Pháp đình

Đại án Oceanbank: Nhóm bà Phấn tố bị Hà Văn Thắm uy hiếp

01/03/2017, 12:09
image

Nhóm bà Phấn tố bị Hà Văn Thắm đe dọa nên mới bán Ngân hàng Đại Tín, CQĐT có chứng cứ việc này.

dai dien nhom ba phan

Bà Ngô Kim Lan, đại diện của nhóm bà Hứa Thị Phấn, trả lời thẩm vấn tại tòa.

Phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương- Oceanbank ngày 1/3 sẽ tiếp tục với phần xét hỏi.

Mở đầu, HĐXX xét hỏi bị cáo Trần Văn Bình, TGĐ Công ty Trung Dung. Theo lời khai, ông ta là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh và được Phạm Công Danh nhờ đứng tên hộ Giám đốc Công ty Trung Dung.

Về hồ sơ vay vốn 500 tỷ đồng, Bình thừa nhận là mình ký nhưng không biết mục đích vay vốn, không đọc hồ sơ vay vốn. Sau khi ký xong thì hồ sơ đưa cho kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh. Về nguồn tiền 500 tỷ  Công tyTrung Dung không sử dụng, có chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dung hay không thì bị cáo cũng không hay biết. Nói về trình tự thủ tục vay 500 tỷ đồng, Trần Văn Bình cho hay: "Giờ đã biết là sai".

Tiếp đó, bà Ngô Kim Lan, đại diện của nhóm bà Hứa Thị Phấn, trả lời thẩm vấn liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng.

HĐXX yêu cầu đại diện bà Phấn làm rõ những nội dung liên quan đến hợp đồng thế chấp tài sản, các khoản vay với Oceanbank, trình bày toàn bộ diễn biến, nguyên nhân, động cơ dẫn đến nhóm bà phấn đồng ý đưa tài sản của mình để thế chấp.

Tại tòa, bà Lan trình bày, nhóm bà Phấn có ký với Hà Văn Thắm hợp đồng kinh tế vào ngày 23/2/2012. Do bị cáo Hà Văn Thắm đã có những lời lẽ đe doạ về hoạt động Ngân hàng Đại Tín, bà Phấn đã phải huy động con cháu chuyển hơn 80% cổ phần Ngân hàng Đại Tín cho Hà Văn Thắm.

Bà Lan cho biết, việc ký hợp đồng kinh tế này nhanh gọn và khó hiểu. Do Thắm có lời lẽ đe dọa thân phận và hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, bà Phấn lo sợ nên đã bảo con cháu giao lại cho Thắm toàn bộ cổ phần. “Việc làm này rất khó tả vì không hiểu là dân sự hay cưỡng đoạt vì sau khi hoàn thành hợp đồng anh ta đi ngay, để lại một nhân viên làm việc này”, người đại diện cho biết.

Sau đó nhân viên của Hà Văn Thắm vào Ngân hàng Đại Tín, nhưng khi họ vào thì tình trạng Ngân hàng càng xấu đi. Đến tháng 4/2012, có nhiều đối tác muốn bà Phấn nhượng lại Đại Tín. Bà Phấn liên lạc với Thắm muốn xin lại cổ phần nhưng bất thành. “Ngoài ra Thắm còn có lời lẽ không tốt với nhóm bà Phấn”, bà Lan tiếp tục trình bày.

Đến tháng 6/2012, Thắm đưa Phạm Công Danh đến gặp bà Phấn. Bà Phấn không muốn chuyển nhượng cho Phạm Công Danh nhưng Thắm đã tác động. Sau đó đại diện bà Phấn đã ký về mặt bàn giao thủ tục, nhưng thực chất là Thắm giao cổ phần Đại Tín cho Phạm Công Danh.

Ngày 6/6/2012, Phạm Công Danh vào tiếp quản Đại Tín với các điều khoản thỏa thuận.

Tháng 12/ 2012, Phạm Công Danh có nói với bà Phấn là muốn vay ở tiền Oceanbank nhưng khoản thế chấp đất tại Tô Hiến Thành, TP.HCM (do Công ty Trung Dung quản lý) chưa đủ tư cách pháp lý. Bên cạnh đó Danh cũng không muốn đưa tài sản lớn đi vay tài sản nhỏ như vậy.

Phạm Công Danh đã đề nghị bà Phấn cho mượn tài sản để vay tiền và trong 3 tháng sẽ hoàn trả. Sau khi ký sẽ lại gia hạn tối đa 1 năm trả lại tài sản.

Theo bà Lan, cả Danh và Thắm đều thể hiện là người trẻ tài năng giàu có, khi chuyển giao sẽ rất tin tưởng để Ngân hàng hoạt động tốt và không đuổi nhân viên cũ của Ngân hàng. Theo đại diện của bà sáu Phấn thì Phạm Công Danh còn cho biết ông ta có rất nhiều tiền. Thời điểm đó nhà nước có gói 30.000 tỷ hỗ trợ thị trường bất động sản thì ông ta có 50.000 tỷ đồng.

Ngoài ra Danh còn cho biết nếu hoàn tất thủ tục đối với mảnh đất tại Tô Hiến Thành thì sẽ rút tài sản đảm bảo của gia đình bà Phấn ra khỏi khối tài sản đảm bảo khoản vay 500 tỷ. Chính vì vậy bà Phấn đã bàn với con cháu cho Phạm Công Danh mượn tài sản.

Sau thời gian một năm, gia đình bà sáu Phấn có gửi văn bản đòi Công ty Trung Dung số tài sản công ty này mượn nhưng công ty này không trả.

Quan điểm của đại diện bà Sáu Phấn là họ bị buộc phải ký thế chấp tài sản vì bị cưỡng ép. Người đại diện cho hay cơ quan điều tra vẫn còn lưu một số chứng cứ liên quan đến việc Thắm đe dọa bà Phấn về vấn đề này.

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.