Điều tra

Đại án Phạm Công Danh: Bà Phấn quan hệ gì với Hà Văn Thắm?

25/07/2016, 13:14

Bà Hứa Thị Phấn là đại diện của nhóm Phú Mỹ, sở hữu gần 84,92% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank).

Bà Hứa Thị Phấn (thứ nhất từ trái qua) xuất hiện t

Bà Hứa Thị Phấn (thứ nhất bên trái) xuất hiện tại phiên tòa xử đại án Phạm Công Danh theo lệnh triệu tập

Trước khi Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng gần 85% cổ phần từ Ngân hàng Đại Tín (sau này đổi thành Ngân hàng Xây dựng ) thì số cổ phần này đã được bà Hứa Thị Phấn ký khống chuyển nhượng cho Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương. 

Mua bán vòng vo

Bà Hứa Thị Phấn là đại diện của nhóm Phú Mỹ, sở hữu gần 84,92% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Trong quá trình điều hành, nhóm cổ đông này đã khiến ngân hàng rơi vào tình trạng âm 2.854 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng. Riêng chỉ trong tháng 3/2012, lỗ 326 tỷ đồng. Tại thời điểm này ông Phạm Công Danh và bà Phấn chưa ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra (CQĐT), thời điểm từ tháng 2 - 6/2012, ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương, đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” ngày 24/10/2014) lấy lý do Ngân hàng Đại Tín nợ Ngân hàng Đại Dương khoảng 900 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng để tham gia vào hoạt động điều hành Ngân hàng Đại Tín. Với mục đích thâu tóm Đại Tín, ông Thắm đã tiến hành các bước mua lại cổ phần do nhóm bà Phấn đang nắm giữ. 

Đến ngày 23/2/2012, ông Thắm và bà Ngô Kim Huệ (cháu bà Phấn, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Tín) đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu 84,92% cổ phần trị giá hơn 2.547 tỷ đồng ký hợp đồng với nội dung: Ông Thắm đồng ý mua lại gần 85% cổ phần của bà Huệ và phải chịu trách nhiệm đối với khoản vay mượn 3.553 tỷ đồng liên quan đến nhóm bà Phấn. Hai bên sẽ cùng hợp tác xử lý cơ cấu tài sản do các cá nhân, doanh nghiệp đang có dư nợ tại Ngân hàng Đại Tín. Sau đó, Hà Văn Thắm đã cử 3 Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương vào điều hành, dùng tiền của Ngân hàng Đại Dương để mua lại các khoản nợ tại Ngân hàng Đại Tín với số tiền khoảng 800 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, do không đủ năng lực tài chính nên Thắm đã chuyển nhượng số cổ phần đang nắm giữ, các khoản nợ giữa Ngân hàng Đại Dương và Đại Tín cũng như quyền điều hành cho Phạm Công Danh, khi đó đang là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh (thời điểm này, Thiên Thanh đang là con nợ tại Ngân hàng Đại Dương).

Thừa nhận ký khống chuyển nhượng cổ phần

Theo bản tường trình của bà Phấn với CQĐT, sau khi nhóm Phú Mỹ thống nhất với Thắm về việc chuyển nhượng gần 85% cổ phần vào tháng 2/2012, bà Phấn đã ký khống cho Thắm giấy chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đang sở hữu… nhưng không ghi tên người nhận chuyển nhượng, không ghi ngày chuyển nhượng; ký khống vào hợp đồng ủy quyền và giao toàn bộ 84,92% cổ phần cho ông Hà Văn Thắm.

Tuy nhiên, đến khoảng 5 - 6/2012, ông Thắm lại không tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng như đã thống nhất với nhóm Phú Mỹ và chủ động chuyển nhượng cổ phần cho nhóm Thiên Thanh. Ngày 6/6/2012, nhóm Phú Mỹ và nhóm Thiên Thanh đã ký kết biên bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng gần 85% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín thay cho nhóm ông Thắm.

“Khi đó tôi mới được biết ông Thắm đã chuyển giao toàn bộ số cổ phần của nhóm Phú Mỹ và các giấy tờ ký khống nêu trên cho nhóm Thiên Thanh. Thông qua hồ sơ của Ngân hàng Đại Tín cung cấp, tôi xác nhận chữ ký trên giấy chuyển nhượng là chữ ký của mình và sau này tôi đã bổ sung bằng chữ viết tay tên người nhận chuyển nhượng, cũng có ghi rõ ngày, tháng, năm”, trích bản tường trình của bà Phấn.

Trong bản tường trình với CQĐT, bà Phấn khẳng định mình và ông Danh không có mối quan hệ gì. Việc chuyển nhượng cổ phần cho các cá nhân trên do ông Thắm và nhóm Thiên Thanh chỉ định.

Cần điều tra hành vi chuyển nhượng cổ phần trái pháp luật

Luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Hà Hải (thuộc Đoàn Luật sư TP HCM, nhóm luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh) vừa gửi đơn đề nghị làm rõ những sai phạm của bà Hứa Thị Phấn và những người đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín trong vụ án Phạm Công Danh. 

Theo nhóm luật sư này, có nhiều tài liệu, chứng cứ cho thấy có đủ cơ sở khẳng định, ông Danh chuyển 3.581 tỷ đồng cho bà Phấn để nhận chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín và nhận chuyển giao quyền tài sản từ bà Phấn sang cho ông Phạm Công Danh là trái pháp luật cần được điều tra làm rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.