Hỏi - Đáp

Đã nhận án tử, Thọ sứt có phải ra tòa lần nữa?

18/09/2017, 18:21

Hai tử tù trốn trại có phải ra tòa nhận thêm tội danh hay đã nhận án tử rồi thì thôi không xử tiếp?

1505692168-150569212180095-tra-tam-giam

Luật sư cho biết, hai tử tù trốn trại sẽ tiếp tục bị đưa ra tòa xét xử tội "trốn khỏi nơi giam giữ".

Liên quan đến vụ việc hai tử tù trốn khỏi phòng biệt giam của trại T16 (Bộ Công an) vừa bị bắt lại, nhiều độc giả bày tỏ thắc mắc hai tử tù nói trên có bị đưa ra tòa xét xử một lần nữa hay không, bởi khung hình phạt chung đã là mức cao nhất: Tử hình?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật Chính Pháp cho biết, nếu bản án tử hình hai tử tù trên đã có hiệu lực, trong khi đang chờ thi hành án, mà hai tử tù này vẫn tiếp tục phạm những tội khác mà cụ thể ở đây là tội "trốn khỏi nơi giam giữ" thì vẫn bị đưa ra truy tố, xét xử như những vụ án khác. 

Sau khi đưa hai bị cáo ra tòa để xét xử, tòa án sẽ tổng hợp hình phạt với bản án tử hình trước đây cộng với một bản án của tội danh mới. Tổng hình phạt chung của hai bị cáo này sẽ là tử hình.

"Tóm lại, hai bị cáo sẽ phải chấp hành chung bản án tới đây và cơ quan thực thi pháp luật sẽ thi hành bản án đó", ông Cường nhấn mạnh.

Dư luận cũng đặt câu hỏi, trước vụ việc trên, hai tử tù có bị kéo dài thời gian thi hành án tử hình hay không?, luật sư Cường cho hay, với án tử hình, khi bị cáo có đơn xin ân giảm gửi tới Chủ tịch nước, sau khi xem xét, nếu Chủ tịch nước bác ân giảm, cơ quan chức năng sẽ thực thi bản án có hiệu lực. Trong trường hợp Chủ tịch nước vẫn chưa xem xét, chưa bác đơn xin ân giảm thì hai tử tù vẫn đang trong thời gian chờ.

"Trong vụ án này có thể thấy rõ, sau khi bị xét xử với tội danh mới và tòa sẽ đưa ra một bản án mới tổng hợp từ bản án cũ dành cho cả hai tử tù, hai người này lại được tiếp tục đề nghị ân giảm hoặc kháng cáo theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Cuối cùng, khi các trình tự trên đã hoàn tất mà vẫn đưa ra bản án cuối cùng là tử hình và Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm, lúc này hai bị cáo sẽ bị đưa ra thi hành án tử hình", ông Cường khẳng định.

Trước đó như Báo Giao thông đã đưa tin, rạng sáng 11/9, hai tử tù Nguyễn Văn Tình và Lê VănThọ đã lợi dụng sơ hở để phá cùm chân, đào tường, đu dây trốn khỏi buồng biệt giam số 3, khu D của trại giam T16 - Bộ Công an. Sau đó, các đối tượng mỗi người một ngả bỏ trốn.

Sau 6 ngày vào cuộc tích cực, chiều tối 16/9, cánh quân do Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự chỉ huy đã vây bắt thành công tử tù Thọ sứt ở Nam Sách, Hải Dương. Hơn 7 tiếng sau, Cục C47 - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hoà Bình cũng đã khống chế và vây bắt thành công tử tù còn lại là Nguyễn Văn Tình.

Theo hồ sơ, Thọ là đối tượng đang chấp hành án tù có thời hạn tại Trại giam Nam Hà - Bộ Công an. Trong thời gian chấp hành án, Lê Văn Thọ đã vi phạm quy định của Trại giam, gọi điện thuê và chỉ đạo những đối tượng ngoài xã hội thực hiện hành vi giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép chất ma túy.

Cụ thể, vào tháng 12/2014, Lê Văn Thọ gọi điện thuê Nguyễn Văn Dũng, Vũ Đình Thăng (ở Hải Dương) sử dụng súng bắn anh Trần Mạnh Tiến, anh Trần Quang Khanh (trú tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) khiến anh Tiến bị thiệt hại sức khỏe 33%. Một nạn nhân khác tên Cường bị thiệt hại sức khỏe 56%.

Tháng 5/2015, Thọ sứt tiếp tục điện thoại thuê Lê Quang Tuấn (ở Quảng Ninh) sử dụng mìn để giết anh Hoàng Quốc Đức và chị Lê Thu Hà (ở thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La). Tuy nhiên, Tuấn không làm theo ý định của Thọ.

Cũng trong thời điểm đó, Thọ điện thoại chỉ đạo Vũ Văn Dũng (ở Hải Dương) lừa đảo chiếm đoạt của Lê Văn Chín bằng hình thức bán cho Lê Văn Chín 6 bánh ma túy giả trị giá 1 tỷ 170 triệu đồng, Lê Văn Chín đã trả cho Lê Văn Thọ số tiền 280 triệu đồng.

Tháng 6/2015, Lê Văn Thọ tiếp tục điện thoại chỉ đạo Vũ Văn Thắng, Nguyễn Văn Cương (ở Hải Dương), Diệp Văn Duy mua bán trái phép 1,87kg Ketamine.

Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử Thọ sứt và các đối tượng liên quan trên, tất cả đều quanh co chối tội.

Thọ chỉ thừa nhận hành vi giết người ở thành phố Sơn La và thừa nhận một phần hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lê Văn Chín chứ không thừa nhận hành vi giết người ở Kiện Khê, huyện Thanh Liêm và hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội, vai trò, nhân thân cũng như các tình tiết tăng nặng, HĐXX đã tuyên án Lê Văn Thọ 20 năm tù do phạm tội giết người; 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Lê Văn Thọ phải chấp hành chung cho cả 3 tội là tử hình.

Trong khi đó, Nguyễn Văn Tình - tử tù thứ hai trốn khỏi biệt giam lần này chịu án tử vì liên quan đến một vụ án ma tuý lớn.

Tháng 12/2011, TAND huyện Quốc Oai tuyên phạt Tình 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đến ngày 10/5/2016, Tình bị bắt vì tội Mua bán trái phép chất ma túy và bị tạm giam tại trại giam T16 - Bộ Công an.

Theo cơ quan điều tra, Tình bị cáo buộc đồng phạm với trùm ma túy khét tiếng Nguyễn Thanh Tuân và Đặng Minh Châu (SN 1973, ở Lạng Sơn) mua bán trái phép 80 bánh heroin, có tổng trọng lượng bằng 28.240g.

Ngày 27/4, Đặng Minh Châu, Nguyễn Văn Tình cùng nhiều đàn em khác của Tuân bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử tội Mua bán trái phép chất ma túy. Tình và 7 bị cáo khác đã phải nhận án tử hình.

Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009)

Điều 311.Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử 

 1. Người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

 a ) Có tổ chức;

 b ) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.

 * Cấu thành tội phạm:

 - Chủ thể: Chủ thể của tội này là người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử.

 - Hành vi khách quan:

 Hành vi khách quan mà điều luật yêu cầu đối với tội này là hành vi bỏ trốn. Bỏ trốn là hành vi rời khỏi nơi giam giữ, nơi xét xử hoặc rời khỏi sự quản lý của người dẫn giải một cách trái phép bằng bất cứ thủ đoạn nào, có thể là lén lút, có thể bằng lừa dối hoặc có thể bằng thủ đoạn dùng vũ lực, thủ đoạn mua chuộc…

 -  Lỗi:

Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý.

Mục đích không phải là để chống chính quyền nhân dân.

 * Hình phạt:

 Điều 311 BLHS quy định 2 khung hình phạt:

 - Khung cơ bản có mức phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

 - Khung tăng nặng có mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm được áp dụng cho những trường hợp có một trong những tình tiết định khung tăng nặng sau:

 + Có tổ chức;

 + Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.