Xã hội

Đá vỉa hè nứt do trời mưa: Chuyên gia sửng sốt, người trong nghề ngỡ ngàng

09/12/2022, 11:10

Nhiều kiến trúc sư, người trong nghề làm đá không khỏi bất ngờ trước thông tin đá vỉa hè ở Hà Nội nứt một phần là do trời mưa.

Đá khai thác bằng nổ mìn thì không nên dùng lát vỉa hè

Vừa qua, bên lề kỳ họp thứ 10, HĐND TP khóa XVI, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Võ Nguyên Phong đã thông tin với báo chí về việc lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên nhưng nhanh chóng xuống cấp đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

img

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho rằng, đá ở vỉa hè vỡ nát sau thời gian ngắn sử dụng một phần do mưa xuống đá giãn nở nên tự vỡ

Theo ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đá lát vỉa hè giai đoạn trước khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om.

Ngoài ra, đá tự nhiên thường có gân đá, không được đồng chất nên khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý.

Trước thông tin "đá vỉa Hà Nội hỏng là do một phần mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ", kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam tỏ ra bất ngờ. Ông cho biết, chưa nghe nói hiện tượng mưa xuống làm giãn nở khiến đá lát vỉa hè tự vỡ bao giờ.

Ông Tùng cho rằng, vỉa hè là nơi diễn ra nhiều hoạt động công cộng nên khi lựa chọn vật liệu gì để lát cần phải tính toán độ bền vững, an toàn, mỹ quan cho đô thị.

"Muốn đảm bảo được các yếu tố bền vững, an toàn, mỹ quan thì cần phải có nguồn đá đảm bảo tiêu chuẩn, thi công phải đảm bảo kỹ thuật”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cho rằng, đá mà khai thác từ phương pháp nổ mìn thì ít khi được sử dụng để lát đá vỉa hè.

"Tôi cho rằng cần phải kiểm tra loại đá lát ở vỉa hè Hà Nội được lấy từ đâu, đấu thầu như thế nào, phương pháp khai thác đá này có phù hợp để sử dụng việc lát đá vỉa hè không. Đá khai thác bằng nổ mìn thì rất là giòn, dễ dẫn đến vỡ hỏng nên rất ít khi họ sử dụng để lát vỉa hè", ông Tùng nói.

KTS Trần Huy Ánh cũng ngạc nhiên và sửng sốt trước ý kiến cho rằng, nguyên nhân đá vỉa hè nứt một phần do "mưa xuống đá giãn nở, tự vỡ".

"Bài học sơ đẳng của xây dựng thì khi đưa vật liệu xây dựng vào công trình dân dụng thì phải lựa chọn vật liệu có tính chất cơ lý phù hợp với thời tiết, công năng sử dụng. Đá mưa xuống bị vỡ thì không hiểu tại sao lại lựa chọn để lát vỉa hè?", ông Ánh nói.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, nếu đá vỉa hỏng là do mưa là sự thật, thì cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan hữu quan liên quan đến việc thẩm định lựa chọn vật liệu lát vỉa hè ở Hà Nội trong thời gian vừa qua.

"Tôi cho rằng, cần phải có một cuộc thanh tra toàn diện về công tác lát đá vỉa hè ở Hà Nội, từ khâu lựa chọn nhà thầu, thẩm định vật tư cho đến nghiệm thu… Từ đó, làm sáng tỏ nguyên nhân đá vỉa hè ở Hà Nội hỏng là do đâu", ông Ánh nêu quan điểm.

img

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

"Nói mưa bị ngấm khiến đá tự vỡ là chưa hiểu về đá"

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Quảng, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề đá Yên Lâm (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) - người có nhiều năm kinh nghiệm khai thác, chế biến và thi công các công trình về đá cho rằng, việc lát đá vỉa hè quan trọng lựa chọn chất liệu đá và thi công, xây dựng.

Với thông tin đá khai thác nổ mìn và mưa bị ngấm khiến "đá tự vỡ", ông Quảng cho rằng "chưa hiểu về đá".

"Riêng ở Yên Lâm, chúng tôi khai thác đá không dùng mìn nổ mà cắt bằng dây kim cương, còn đá xanh đen bản chất không phải từ nham thạch ra nên thấm nước là chuyện bình thường, chứ không phải ngấm nước là vỡ ra được. Ở đây, chúng tôi vẫn xuất khẩu theo tiêu chuẩn Châu Âu, các nước đó đã dùng không thấy có vấn đề gì", ông Quảng cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề đá Yên Lâm (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, nếu đã chọn được đá đảm bảo chất lượng rồi mà vẫn bị hỏng thì có thể việc thi công mặt nền không tốt.

"Người ta nói dao sắc không bằng chắc kê, nếu kê không tốt xe đi lên đi xuống vỡ là bình thường", Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề đá Yên Lâm nói.

Để đảm bảo được chất lượng lát đá vỉa hè, ông Quảng nhắc lại ngoài chất lượng đá thì đơn vị thi công khi đổ nền thực hiện cho chắc và phải biết được tính chất của viên đá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.