Xã hội

Đà Nẵng quyết tâm và "Chính phủ hành động"

28/06/2022, 17:36

Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022 không chỉ cho thấy quyết tâm của Đà Nẵng mà còn thể hiện rõ tâm thế của một "Chính phủ hành động".

Sự "truyền lửa" kịp thời và hết sức quý giá

Tăng trưởng quý II/2022 là 12,37%, 11 dự án đầu tư nước ngoài FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,064 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2022… là những con số cho thấy Đà Nẵng đang trở thành địa chỉ đỏ của nhiều nhà đầu tư, đồng thời cũng là một trong những địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, dần lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022 (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, như thừa nhận của chính những người làm công tác xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng, hiện quy mô thu hút đầu tư của TP vẫn chỉ dừng ở mức "chim sẻ nhiều hơn đại bàng".

Để "đại bàng lót ổ" với những dự án lớn có tính chiến lược, các dự án trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế TP thì còn nhiều việc cần phải làm.

Kỳ vọng ấy cùng quan điểm "để thu hút được "đại bàng" đến đầu tư thì phải trực tiếp tiếp thị mình chứ không ngồi chờ họ tới"- là lý do thôi thúc Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức một Diễn đàn thu hút đầu tư quy mô lớn ngay sau khi cả nước vừa trở về trạng thái "bình thường mới".

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022 (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhưng, kỳ vọng là một chuyện, để biến kỳ vọng thành hiện thực lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Điều rất may mắn cho TP biển miền Trung này là TP đã nhận được sự "truyền lửa" kịp thời và hết sức quý giá.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong cuộc làm việc với Đà Nẵng tháng 12/2021 đã chỉ rõ: Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Thành phố chưa có nhiều doanh nghiệp lớn; có nhiều đổi mới sáng tạo nhưng đổi mới sáng tạo chưa thành động lực để kéo theo sự thay đổi căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội; thu hút FDI thấp, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn… Công tác quy hoạch, quản lý quy hạch còn những bất cập, phải cố gắng hơn.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, Đà Nẵng phải đẩy mạnh việc nghiên cứu, tìm ra động lực mới cho phát triển (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

"Trong bối cảnh diện tích hẹp, nguồn lực hạn chế, Đà Nẵng cần đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, lựa chọn trọng tâm trọng điểm, tìm ra động lực phát triển mới. Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo.

Phải vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, phấn đấu cao nhất để đạt được kết quả vượt trội" - Thủ tướng chỉ rõ.

Và gần một năm sau, tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc tới điểm mạnh nhất của Đà Nẵng, đó là sự vươn lên rất mạnh mẽ trên tất cả các mặt; thể hiện tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Người đứng đầu Chính phủ cũng đã gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp để Đà Nẵng đón đầu các làn sóng đầu tư, tạo bứt phá, động lực mới cho phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Thủ tướng cũng tin tưởng, Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 sẽ khởi nguồn cho những dòng chảy đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy Đà Nẵng phục hồi nhanh, phát triển bền vững trong thời gian tới.

Cũng lưu ý rằng, Đà Nẵng không là địa phương duy nhất được thúc đẩy, truyền cảm hứng phát triển. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, đổi mới, sáng tạo; khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức và quyết liệt, hiệu quả trong hành động vì lợi ích chung; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước… đã là thông điệp nhất quán của Thủ tướng dành cho các địa phương, với mong muốn thúc đẩy, truyền cảm hứng về tinh thần "tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình", không trông chờ, ỷ lại Trung ương, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể".

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đoàn kết, thống nhất, nếu giữ được đoàn kết thống nhất thì kết quả "không được lúc này cũng được lúc khác, không được người này thì được người khác, không được nhiều thì được ít", nhưng mất đoàn kết là mất tất cả. Nếu đoàn kết trên cơ sở tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của Nhân dân thì "không có gì khó, không có gì vướng, việc khó khăn đến mấy cũng giải quyết được".

Quyết liệt, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm

Thực ra không phải đến bây giờ, tinh thần chỉ đạo, điều hành quyết liệt và linh hoạt, dám nghĩ, dám làm của một Chính phủ hành động “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, mới được thể hiện rõ nét.

Ngay từ phiên họp Chính phủ triển khai công việc sau khi được kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào việc, tập trung xử lý công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh phô trương, hình thức.

Đúng với tinh thần "nói là làm", "hiệu quả và thực chất", Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, ngay từ năm đầu tiên 2021 dù khó khăn, chồng chất khó khăn, thậm chí được xem là năm khó khăn, thách thức nhất kể từ sau Đổi mới với những diễn biến chưa từng có tiền lệ, nhanh, phức tạp, khó lường, nhưng Chính phủ đã "vượt bão" ngoạn mục.

Từ những quyết sách chiến lược mang tính bước ngoặt trong cách tiếp cận vaccine, tiêm chủng, kiểm soát tốt dịch bệnh tới việc thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quyết liệt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, các đột phá chiến lược.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng ông Sandeep Mehta- Chủ tịch Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế bên lề Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022

"Phong cách điều hành thẳng thắn, cầu thị, quyết liệt, chân thành, thực tâm của Thủ tướng đã góp phần tăng thêm khả năng thuyết phục của các quyết sách được đưa ra" - chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận.

Tinh thần "quyết liệt, chân thành, thực tâm" ấy một lần nữa được thể hiện rất rõ nét qua những chia sẻ của Thủ tướng với các nhà đầu tư quốc tế tham dự Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng đã phân tích các tiềm năng, lợi thế để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nên đầu tư vào Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng: Việt Nam xác định phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân. Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nhất là 3 đột phá chiến lược về nhân lực, hạ tầng và thể chế.

img

Thủ tướng khảo sát quy hoạch tổng thể cảng Liên Chiểu và kết nối giao thông liên vùng giữa Đà Nẵng và khu vực (Ảnh: VGP)

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đang đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển KTXH; Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, Chính phủ Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi đối với mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh hợp pháp, chính đáng tại Việt Nam... đặc biệt là quan điểm "không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm nhưng đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chân chính trên thị trường vốn, thị trường bất động sản…" để các nhà đầu tư yên tâm.

Trên hết, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và Đà Nẵng trên tinh thần "chân thành, tin cậy và trách nhiệm", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", luôn "tự hào và vinh dự" khi lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư, thực hiện thật tốt những gì đã cam kết, "đã nói là làm, đã làm là hiệu quả", cùng nhau chiến thắng, cùng Việt Nam hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, huy động tối đa mọi nguồn lực, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2025, 2030, 2045 xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

"Chân thành, tin cậy và trách nhiệm", "đã nói là làm, đã làm là hiệu quả"… tinh thần ấy, sự quyết liệt, thực tâm ấy, như lời đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho thấy rõ một điều rằng: Chính phủ, Thủ tướng không ngần ngại trước bất cứ việc gì, tất cả vì mục tiêu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước và hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.