẵng, khi tản bộ dọc sông Hàn, nhiều người trong đoàn phải rời đoàn sớm về khách sạn vì không có chỗ giải quyết “vấn đề khó nói”. Nhà vệ sinh công cộng hầu như không có, vào các hàng quán ven đường Bạch Đằng dễ gặp phải sự phản ứng của chủ nhà và tâm lý thiếu tự tin của người nhờ. “Tôi nghĩ sao mình không xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng. Nghĩ là làm, tôi bàn với Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh, đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu. Mọi người đồng thuận, bắt tay triển khai ngay”, ông Sơn kể.

Từ thời điểm xuất phát vào tháng 4/2015, lãnh đạo quận, Hội Doanh nghiệp Hải Châu chọn các khách sạn, nhà hàng “đạt chuẩn” để vận động tham gia. Chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn chục đơn vị hưởng ứng. Con số này tăng nhanh và đến nay toàn quận có hơn 100 điểm vệ sinh miễn phí.

“Đáng mừng hơn, nhiều quận khác là Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… trên địa bàn thành phố đã nhân rộng mô hình này, nâng tổng số nhà vệ sinh xã hội hóa của Đà Nẵng lên hơn 300 chiếc”, ông Lê Anh nói và cho hay, từ giữa năm 2016, dự án ra mắt ứng dụng “Thoải mái như ở nhà” được tích hợp trên smartphone với tính năng tìm kiếm nhà vệ sinh miễn phí, cùng nhiều tiện ích khác, hỗ trợ doanh nghiệp quản lý thông tin và nhận ý kiến đánh giá của người dùng.

Khách "đi nhờ" nhà vệ sinh sẽ thêm yêu thành phố

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hơn 2 năm triển khai, mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh mang lại hiệu quả tích cực: Tiết giảm chi phí đầu tư ngân sách nhưng đảm bảo cho người dân, du khách thoải mái giải quyết chuyện vệ sinh khi đi du lịch, dạo phố. Đặc biệt, qua mô hình này chuyển tải thông điệp về một Đà Nẵng văn minh, an toàn và cởi mở. Thống kê những năm gần đây, ngành du lịch TP Đà Nẵng đã có những bước đột phá rất đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng du lịch luôn ở mức cao. Chỉ riêng những tháng đầu năm 2017, du lịch Đà Nẵng đã đón trên 5,1 triệu lượt khách, bằng 22,7% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 81,7% kế hoạch năm 2017.

Ông Sơn cho rằng, lâu nay chúng ta hay lấy các tiêu chí giao thông, cao ốc, khách sạn… để so sánh sự phát triển của các đô thị nhưng lại quên mất một điều tưởng chừng bé nhỏ, “cộng trình phụ” đó là nhà vệ sinh công cộng. “Năm 2008, với dân số 4,5 triệu, Singapore đã có 29.500 nhà vệ sinh công cộng có chất lượng 5 sao, tương đương mức bình quân 152 người dân là có 1 nhà vệ sinh công cộng. Còn Đà Nẵng, dân số gần 1 triệu người nhưng chỉ có 20 nhà vệ sinh công cộng với tỷ lệ 50.000 người/nhà vệ sinh công cộng, chất lượng thường khá thấp. Thậm chí, nhiều khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài không dám bước vào. Đây là con số đáng báo động và trăn trở”, ông Sơn phân tích.

Đầu tư nhà vệ sinh công cộng cần nguồn lực ngân sách không nhỏ. Theo ông Sơn, mô hình tranh thủ nguồn lực xã hội, đồng thời kêu gọi sự chung tay, ủng hộ, “du lịch cộng đồng” đến các hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn. Ông Lê Anh cho rằng, đây là bài toán “hai bên cùng có lợi”, là cách tiếp thị thân thiện với chính các cơ sở kinh doanh. Mình tạo điều kiện cho khách du lịch với tinh thần thân thiện, thoải mái chắc chắn họ sẽ muốn quay lại và sẽ tuyên truyền cho người thân đến với Đà Nẵng và có thể tìm đến chính cơ sở kinh doanh của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.