Xã hội

Đặc sắc đêm tôn vinh giá trị hạt cà phê Buôn Ma Thuột

11/03/2023, 10:49

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, tôn vinh giá trình hạt cà phê với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”.

Lễ hội tôn vinh hạt cà phê

Tối 10/3, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã diễn ra lễ khai mạc “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023” với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa TP Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Đồng thời, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê.

img

Đặc sắc đêm tôn vinh giá trị hạt cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: N.H

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, bên cạnh quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cà phê.

Lễ hội còn kết nối giao thương quốc tế và nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc của vùng Tây Nguyên... Đặc biệt, là sự tiếp nối thành công, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam, với quyết tâm đưa Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trở thành “điểm đến của cà phê thế giới”.

img

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Ảnh: N.H

“Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với nhiều kỳ vọng mới, là niềm tin, cũng là khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục phát huy tiềm năng - nội lực, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương để xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh

Tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil) đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD, đóng góp hết sức quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu trên 53 tỷ USD của ngành nông nghiệp.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. Ảnh: N.H

Thương hiệu cà phê của Việt Nam từ lâu đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Trong đó, nguồn cà phê Đắk Lắk chiếm trên 30% sản lượng, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng, đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian tới, để phát triển bền vững ngành cà phê, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp và ngành cà phê. Thực hiện hiệu quả kế hoạch tái canh cây cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại gắn với bảo quản, chế biến sâu và thị trường tiêu thụ.

img

Các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc vùng đất "thủ phủ cà phê". Ảnh: N.H

Đồng thời, phải chú trọng và quan tâm hơn xây dựng thương hiệu; phải xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình. Chú trọng xúc tiến, hình thành được các mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê.

Đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao; gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân.

“Để nâng tầm giá trị và đặc trưng của nông sản Việt Nam, nâng cao đời sống người nông dân, đòi hỏi phải có sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, sát cánh, đồng hành hỗ trợ, định hướng giúp các địa phương trong phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng cà phê nói riêng.

Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tăng cường đổi mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, tận dụng các tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của khu vực Tây Nguyên”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.