Trưa 10/5, thông tin từ Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An cho biết: Đơn vị đã có báo cáo nhanh kết quả điều tra ban đầu vụ ngộ độc ngày 9/5 tại Trường Mầm non Thuận Sơn, Đô Lương gửi Cục An toàn thực phẩm và Sở Y tế tỉnh Nghệ An.
Người dân nhốn nháo đưa con em đến cấp cứu tại Trạm y tế xã Thuận Sơn (Ảnh: P.H)
Theo đó, vào khoảng 10h30 ngày 9/5, Trường mầm non Thuận Sơn (tổng số học sinh là 354) có tổ chức ăn bán trú cho 304 trẻ với các món: Cơm, thịt lợn kho trứng cút, rau muống xào và canh bí đỏ nấu với lạc.
Sau khi ăn các cháu đi ngủ trưa và không ghi nhận có biểu hiện bất thường.
Trong bữa ăn giữa chiều, nhà trường chia thành 2 đối tượng ăn, gồm: Nhóm thứ nhất có 37 trẻ (2 tuổi) ăn các món gồm: dưa lê (vào lúc 14h30) và miến nấu thịt lợn băm (vào lúc 15h30); sau khi ăn không ghi nhận các cháu có biểu hiện bất thường.
Nhóm thứ hai có 267 trẻ (các cháu 3 - 5 tuổi) ăn sữa chua do các cô của nhà trường tự chế biến vào lúc 15h30.
Đến 18h30 cùng ngày, xuất hiện trường hợp có biểu hiện đau bụng, nôn, được người nhà đưa vào Trạm Y tế xã Thuận Sơn sơ cứu.
Tiếp đó, lần lượt ghi nhận 76 trường hợp có triệu chứng tương tự và được đưa đến Trạm Y tế xã Thuận Sơn (21 cháu) và Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương (55 cháu).
Tại các cơ sở cấp cứu và điều trị, các bệnh nhi được chẩn đoán ngộ độc thức ăn. Đến 23h30 ngày 9/5, 21 cháu điều trị tại Trạm Y tế sức khỏe ổn định được cho về nhà.
Đến 8h ngày 10/5, 55 cháu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương, sức khỏe ổn định và chờ làm thủ tục ra viện.
Bác sĩ Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục đã có mặt tại huyện Đô Lương để phối hợp với địa phương tiến hành điều tra nguyên nhân.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An và bác sĩ Phạm Ngọc Quy thăm hỏi, động viên gia đình các cháu nghi bị ngộ độc thực phẩm (Ảnh T.T)
Kết quả 76 trường hợp ngộ độc đều là các cháu mẫu giáo ăn món sữa chua do nhà trường tự ủ vào bữa ăn giữa chiều ngày 9/5/2023.
Các cháu ở lớp nhà trẻ trong bữa ăn giữa chiều không ăn món sữa chua không ghi nhận có triệu chứng bất thường.
Trước đó, các cháu (nhà trẻ và mẫu giáo) đều ăn bữa ăn trưa tại trường và không ghi nhận triệu chứng bất thường.
Trên cơ sở đó, bước đầu lực lượng chức năng nghi nguyên nhân gây ngộ độc có thể là do sữa chua.
Cũng theo bác sĩ Quy, sữa chua được các cô nuôi tự chế biến. Nguyên liệu làm sữa chua sử dụng sữa đặc nhãn hiệu Famil (NSX 28/4/2023, HSD: 28/5/2024), sữa chua nhãn hiệu Hanoimilk (NSX: 28/4/2023, HSD: 11/6/2023) và nước giếng khoan qua lọc ủ từ 17h ngày 8/5 đến 15h30 ngày 9/5 đem ra để cho các cháu ăn.
Trong quá trình chế biến, sữa chua được ủ và bảo quản ở nhiệt độ thường, không bảo quản sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh.
Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra, nhà trường xuất trình đầy đủ các hồ sơ liên quan gồm: Quyết định thành lập trường, giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, hợp đồng cung cấp thực phẩm, sổ kiểm thực ba bước, sổ lưu mẫu thực phẩm.
Nơi chế biến sạch sẽ đảm bảo tách biệt giữa các khu vực; thu gom rác thải hàng ngày, thùng rác có nắp đậy kín; có trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm đầy đủ, đảm bảo tách biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín; nhân viên chế biến không mắc các bệnh truyền nhiễm…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận